BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác trước mưu đồ “nhóm lửa” 

Cập nhật ngày: 14/08/2021 - 00:56

BTN - Không cần phải bàn về ý nghĩa lớn lao, giá trị của công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội. Nhưng, cũng từ đây, nhiều cá nhân, tổ chức cả trong và ngoài nước tận dụng tối đa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để chống phá đất nước.

(Ảnh minh hoạ)

Thế giới đang sống trong thời đại toàn cầu hoá, cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 (thường được gọi là cuộc cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ. Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã và đang tạo ra những bước đột phá, bước chuyển về sản xuất, kinh doanh, thương mại... chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Không cần phải bàn về ý nghĩa lớn lao, giá trị của công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội. Nhưng, cũng từ đây, nhiều cá nhân, tổ chức cả trong và ngoài nước tận dụng tối đa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để chống phá đất nước.

“Dòng chảy thông tin”- một loại vũ khí mới

Từ giai đoạn đầu những năm 2000 đến nay, hàng loạt quốc gia ở Bắc Phi, Tây Á, Ðông Âu đều xảy ra những biến cố làm cho những nước này rơi vào vòng xoáy của bất ổn, bạo lực, chiến tranh thậm chí cao hơn, tính thống nhất của nhà nước tan rã.

Trước khi rơi vào vòng xoáy bạo lực, chiến tranh, nội chiến, ở các quốc gia nêu trên có một hiện tượng giống nhau, đó là sự bất ổn của họ bắt nguồn từ những sự việc cụ thể, thậm chí rất nhỏ, không ai nghĩ rằng, điều đó có thể làm thay đổi cả một chế độ.

Ðơn cử, Tunisia- một quốc gia châu Phi khá phát triển, mức sống của người dân cao hơn hẳn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Nhưng, quá trình phát triển của một quốc gia không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập, yếu kém. Khởi đầu cho cái gọi là cuộc “cách mạng hoa nhài” (hay lài) từ việc một thanh niên bán rau trên hè phố bị cảnh sát tịch thu gánh hàng, anh này tự thiêu.

Tại thời điểm đó, tháng 12.2010, đây chỉ là một vụ việc nhỏ. Nhưng, chính “đốm lửa” nhỏ này đã bùng lên thành đám cháy thiêu rụi hầu hết thành quả kinh tế ở quốc gia này, sau hàng chục năm xây dựng. Cũng từ “cột mốc” này, cái gọi “mùa xuân Ả rập”- một mỹ từ do báo chí phương Tây dùng, lan khắp khu vực.

Hậu quả của “mùa xuân Ả rập” như thế nào, đến hôm nay, câu trả lời đã rõ. Hầu hết các quốc gia bị cuốn vào cơn bão này đều trở nên tiêu điều, bất ổn, bạo lực chưa có dấu hiệu lắng xuống. Không chỉ vậy, có quốc gia, mặc dù vẫn còn tên gọi nhưng thực tế gần như đã tan rã.

Không chỉ ở vùng châu Phi hay Tây Á, ngay cả một số quốc gia ở Ðông Âu vốn từng là thành viên trong Liên bang Xô Viết cũng không tránh khỏi những bất ổn triền miên. Lời hứa “trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU)” cho đến lúc này, chỉ là “bánh vẽ”.

Sau bao nhiêu biến cố, người dân ở những quốc gia kể trên không được gì, ngoài cuộc sống đảo lộn, thu nhập, công ăn việc làm trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Hẳn nhiều người chưa quên bức ảnh ám ảnh cộng đồng thế giới khi một cậu bé người Libya trôi dạt vào bờ biển Nam Âu.

Trên mạng internet vẫn còn câu chuyện của một thầy giáo người Libya, anh cho biết, trước khi “cách mạng” xảy ra, đất nước anh có nhà trường, có học trò, có thầy cô giáo, có y tế, giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới. Bây giờ, đất nước anh- một quốc gia giàu có, phát triển nhất châu Phi- chỉ còn lại đống gạch vụn theo đúng nghĩa đen.

Ðiểm lại vài nét như trên để đặt ra một câu hỏi: vì sao chỉ từ những vụ việc đơn lẻ, tưởng như vô hại nhưng những “đốm lửa” ấy lại bùng lên thành đám cháy? Có rất nhiều nguyên nhân, kể cả những yếu kém nội tại của họ - những quốc gia kể trên nhưng những biến động đó không thể xảy ra nếu không có “bàn tay lông lá” của thế lực hắc ám.

Trước khi xua quân vào một quốc gia có chủ quyền, họ triệt để tận dụng, lợi dụng, khai thác tối đa dòng chảy thông tin để kích động dân chúng. Thực tế chứng minh, những “bàn tay lông lá” đã đạt mục đích. Cũng từ những biến động, xáo trộn, bất ổn ở hàng loạt quốc gia kể trên, khái niệm “cách mạng màu” dần trở nên quen thuộc.

Trắng trợn và tinh vi

Một vấn đề đang đặt ra: Việt Nam có phải đối diện nguy cơ xảy ra “cách mạng màu” hay không? Trong chương trình “Ðối diện”- một chương trình chính luận đặc sắc của Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng cuối tháng 6.2021 đã đề cập đến câu hỏi nêu trên.

Theo VTV, Việt Nam có nguy cơ xảy ra cuộc “cách mạng màu” hay không, là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng, có một điều đã được khẳng định: “cách mạng màu” là một bộ phận hợp thành nằm trong chiến lược “diễn biến hoà bình”.

Một trong những mục tiêu cốt yếu của chiến lược “diễn biến hoà bình” là lật đổ chế độ các nước do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Trong chương trình, bằng sự thận trọng cần thiết, VTV nhận định, những dấu hiệu của cái gọi là “cách mạng màu” đã manh nha hình thành.

Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy, chứng minh phần nào cho nhận định nêu trên, đó là các hiện tượng: lừa gạt người dân, hiện tượng tập trung đông người dưới vỏ bọc bảo vệ môi trường hoặc phản đối một số chính sách của Ðảng và Nhà nước.

Năm 2019, một tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài (được Bộ Công an liệt vào tổ chức khủng bố) đã có hành vi lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức “trưng cầu dân ý”. Một trong những ‘miếng mồi” được tổ chức này dùng để dụ dỗ người dân là “cấp phát nhà miễn phí cho người nghèo”.

Tổ chức khủng bố này còn ra bản thông báo y như thật, rằng, “cấp phát nhà là chương trình tái thiết đất nước do Liên Hợp Quốc đang tiến hành tại Việt Nam, phân bổ từ Nam ra Bắc, bắt đầu từ ngày 30.4.2019, ưu tiên cho gia đình đông con, người già yếu bệnh tật.

Nếu nghèo thật sự mà không có đất thì sẽ cho đất luôn hoặc ở nhà diện chung cư”. Ðể được nhận nhà, những ai tham gia chương trình “tái thiết” này phải tham gia “trưng cầu dân ý” với nội dung chống lại chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam.

Một số người vì cả tin, tưởng sẽ nhận được “căn nhà mộng ước” nên đăng ký tham gia. Chờ mãi, không thấy nhà, chỉ thấy giấy triệu tập của công an. Cũng là hình thức “tập hợp quần chúng” dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, sau sự cố chất thải ở vùng biển miền Trung, một số cá nhân trong và ngoài nước đã lôi kéo hàng ngàn người dân xuống đường, gây ách tắc giao thông, gây rối trật tự công cộng. Trong khi, đúng ra, trước sự cố đó, chung tay khắc phục để bảo vệ môi trường theo đúng tính chất của hành động bảo vệ, họ lại không làm như vậy.

Lùi lại xa hơn, năm 2014, khi tàu Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển nước ta, lấy danh nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia, họ lại kích động, lôi kéo người dân xuống đường với mưu đồ gây rối loạn tình hình.

Năm 2018, lấy cớ phản đối Luật Ðơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hàng trăm người, sau màn kích động của những bàn tay hắc ám, đã tràn vào đập phá cơ quan công sở ở một số tỉnh, thành.

Theo nhận định của những người tham gia chương trình do VTV thực hiện, thời gian, sự việc, sự kiện cụ thể tuy khác nhau nhưng mục tiêu của những thế lực hắc ám không thay đổi. Những người làm cái việc mờ ám đó hy vọng rằng, bằng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” hay nói cách khác, nhóm lên những đốm lửa nhỏ để khi cơ hội đến, tưới thêm xăng cho đám lửa bùng cháy.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, âm mưu sâu xa của những tổ chức, cá nhân thù hằn với chế độ, đất nước là, về lâu dài sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng màu” phi nghĩa ở Việt Nam, đe doạ an ninh quốc gia, sự tồn vong của chế độ. Việc làm này chẳng những gây mất an ninh trật tự mà còn khiến đất nước mất đi cơ hội phát triển. Vì, không một nhà đầu tư nào bỏ vốn, công nghệ vào làm ăn ở một quốc gia bất ổn bao giờ.

Sử dụng nền tảng công nghệ thông tin, tấn công trên mặt trận tư tưởng được coi là ưu tiên hàng đầu của những cá nhân, tổ chức không ưa thích chế độ, muốn đất nước chìm trong cơn tao loạn. “Họ thành lập hội báo chí độc lập, văn đoàn độc lập, các loại quỹ, giải thưởng văn chương dưới hình thức hoạt động văn hoá.

Nhưng thực chất đây là cách tập hợp lực lượng để thực hiện mưu đồ chính trị”- ông Ðào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu với VTV.

Những cá nhân, tổ chức này luôn tìm những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phát triển đất nước để từ đó khoét sâu, làm gia tăng khoảng cách giữa người dân với chính quyền. Nhận thức quyết định hành động, khi một ai đó bị tiêm nhiễm, họ sẽ đi vào con đường chống lại đất nước mình.

Giới nghiên cứu, các chuyên gia về an ninh đánh giá, đây mới là điều nguy hiểm nhất, hơn cả những vụ tụ tập xuống đường. Trên thực tế, đã có những cá nhân, tổ chức mất cảnh giác, không nhận diện được âm mưu đen tối đó. Năm 2018, một trường đại học vào loại lớn đã hồn nhiên thông báo tuyển sinh “học bổng xã hội dân sự” ở nước ngoài.

Trường này không hề biết, cái tổ chức ra thông báo ấy được coi là cánh tay nối dài của một tổ chức khủng bố khác, rất may, sự việc được phát hiện kịp thời. Trong chương trình của VTV, một chuyên gia an ninh cho biết, tổ chức ra thông báo học bổng đó thường chọn những ứng viên có trình độ, đặc biệt am hiểu luật pháp để đưa đi đào tạo, sau đó trở về nước hoạt động.

Thực tế đã có một luật sư tham gia chương trình này và bị án tù vì vi phạm pháp luật. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, chống “diễn biến hoà bình” cũng như một võ sĩ quyền anh, tức phải dùng cả hai tay.

Một tay giữ chặt, có nghĩa phải làm cho Ðảng thật sự trong sạch, dân tin Ðảng thì không ai làm gì được. Ðó là tay bảo vệ. Tay còn lại phải “ra đòn” để phản bác, lật tẩy âm mưu của thế lực xấu, không để người dân bị lôi kéo. Nhiệm vụ này thuộc về nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có báo chí.

Việt Ðông