BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người thơ độc đáo

Đỗ Nam Cao - thơ bay lên từ “Những cánh cò lửa” 

Cập nhật ngày: 20/10/2023 - 00:02

BTN - Tập thơ “Những cánh cò lửa” của ông được hình thành từ chiến trường Nam bộ, mà chủ yếu là ở Tây Ninh, được xem là bệ phóng quan trọng cho sự nghiệp thi ca của ông Đỗ Nam Cao.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao thời ở chiến trường Nam bộ. Ảnh tư liệu

Tài hoa và lặng lẽ dấn thân vì sự nghiệp cứu nước và sáng tạo thi ca, Đỗ Nam Cao đã để lại di sản thơ đáng quý trong lòng đồng đội, đồng nghiệp và những người yêu thơ. Trong đó, tập thơ “Những cánh cò lửa” của ông được hình thành từ chiến trường Nam bộ, mà chủ yếu là ở Tây Ninh, được xem là bệ phóng quan trọng cho sự nghiệp thi ca của ông.

Người thơ độc đáo của một thế hệ dấn thân cứu nước

Nhân kỷ niệm 12 năm nhà thơ Đỗ Nam Cao từ giã cõi đời, chương trình “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi” diễn ra trang trọng và xúc động tại TP. Hồ Chí Minh. Đông đảo đồng đội, đồng nghiệp và người yêu thơ từ nhiều tỉnh, thành về tham dự, đặc biệt là những bạn thân từ thời sinh viên và trên chiến trường, như nhà báo Phạm Quang Nghị, nhà sử học Phan Xuân Biên, các nhà văn, nhà thơ: Thanh Thảo, Lê Quang Trang, Dương Trọng Dật, Nguyễn Thế Khoa, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Thuỵ Kha, Thái Bá Lợi, Tô Hoàng, Quang Chuyền…

Nhà báo Phạm Quang Nghị từng là Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội - Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, người bạn thân thiết ở chiến trường Nam bộ với nhà thơ Đỗ Nam Cao đã kể lại những kỷ niệm xúc động về bạn mình. Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng tươi đẹp của tuổi trẻ. Hai ông có mấy năm cùng nhau sống, chiến đấu trên chiến trường, đặc biệt thời gian cuối chiến tranh gắn bó với Tây Ninh. Phạm Quang Nghị hoạt động ở Châu Thành. Đỗ Nam Cao ở Trảng Bàng. Hoà bình, thống đất nước, cả hai cùng hội tụ về TP. Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao tên thật Đỗ Sơn Cao, sinh ngày 8.6.1948 tại xã Liên Hoà, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng lớp với Bế Kiến Quốc, Vũ Ân Thi, Lê Quang Trang, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thế Khoa, Nguyễn Thị Hồng… đều là những tên tuổi văn học về sau.

Vừa tốt nghiệp, Đỗ Nam Cao cùng các đồng môn xung phong đi chiến trường và được đưa về học khoá IV Trường bồi dưỡng viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá. Đây là khoá đào tạo nhà văn, nhà báo cho chiến trường miền Nam mà học viên quy tụ từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là sinh viên ngữ văn mới tốt nghiệp đại học có năng khiếu văn chương.

Đến tháng 4.1971, lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam kết thúc. Những bạn văn chia tay nhau vào chiến trường. Đỗ Nam Cao cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam bộ và công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam bấy giờ đóng ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông trở thành biên tập viên, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam.

Thơ bay lên từ “Những cánh cò lửa”

Đỗ Nam Cao và Nguyễn Khắc Thuần vốn cùng học khoá IV Trường bồi dưỡng viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội và lại cùng vào chiến trường Nam bộ. Năm 1976, hai ông in chung tập thơ “Những cánh cò lửa” do Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng ấn hành.

Trong đó, thơ Đỗ Nam Cao có 33 bài, như một nhật ký bằng thơ tái hiện những năm tháng ác liệt ở chiến trường Nam bộ mà tác giả bám trụ, chủ yếu là chiến khu miền Đông và vùng ven đô Sài Gòn với những bài thơ gắn liền các địa danh: “Ớt Trảng Bàng”, “Qua sông Sài Gòn”, “Đêm Trảng Cỏ”, “Gặp người bắn ‘cá rô’ ở Củ Chi”, “Màu xanh vùng ven”, “Hương sầu riêng”…

