Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Hảo Đước, huyện Châu Thành:

Ngân sách xã, như… tiền túi của các “ông làng” (?!)

Cập nhật ngày: 28/11/2016 - 01:16

Nguồn tin từ Thanh tra huyện Châu Thành cho biết, cơ quan này vừa công bố kết luận thanh tra ngân sách tại UBND xã Hảo Đước. Theo đó, trong thời gian hai năm 2014 và 2015, năm nào ngân sách xã cũng được thực hiện vượt dự toán, và 7 tháng (năm 2016) cũng đã thực hiện được gần 85% dự toán năm. Thế nhưng, năm nào huyện cũng phải “bù hụt thu” cho ngân sách xã, do phần lớn các nguồn thu vượt đều là “ngoài dự toán”.

Có lẽ vì hiểu nhầm là nguồn thu ngoài dự toán, có quyền sử dụng ngoài… Luật Ngân sách, nên các “ông làng” - Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nhiệm kỳ 2011-2016) cùng cán bộ kế hoạch, giao thông, thuỷ lợi, nông- lâm- ngư nghiệp và kế toán, thủ quỹ mặc nhiên xem ngân sách xã như… “tiền túi” của mình.

Điển hình là việc sử dụng các khoản tiền “hỗ trợ quản lý sản phẩm thuốc lá” từ một doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc lá nguyên liệu tại địa phương; “1% hỗ trợ do miễn thuỷ lợi phí” của Trung ương cấp để “phối hợp thực hiện nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi”. Các khoản này tuy chỉ là “hỗ trợ”, hay chỉ “1%” nhưng cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng, do diện tích canh tác cây thuốc lá và kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn xã khá lớn.

Bên cạnh đó, các khoản quỹ bảo trì đường bộ; tiền cho thuê đất công; tiền thu phí, thu mặt bằng tại chợ Hảo Đước, chợ Bàu Sen… đều không nộp, hay chưa nộp vào ngân sách, hoặc mượn khoản này để chi cho khoản kia nhưng chưa chi, hay cho cán bộ “ứng” trả dần nhưng mấy năm rồi vẫn chưa trả… Đáng chú ý là có khá nhiều khoản chi thường xuyên kế toán của xã “chưa cung cấp được chứng từ” lên đến trên 680 triệu đồng.

Cụ thể một số nội dung thu, chi theo kiểu “xài tiền túi của mình” như sau: Đối với khoản thu “hỗ trợ chi phí quản lý sản phẩm nguyên liệu thuốc lá” của một doanh nghiệp ở Bến Cầu chi cho UBND xã Hảo Đước trong 3 năm 2013-2015 tổng cộng là 110,6 triệu đồng, nhưng thể hiện khoản thu này trong nguồn thu khác của ngân sách xã chỉ là 7,6 triệu đồng. Số còn lại là 103 triệu đồng, thì: “Qua làm việc với ông Ngô Tấn Công, nguyên Chủ tịch UBND xã Hảo Đước đã nhận thấy việc làm sai sót của mình và ông đã sử dụng tiền cá nhân để khắc phục, nộp số tiền 103 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra huyện vào ngày 26.10.2016”. 

Về khoản thu “1% ngân sách Trung ương hỗ trợ do miễn thuỷ lợi phí và số thuỷ lợi phí sản xuất ngoài hạn điền để UBND xã, phường, thị trấn cấp công tác phí cho cán bộ được phân công trực tiếp phối hợp thực hiện nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi”, trong hơn 3 năm từ 2013 đến tháng 8.2016, ông Trương Thành Nhân- nguyên Phó Chủ tịch UBND xã đã ký giấy giới thiệu và ký phiếu thu cho ông Trần Chí Linh (cán bộ kế hoạch, giao thông, thuỷ lợi, nông, lâm, ngư nghiệp xã Hảo Đước) đến Xí nghiệp thuỷ lợi Châu Thành nhận tiền, tổng cộng là trên 112,3 triệu đồng.

Có lẽ ông Linh nghĩ rằng, tiền này ngân sách Trung ương cấp để chi công tác phí cho “cán bộ trực tiếp phối hợp”, tức là cấp cho ông, vì ông là cán bộ phụ trách rất nhiều công tác- trong đó có công tác thuỷ lợi, nên đương nhiên ông có quyền xài. Ông Linh tự trích lấy 1/3 số tiền 112,3 triệu đồng bỏ vào túi riêng, số còn lại đưa cho ông Nhân và “nhờ gửi lại một phần cho ông Ngô Tấn Công”.

Biện minh cho cách “ăn chia khá sòng phẳng” này, “ông làng” phụ trách thuỷ lợi cho rằng do “không biết số tiền nhận về là phải nộp ngân sách”. Cho đến khi ông Linh nhận khoản tiền cuối cùng vào ngày 25.8.2016, lúc này, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ mới là ông Nguyễn Văn Đạt chỉ đạo, ông Linh mới nộp hơn 11,4 triệu đồng vào ngân sách. Thế là số tiền 1% được cấp nhờ miễn thuỷ lợi phí mà ba “ông làng” Linh, Nhân, Công đã bỏ túi là gần 102 triệu đồng, cũng đã phải nộp vào “tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra huyện vào ngày 1.11.2016”.

Như vậy, chỉ riêng hai khoản “bỏ túi” của các “ông làng” kể trên đã là 205 triệu đồng, và còn các khoản “chưa cung cấp được chứng từ” tổng cộng 680 triệu đồng mà bà kế toán Trần Thị Lừng phải chịu trách nhiệm, có lẽ việc giải quyết những sai phạm về quản lý ngân sách Nhà nước ở xã Hảo Đước chưa thể dừng lại ở đây.

Tuy nhiên, cán bộ, công chức và nhân dân xã Hảo Đước chỉ thấy trong văn bản kết luận thanh tra có “kiến nghị biện pháp xử lý” là “đưa” các “ông làng” đã “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tài sản của Nhà nước” kể trên ra “Hội đồng kỷ luật huyện xem xét”, và “Kiểm điểm rút kinh nghiệm” (đối với ông “cán bộ nhiều việc” Trần Chí Linh)!

Vì thế, những người được xem qua văn bản kết luận thanh tra ngân sách xã Hảo Đước đều không khỏi thắc mắc: Đối với các cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật “rõ mười mươi” như thế, tại sao Thanh tra huyện Châu Thành không kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo pháp luật?

DUY NHÃ


Liên kết hữu ích