Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chắp cánh những ước mơ 

Cập nhật ngày: 27/10/2017 - 05:55

BTN - Ý nghĩa nhân văn của việc làm cao đẹp ấy giờ đã vượt qua mục đích, ý nghĩa của một phong trào. Đó chính là tình yêu thương giữa con người và con người đã góp phần chắp cánh cho những ước mơ vươn lên trong vòng tay yêu thương của quân dân đôi bờ biên giới.

Đại uý Trương Thanh Đẳng- Chính trị viên phó Đồn BP Tống Lê Chân trao học bổng cho em Bot Let Kriem.

Đã 2 năm qua, bằng việc đỡ đầu cho các em học sinh nghèo hiếu học ở hai bên biên giới được an tâm vững bước tới trường, thêm một lần nữa, các chiến sĩ BĐBP đã khắc hoạ sâu đậm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bà con nhân dân, chính quyền địa phương ở đôi bờ biên giới.

Ý nghĩa nhân văn của việc làm cao đẹp ấy giờ đã vượt qua mục đích, ý nghĩa của một phong trào. Đó chính là tình yêu thương giữa con người và con người đã góp phần chắp cánh cho những ước mơ vươn lên trong vòng tay yêu thương của quân dân đôi bờ biên giới.

500.000 đồng để chi tiêu cho 1 tháng, với nhiều người, đây là số tiền không lớn, nhưng đối với học sinh trong gia đình nghèo khó vùng biên, đây là một điểm tựa giúp các em có thêm nghị lực vươn lên, viết tiếp những ước mơ tươi đẹp của mình.

Trường hợp của em Bot Let Kriem, hiện ngụ tại phum C’viên Chơn, xã C’Viên, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum của Vương quốc Campuchia là một điển hình. Bot Let Kriem năm nay 15 tuổi, mỗi ngày phải lội bộ gần 20km để bán xôi phụ mẹ để nuôi 6 miệng ăn. Hai năm trước, Bot Let Kriem quyết định giã từ ước mơ làm cô giáo để vượt qua cơn bĩ cực.

May thay, vài ngày sau đó, em được nhận học bổng của bộ đội Đồn Biên phòng Tống Lê Chân - Việt Nam trao tặng. Bot Let Kriem cố kiềm nén cảm xúc, cảm ơn mấy chú bộ đội Việt Nam đã cho em cơ hội để tiếp tục đến trường, sau này trở thành cô giáo.   

Giống như trường hợp của em Bot Let Kriem, em Tho Si Tha (phum Luông Chơ Rây, xã Cọ, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmum) cũng được nhận học bổng của BĐBP Tây Ninh.

Tho Si Tha cho biết, kể từ ngày mẹ mất, cha bỏ xứ đi biền biệt, từ đó, em chưa bao giờ có được mùa hè đúng nghĩa, bởi ngoài giờ học em phải đi làm thuê kiếm thêm tiền phụ giúp cho cậu và bà ngoại. Em bộc bạch: “Hai năm nay, nhờ sự động viên của mấy chú Biên phòng Việt Nam cùng mấy chú Đồn Luông Chơ Rây và các thầy, cô giáo, con mới có thể tiếp tục đến trường.

Mỗi tháng nhận được 500.000 đồng học bổng, so với người ta thì không lớn, nhưng với con đó là cả một cơ hội để nối tiếp ước mơ”. Vui mừng hơn, kể từ năm học này, Tho Si Tha sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng/một năm học.

Tho Si Tha chia sẻ: “Cảm ơn bộ đội Việt Nam đã giúp cho em có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Con nghe nói bên Tây Ninh của Việt Nam có một trường y, có mở lớp dành cho sinh viên Campuchia, nên con rất muốn được theo học tại trường đó. Con nhờ BĐBP Việt Nam giúp đỡ để thực hiện được ước mơ của mình”.

Các chiến sĩ Biên phòng Việt Nam cùng Đại uý Sách Van Na trao học bổng và tập vở cho Sốc Chăn Ra Vi để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Sau gần 1 tuần đi tìm hiểu những giấc mơ ngoài biên giới, chúng tôi thống kê được 15 cảnh đời khốn khổ- nào là mồ côi cha, mồ côi mẹ, hoặc cha mẹ bệnh tật, bỏ đi, phải sống chung với ông bà, cô bác… được BĐBP tặng học bổng.

Trong năm học mới trên đất nước Chùa Tháp, xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Việt Nam đã cùng chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia quan tâm chăm lo cho các em học sinh nghèo hiếu học, với hy vọng sẻ chia những khó khăn, nhọc nhằn để các em vững bước tới trường thực hiện những giấc mơ tươi đẹp của mình. 

Qua hành trình tìm hiểu những giấc mơ ngoài biên giới, tôi nhận ra rằng tình cảm láng giềng giữa hai quốc gia, hai dân tộc được dựng xây, vun đắp lên bằng tình yêu thương, sự sẻ chia vô cùng ấm áp và gần gũi. Tình yêu thương không biên giới này của những người lính Biên phòng Việt Nam một lần nữa đã vun đắp thêm cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng keo sơn, bền chặt.

Trung Quân