BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 12 tháng 9:

Cập nhật ngày: 12/09/2017 - 09:03

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (còn gọi là Huỳnh Minh Siêng), sinh ngày 12-9-1921 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng và qua đời năm 1989.

Trước năm 1945, ông học đại học ở Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên yêu nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các công tác văn hoá nghệ thuật, thông tin, báo chí, thiếu nhi, thanh niên.

Hoà bình lập lại (năm 1954), ông giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và múa, Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở về miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, làm Bộ trưởng Bộ Thông tin văn hoá của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam. Năm 1981 ông được phong Giáo sư, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc gia, Ủy viên thông tấn của Hội đồng Âm nhạc quốc tế.

Sự nghiệp âm nhạc của Lưu Hữu Phước khá to lớn, biểu lộ rõ khuynh hướng yêu nước và dân tộc, gắn chặt với "nhịp đi" của Cách mạng nước nhà. Lưu Hữu Phước xứng đáng là ngôi sao sáng của nền âm nhạc cách mạng với các bài hát đã đi vào lòng người như: "Tiếng gọi thanh niên", "Lên đàng", "Giải phóng miền Nam", "Lãnh tụ ca", "Bạch Đằng Giang", "Đông Nam Á châu"...

Năm 1996, Nhà nước ta đã truy tặng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giải thưởng Hồ Chí Minh.

* Ngày 12-9-1930, 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên, Nghệ An biểu tình tiến về phủ lỵ. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng, Pháp cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình giết chết hàng trăm người. Đến chiều, khi nhân dân các làng Thông Lạng, Thái Lão ra chôn cất người hy sinh, máy bay lại ném bom, tổng số hy sinh là 217.

Trong phong trào Xô Viết, sự kiện 12-9 ở Hưng Nguyên là mốc đánh dấu thời kỳ quyết liệt và đẫm máu nhất của phong trào.

* Ngày 6-9-1961, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh công bố "Pháp lệnh đặt huân chương và huy chương chiến sĩ vẻ vang" được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 12-9-1961. Mục đích là để khen thưởng cán bộ và chiến sĩ có công lao trong việc xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân vũ trang sau ngày hoà bình lập lại.

* Ngày 12-9-1991, tại Tơriextơ (Italia), nhà toán học nữ Lê Hồng Vân, 30 tuổi, chuyên gia về hình học vi phân đã được tặng giải thưởng của Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết.

Chị là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới và là người Việt Nam đầu tiên được tặng giải thưởng này.

Năm ấy Lê Hồng Vân đã là tiến sĩ toán học. Chị sinh tại Hà Nội trong một dòng họ nhiều đời khoa bảng về Hán học cũng như Tây học. Thân sinh của chị là ông Lê Văn Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, một tri thức có tiếng từ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Chị ruột của chị là Lê Hoàng Lan, phó tiến sĩ ngữ văn. Cả ba chị em đều bảo vệ luận án tại Trường đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Liên Xô).