BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 25 tháng 10:

Cập nhật ngày: 25/10/2017 - 22:16

Ngô Thì Nhậm, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, sinh ngày 25-10-1746 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông là con Ngô Thì Sĩ.

Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ. Năm 1788 Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, ông được trọng dụng, phong làm Tả Thị Lang bộ Lại. Trong giai đoạn phụ tá Quang Trung, tài năng ông phát huy cao độ trên các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, ngoại giao. Các tác phẩm của ông có nhiều giá trị trong kho tàng văn học nước nhà như: "Nhị thập nhất sư toát yếu", "Bút hai tùng đàm"; "Ung vân nhân vịnh"...

Khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, ông và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội, và ngày 9-3-1803 ông bị đòn rồi mất, thọ 57 tuổi.

* Bà Ấu Triệu tên thật là Lê Thị Đàn, quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vào khoảng năm 1903, bà gặp cụ Phan Bội Châu ở Huế và từ đó trở thành một người cổ động tích cực trong phong trào Đông Du, phụ trách việc liên lạc với các cơ sở trong nước, cử người ra du học ở nước ngoài.

Năm 1910, bà bị thực dân Pháp bắt, tra khảo dã man nhưng một mực  không khai báo gì. Đêm 25-10-1910, sau khi cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà giam lời kêu gọi đồng bào đấu tranh giành độc lập, bà đã dùng tấm khăn lụa thắt cổ tự tử. Sau này, cụ Phan Bội Châu lấy tên Ấu Triệu (bà Triệu trẻ) đặt cho bà Lê Thị Đàn, ngụ ý ca ngợi bà biết noi gương bà Triệu ở Thanh Hoá - người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược nước ta thế kỷ thứ III.

* Nhà văn Nguyễn Đình Thạc, bút danh Như Phong, sinh ngày 25-10-1917 tại Hà Nội. Ông là nhà phê bình và lý luận văn học sắc bén.

Trước Cách mạng tháng Tám, Như Phong viết truyện, lý luận văn học ở các báo: "Tiểu thuyết thứ bảy", "Ích Hữu", "Thời vụ mới"... Năm 1937 ông tham gia hoạt động bí mật. Từ 1942 ông vận động thành lập Hội văn hoá Cứu quốc và được bầu vào Ban Chấp hành Hội.

Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: ủy viên Đảng đoàn Hội Văn nghệ Việt Nam, ủy viên Bộ Biên tập báo "Nhân dân", ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Phó chủ bút báo "Cứu quốc", giám đốc nhà xuất bản Văn học. Tác phẩm tiêu biểu của ông: "Thơ văn Trần Mai Ninh" và một số tiểu phẩm có giá trị khác. Ông mất ngày 1-2-1985, thọ 68 tuổi.

* Ngày 25-10-1941, Tổng bộ Việt Minh chính thức công bố "Chương trình Việt Minh" phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Văn kiện này nhấn mạnh những mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;
2. Làm cho nước Việt Nam được sung sướng, tự do.
Văn kiện còn giới thiệu các chính sách cụ thể của Việt Minh về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Đến tháng 8-1942, Toà soạn báo "Việt Nam độc lập" phát hành cuốn "Ngũ Tự Kinh" (kinh 5 chữ), dùng văn vần để phổ biến "Chương trình của Việt minh".

* Từ ngày 25-10 đến ngày 4-11-1956, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam đã tiến hành tại thủ đô Hà Nội. Có 479 đại biểu từ mọi miền đất nước về dự.

Đại hội đã quyết định đổi tên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam.