BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðẩy mạnh quảng bá, nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được “đánh thức” 

Cập nhật ngày: 02/10/2023 - 09:15

BTN - Kế hoạch năm 2023, Tây Ninh dự kiến đón khoảng 5 triệu du khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng, đó cũng là những con số kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh (năm 2022 đạt 4,5 triệu du khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng).​

Du lịch tâm linh trên núi Bà Đen.

Tây Ninh, một tỉnh có đường biên giới dài gần 234km giáp Vương quốc Campuchia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều điều kiện về vị trí địa lý đặc thù, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, văn hoá đa dạng, độc đáo. Tận dụng tiềm năng, lợi thế này, Tây Ninh đã và đang dần phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ du lịch về nguồn, tâm linh đến du lịch sinh thái, trải nghiệm…​

Theo thống kê 8 tháng đầu năm 2023, Tây Ninh thu hút gần 4 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt trên 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 1 - 4.9.2023), lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch ước đạt 105.000 lượt khách - tăng 7,1% so cùng kỳ; Công suất phòng bình quân ước đạt 60%-65%; tổng thu du lịch ước đạt 56 tỷ đồng- tăng 143,5% so cùng kỳ.

Trong đó, phần lớn du khách đến tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ với hệ thống cáp treo hiện đại. Khu du lịch này ngày càng hoàn thiện, nâng cấp nhiều hạng mục, thu hút rất đông du khách không chỉ trong dịp lễ mà cả những ngày nghỉ cuối tuần, thúc đẩy tăng trưởng các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống. Theo Sở VH,TT&DL, dự kiến lượng khách trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh.​

Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh đã được “đánh thức”, từ đó, Tây Ninh định vị được nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng và xác định trọng điểm để thu hút đầu tư.

Theo đó, điểm nhấn của du lịch Tây Ninh được tỉnh xác định là sản phẩm du lịch văn hoá gắn với Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Qua đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển nơi này thành khu du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc, giữ vai trò trung tâm, có sức lan toả lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh.​

Tỉnh cũng định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm. Từ núi Bà Đen đến Toà thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Cùng với đó là các điểm đến mang tính kết nối, lan toả, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng của tỉnh Tây Ninh.​

Bà Trần Thị Huy Hoàng cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá, nhất là di tích cấp quốc gia và di sản văn hoá phi vật thể quốc gia như: Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh, Múa trống Chhay dăm, Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen…

Từ đó phát triển, triển khai thành sản phẩm du lịch đặc sản, thu hút đông đảo khách tham quan. Đồng thời, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lễ hội, sự kiện thể thao, văn hoá, du lịch, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh nhà.​

Với đường biên giới dài gần 234km, giáp 3 tỉnh Vương quốc Campuchia, Tây Ninh được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cho du lịch vùng biên. Đặc biệt, điểm nhấn của tỉnh là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát với các loài động vật, thực vật đa dạng, quý hiếm. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã được công nhận là 1 trong 10 Vườn di sản ASEAN của cả nước và chỉ duy nhất ở vùng Đông Nam bộ.

Mặt khác, các công trình kiến trúc độc đáo của các chùa Nam tông Khmer ở vùng biên hay nét văn hoá độc đáo của người Khmer qua những điệu múa Lâm Thôn, nghệ thuật biểu diễn dàn nhạc ngũ âm… cũng là những sản phẩm du lịch đầy tiềm năng cho vùng biên giới Tây Ninh.

Trải nghiệm vẻ đẹp chùa Kiri Sattray Menchey (còn gọi là chùa Kà Ốt), nằm trên địa phận ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, chị Thái Thị Thanh Như (34 tuổi, ngụ quận 4, TP. Hồ Chí Minh) không ngớt lời khen ngợi. Chị Như lý giải, sở dĩ chị phải tìm đến chiêm ngưỡng ngôi chùa ở vùng biên giới này bởi chùa Kà Ốt là một trong 6 ngôi chùa Nam tông Khmer có kiến trúc độc đáo bậc nhất ở tỉnh Tây Ninh.

Ngôi chùa không xây dựng nhiều tầng lầu với lối kiến trúc cầu kỳ, bề thế hay quá đơn sơ, giản dị, nơi đây sở hữu nét đẹp truyền thống dịu dàng, chừng mực khiến ai nấy từng dừng chân đều cảm thấy vô cùng gần gũi, quen thuộc.

Chùa Kà Ốt đã và đang trở thành nét độc đáo cho vùng biên.

Theo Sở VH,TT&DL, tỉnh đã có chỉ đạo đến các huyện vùng biên chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn hoá, phong tục, tập quán, lối sống đẹp của các đồng bào dân tộc trên địa bàn.​

Điệu múa Lâm Thôn truyền thống của các thiếu nữ Khmer ở Hoà Hiệp, huyện Tân Biên.

Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức các lễ hội, trình diễn nghệ thuật và có thêm nhiều cách thức quảng bá nét độc đáo trong văn hoá của đồng bào dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển du lịch của địa phương.​

Điệu múa trống Chhay dăm trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo tại Tây Ninh.

Để giữ vững và lan toả sức hút của du lịch Tây Ninh, tỉnh đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Đặc biệt, tỉnh đang chuẩn bị tổ chức sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” hưởng ứng Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10.10.1954 -10.10.2023) trong hai ngày 7-8.10 với nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc cùng các trải nghiệm thực tế hấp dẫn.

Phan Dương