BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Ai chà lư đồng không…” 

Cập nhật ngày: 16/01/2023 - 06:36

BTN - Những người làm nghề chà lư đồng từ tỉnh Đồng Tháp thường đến Tây Ninh vào dịp cuối năm, rong ruổi khắp mọi nẻo đường để làm nghề, với mong muốn có thêm thu nhập cho ngày tết.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề

Cứ đến đầu tháng Chạp, ông Ngô Văn Nghĩa (SN 1974, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cùng người thân từ Đồng Tháp đến Tây Ninh làm nghề chà lư đồng. Là người dân Đồng Tháp nhưng ông Nghĩa khá thông thạo đường sá ở Tây Ninh, bởi ông đã có hơn 30 năm làm nghề chà lư đồng ở mảnh đất vùng Đông Nam bộ này. Công việc chà lư lấy công làm lời là chính vì phải chịu khó đi khắp các nẻo đường trong tỉnh.

Ông Nghĩa cho biết, nghề này là do ba vợ của ông truyền lại. Ngày xưa, khi giao thông chưa phát triển, gia đình bên vợ của ông di chuyển bằng ghe từ Đồng Tháp đến rạch Tây Ninh (khu vực cầu Quan, phường 2, TP. Tây Ninh) neo đậu, rồi rong ruổi khắp các nẻo đường ở Tây Ninh làm nghề chà lư đồng. Ngày nay, giao thông thuận tiện nên gia đình ông đi bằng xe máy, kéo theo xe chà lư đồng tự chế đến Tây Ninh mất khoảng 6 giờ đồng hồ.

“Tây Ninh là vùng đất của đạo Cao Đài. Do đó, nhu cầu chà lư trong dịp tết của người dân ở đây rất cao. Đặc biệt là ở 2 địa bàn thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh, người dân theo đạo Cao Đài rất đông nên chúng tôi tập trung di chuyển ở hai khu vực này nhiều hơn”- ông Nghĩa chia sẻ.

Cách đây hơn chục năm, có năm, đoàn người của ông Nghĩa lên đến 50-60 thành viên. Thông thường, mọi người đi nhóm nhỏ 2-3 người theo hộ gia đình. Có người mang theo con nhỏ vì không ai chăm nom. Năm nay, đoàn của ông Nghĩa lên Tây Ninh khoảng 20 người với 8 chiếc xe chà lư tự chế. Riêng ông Nghĩa đi cùng hai con, một trai một gái.

Bộ dụng cụ hành nghề của ông Nghĩa khá đơn giản. Một chiếc xe máy cũ và chiếc xe ba gác phía sau để chở chiếc máy dầu có trục xoay ở giữa, hai bên gắn 2 miếng xốp có quấn vải xung quanh dùng để đánh bóng; nước tẩy để vệ sinh bộ lư và thanh sáp đánh bóng kim loại. Mỗi xe 2 người, 6 giờ sáng là xuất phát và đến chạng vạng mới về.

Để bộ lư được trông như mới, mỗi người thợ đều có bí quyết và kỹ thuật chà bóng riêng. Theo ông Nghĩa, trước khi đánh bóng phải vệ sinh lư thật kỹ, rồi lau khô. Để đánh bóng lư, người thợ phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng, lên xuống theo từng vòng quay của bánh xe và di chuyển lư đồng tròn đều để mọi ngóc ngách đều được đánh bóng.

Ở các khe, rãnh, hoa văn phải đánh thật cẩn thận để bảo đảm độ sáng đồng đều. Đánh bóng xong, các đồ vật thờ cúng bằng đồng được chùi lại thật kỹ bằng vải khô. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ mài giũa, lau chùi cẩn thận bởi nhiều đồ thờ cúng được thiết kế, chạm trổ rất công phu, không cẩn thận có thể làm gãy và biến dạng.

“Lư đồng là vật dụng thờ cúng linh thiêng, được xem là vật thu hút tài lộc, xua đuổi tà khí nên người thờ cúng rất quý. Vì vậy, khi chà lư, người làm cần nâng niu và cẩn trọng để không làm biến dạng lư đồng. Chà xong phải để lư đồng ở nơi sạch sẽ, giữ sự trang nghiêm cho đồ thờ cúng. Đây là những quy tắc khi chà lư đồng mà người chà lư nào cũng biết”- ông Nghĩa nói.

Với kinh nghiệm lâu năm làm nghề chà lư đồng tại Tây Ninh, ông Nghĩa và nhiều người chà lư đồng trong đoàn được người dân địa phương tin tưởng, liên hệ "đặt lịch" đến chà lư vào dịp cuối năm. Có lượng khách ổn định nên tháng Chạp hằng năm, những người chà lư từ Đồng Tháp lại khăn gói lên Tây Ninh làm nghề.

