Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tài nguyên rồi sẽ cạn, nhân công rồi cũng già”… 

Cập nhật ngày: 19/08/2023 - 22:35

BTN - Chiều 18.8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước cùng đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố.

Cần sửa đổi, bổ sung chính sách

Sau bản báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023,  phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trình bày, lãnh đạo nhiều địa phương phát biểu ý kiến.

Đại diện tỉnh Yên Bái kiến nghị sửa một số quy định hiện nay để tăng chế độ đãi ngộ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Lãnh đạo địa phương này đề nghị xem xét giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước đây, không nên tăng theo quy định mới.

“Cho phép các tỉnh vùng sâu vùng xa tuyển giáo viên phổ thông theo chuẩn văn bằng cũ rồi cử đi đào tạo sau, trong thời gian không quá 5 năm để số giáo viên này đạt chuẩn văn bằng đào tạo”- ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái nêu kiến nghị.

Ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, địa phương đang thiếu giáo viên nhiều môn học mới nhưng không tuyển được. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nêu, việc quy định trường chuẩn quốc gia hiện nay không phù hợp, nhiều trường không thể xem là đạt chuẩn theo quy định vì diện tích xây trường không đủ bình quân số mét vuông đất trên mỗi học sinh. Do đó, cần sửa đổi quy định từ tính mét vuông đất thành diện tích sàn xây dựng, lấy tổng diện tích sàn xây dựng chia cho tổng số học sinh thì trường mới đạt chuẩn.

Bà Vũ Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị tăng số hiệu phó cho những trường phổ thông có quy mô lớn. Tương tự TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Hà Nội đề nghị tính diện tích mét vuông sàn xây dựng thay cho diện tích đất trên mỗi học sinh đối với trường chuẩn quốc gia, vì khu vực đô thị không còn quỹ đất để mở rộng không gian.

Bà Y Ngọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị giảm chi phí cho học sinh, vì sau khi một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chế độ ưu tiên dành cho giáo viên, học sinh bị cắt hết. Bà Y Ngọ đề nghị không tinh giản biên chế 10% mỗi năm đối với trường học thuộc vùng sâu vùng xa, vùng núi, rẻo cao.

Ông Nguyễn Minh Luân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị cần xem lại chính sách giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên. Nghị định 116 quy định đào tạo theo địa chỉ nhưng khi tuyển dụng lại phải thực hiện theo Nghị định 115 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề nghị xem lại chính sách tín dụng sinh viên, theo đó, cần tăng hạn mức cho vay đối với sinh viên và đầu tư cho giáo dục đại học. “Tài nguyên rồi sẽ cạn, nhân công rồi sẽ già, chỉ có nguồn nhân lực chất lượng mới đảm bảo phát triển bền vững”- ông Vũ Hải Quân nói về tầm quan trọng của giáo dục.

Không thay đổi quy định tuyển dụng giáo viên

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Triệu Văn Cường thông tin, hiện toàn ngành Giáo dục có gần một triệu sáu trăm ngàn người đang làm việc. Nhiều địa phương không bố trí đủ số học sinh trên một lớp, do đó, chuyện thiếu giáo viên trở nên trầm trọng hơn, ý ông Cường là, cần tổ chức lại lớp học, bảo đảm đủ số học sinh trong từng lớp, không nên để những lớp học quá ít học sinh.

Việc tuyển dụng giáo viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vẫn phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 115. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT có đánh giá tác động sau 3 năm thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới.

“Vài cái chứng chỉ không thể giúp giáo viên dạy được môn tích hợp”- bà Nguyễn Thị Doan bình luận về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về tương lai đất nước, tương lai ngành Giáo dục khi ngày càng ít học sinh thi vào những ngành khoa học cơ bản.

Thủ tướng ấn tượng với mô hình trường nội trú

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, vai trò của giáo dục vô cùng quan trọng, tính cả giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh tổng cộng khoảng 25 triệu người (một phần tư dân số cả nước).

“Đảng và Nhà nước xác định con người là trung tâm, mục tiêu, động lực của sự phát triển, giáo dục đóng vai trò quyết định trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Quốc hội, Chính phủ luôn dành nhiều quan tâm xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”- Thủ tướng phát biểu.

Điểm lại các sự kiện giáo dục cùng số liệu liên quan của toàn ngành, Thủ tướng khẳng định, ngành Giáo dục nước nhà phát triển, nhiều tiến bộ, không chỉ trong nước đánh giá. Thủ tướng bày tỏ tình cảm, ấn tượng đối với loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, vì đây là nơi chắp cánh vào đời cho rất, rất nhiều học sinh khu vực miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc. “Nước ta thu được nhiều thành tựu rất lớn nhờ giáo dục, không nên vì những yếu kém mà phủ nhận tất cả.

Là nước đang phát triển, chúng ta phải đi từng bước, có lộ trình, không thể đùng một cái nhảy vọt lên được, cách tiếp cận như vậy không đúng. Trường đại học hoạt động bằng ngân sách hàng chục năm, nay bỗng dưng giao tự chủ”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ GD&ĐT những hạn chế về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phần lớn trong số đó là những vấn đề cụ thể, kể cả dạy môn tích hợp như thế nào cũng được Thủ tướng đề cập.

Ông Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm nhiều hơn đối với sự nghiệp giáo dục. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi với gần 1 triệu giáo viên trong cả nước (cách nay vài ngày) vì “chúng ta cần cầu thị, khiêm tốn và lắng nghe”…

Việt Đông - Hoàng Yến