Những bài thơ bình dị mà sâu lắng tâm cảm và giàu hình tượng. Bài thơ “Những cánh cò lửa” dùng để đặt tên chung cho cả tập thơ là bài thơ hay và tiêu biểu nhất của Đỗ Nam Cao bấy giờ. Và có lẽ cũng là một trong những bài thơ hay của thời chống Mỹ viết ngay trên chiến trường:

“Ô! Con cò, con cò bay

Con cò mà bỗng mê say lạ lùng

Xa trông như đốm lửa bùng

Cánh con cò cháy rực vùng trời cao…”

Để rồi từ hình ảnh con cò, bài thơ kết thúc bằng liên tưởng đẹp bất ngờ: “Xuồng đi mây ửng ngọn sào/ Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”. Vì sự bình yên của Tổ quốc, người lính cầm súng ra trận nhưng tâm hồn họ, trái tim họ vẫn cảm thụ được vẻ đẹp mà thiên nhiên, cảnh vật ban tặng.

Không chỉ những cánh cò trên bầu trời, mà nhà thơ Đỗ Nam Cao còn phát hiện ở dưới đất “Cỏ tranh cây cỏ tranh ơi/ Cỏ như cũng có hồn người ở trong”. Một sự phát hiện tinh tế và thẫm đẫm triết lý sinh tồn trong “Chuyện về những búi cỏ”:

 “Tôi đi qua đất Trảng Bàng

Những nhà lá lợp nắng vàng cỏ tranh

Vốn cây cỏ chẳng hiền lành

Nhà nông ghét cỏ, cỏ đành bỏ đi

Thân cây cỏ có là chi

Thấy cây cỏ cháy lòng thì quặn đau

Bén từ ngọn đến gốc sâu

Lại hiền hậu mái tranh màu vàng ươm

Lao xao như thuở rừng gươm

Màu xanh sắc cạnh cỏ vươn giữa đời

Cỏ tranh cây cỏ tranh ơi

Cỏ như cũng có hồn người ở trong”

Và cũng chính ở đất Trảng Bàng, nhà thơ còn cảm nhận từ quả dưa hấu một quy luật kỳ diệu của đất đai: “Đạn bom mười mấy năm trời/ Đất nồng xám để dưa tươi đỏ lòng”.

Những bài thơ của Đỗ Nam Cao trong tập thơ “Những cánh cò lửa” chưa phải thật xuất sắc, nhưng nó đã góp vào nền thi ca chống Mỹ một tiếng nói riêng khác lạ, và quan trọng hơn, nó phát lộ một tài năng thơ và là bệ phóng quan trọng cho chặng đường thơ về sau của ông qua tập thơ “Dính” (2008).

Ông qua đời ngày 8.11.2011, từ trong di cảo gia đình đã xuất bản “Thơ Đỗ Nam Cao” (2012), “Hỡi cô cắt cỏ” (2021). Năm 2021, cố nhà thơ Đỗ Nam Cao được truy tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi - Thành tựu thơ trọn đời.

Sau ngày đất nước thống nhất, “Gửi quần đảo Trường Sa” trong tập thơ “Dính” của ông ra đời khi xảy ra sự kiện Gạc Ma năm 1988 được xem là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Nghệ sĩ nhân dân Thuý Mùi- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam yêu quý nhà thơ Đỗ Nam Cao đã từ Hà Nội vào, ngâm bài thơ “Gửi quần đảo Trường Sa” mở đầu chương trình tưởng niệm 12 năm ngày mất của ông, trong đó có đoạn:

“Trường Sa ư? Với ngày thường xa thật

Đảo ở đâu? Tôi có hỏi đâu mà

Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ

Đảo mới gần, mới thật đảo của ta

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn

Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô

Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực

Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra”

Đỗ Nam Cao là hình mẫu của một nhà thơ lặng lẽ và dấn thân. Ông cũng là một trong những tài năng văn học tiêu biểu cho thế hệ những người bước ra từ chiến tranh. Tác phẩm của ông không nhiều, có lẽ ông thiên về chất lượng hơn số lượng.

Vì lẽ đó, thơ Đỗ Nam Cao có giá trị bền vững mà các thế hệ sau nhất định sẽ luôn tìm đọc lại, đặc biệt là những bài như “Những cánh cò lửa”, “Gửi quần đảo Trường Sa”, “Mùa thu”, “Có không”… và trường ca “Hỡi cô cắt cỏ” từ cảm hứng cội nguồn dân tộc qua những mối tình từ truyền thuyết Thánh Tản Viên với cô cắt cỏ và Chử Đồng Tử - Tiên Dung lãng mạn giữa bờ bãi sông Hồng.

Phan Hoàng