Chị Huỳnh Thị Ánh Nguyệt (SN 1986), một người bà con của ông Nghĩa theo chồng làm nghề chà lư đồng tại Tây Ninh đã 14 năm. Chị Nguyệt chia sẻ: đây là một trong những công việc thời vụ giúp gia đình có thêm thu nhập để sắm sửa trong ngày tết. Công việc chính của vợ chồng chị là làm thuê, làm mướn, thu nhập khá bấp bênh. Cuối năm, nghề chà lư giúp gia đình chị có tiền sắm sửa nhu yếu phẩm, bánh mứt, hoa quả... và có trang trải trong dịp tết.

Năm nay, từ đầu tháng Chạp, gia đình chị Nguyệt đã lên Tây Ninh để làm nghề chà lư nhưng không đắt khách như mọi năm, do cạnh tranh ngày càng nhiều.

“Ở Tây Ninh xuất hiện nhiều người làm nghề chà lư nên bà con không còn chờ người đánh bóng lư đồng dạo như chúng tôi. Hiện tại, mỗi ngày hai vợ chồng nhận đánh bóng khoảng 4-5 bộ lư, chủ yếu là khách mối nhiều năm gọi đến làm. Mỗi ngày, vợ chồng tôi thu nhập từ 300 - 400 ngàn đồng. Trừ chi phí xăng dầu, ăn uống thì không còn bao nhiêu. Tôi hy vọng từ ngày 20 tháng Chạp tình hình sẽ khả quan hơn”- chị Nguyệt cho biết.

Đoàn chà lư đồng của gia đình chú Nghĩa đánh bóng lư đồng cho một ngôi chùa.

Tình cảm dành cho Tây Ninh

Ông Nghĩa tâm sự, hơn 30 năm đến Tây Ninh làm nghề chà lư đồng, gia đình ông cùng nhiều hộ đi cùng nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân nơi đây, từ nơi ở, bữa cơm đến sự giúp đỡ khi chẳng may gặp khó khăn, bệnh tật...

Sự nghĩa tình, tấm lòng nhân hậu của người dân Tây Ninh khiến gia đình ông rất cảm kích và biết ơn. Mảnh đất Tây Ninh đã dần trở nên thân thuộc như quê hương thứ hai của gia đình ông.

Ông Nghĩa kể, ngày đầu tiên theo ba vợ của ông đến Tây Ninh làm nghề chà lư đồng, trong đoàn có gần 40 người. Mọi người chen chúc trên ghe sinh sống, cả phụ nữ và trẻ nhỏ. Thương lũ trẻ phải dầm sương dãi nắng, một hộ gia đình (chủ nhà giấu tên) ở ven rạch Tây Ninh (đường Hồ Văn Lâm, phường 2, thành phố Tây Ninh) đã cho cả đoàn tá túc.

"Mỗi năm, cứ đến tháng Chạp là gia đình tôi gọi điện thoại xin cô chú cho ở nhờ. Lúc nào chúng tôi cũng được cô chú đón tiếp tận tình. Khi đến nơi, sân vườn đã dọn dẹp sạch sẽ để có chỗ chúng tôi ở. Cô chú còn cho chúng tôi sử dụng nhờ nguồn điện để sinh hoạt.

Không chỉ vậy, những hôm đi làm ế ẩm, không có tiền ăn uống, người dân sống xung quanh rạch Tây Ninh hướng dẫn chúng tôi đến những ngôi chùa hoặc quán cơm từ thiện ăn cơm chay miễn phí. Nhờ những bữa cơm nghĩa tình đó, chúng tôi tiết kiệm khá nhiều để có tiền trang trải chi phí đi đường về quê và có mùa tết ấm cúng hơn"- ông Nghĩa xúc động kể.

Còn đối với chị Ánh Nguyệt, Tây Ninh là xứ nhiều chùa, là vùng đất tâm linh với những con người nghĩa tình, tốt bụng. Năm ngoái, cận tết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, gia đình chị xin chỗ ở trong một ngôi chùa ở phường 2, thành phố Tây Ninh để đi chà lư đồng. Được tá túc lại còn được nhà chùa cho cơm ăn, gia đình chị rất cảm động. Từ đó, đoàn chà lư đồng của gia đình chị có nguyên tắc: khi chà lư đồng cho chùa sẽ không lấy tiền hoặc chùa cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không lấy theo giá thị trường.

 “Người Tây Ninh rất tốt bụng. Sau nhiều năm đến Tây Ninh làm nghề này, gia đình chúng tôi có khá nhiều mối chà lư trong dịp tết. Sau khi chà lư, nhiều nhà còn cho quà tết đem về. Tấm lòng và sự hiếu khách của người dân Tây Ninh thật sự rất đáng quý. Chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của tất cả mọi người”- chị Nguyệt nói.

Những ngày cận tết, ai nấy đều bận rộn dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa chuẩn bị đón tết, đoàn người chà lư đồng dạo của gia đình chú Nghĩa, chị Nguyệt vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường ở Tây Ninh chỉ mong kiếm thêm thu nhập về quê ăn tết. Mong rằng, năm nay đoàn chà lư của cô chú, anh chị sẽ đắt khách, để đón cái tết ấm cúng bên gia đình.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