Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Công an:

Hội thảo khoa học Luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 

Cập nhật ngày: 14/03/2022 - 19:54

BTNO - Sáng 14.3, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. Trung tướng Lê Quốc Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc; Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh; đại diện UB.MTTQVN tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất quan trọng, góp phần thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “… quan điểm xây dựng lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hoá các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để  huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, từ thực tiễn bảo vệ khẳng định, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành "xung đột xã hội", tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe doạ sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc.

Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm.... Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở là rất cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, yêu cầu thực tiễn đặt ra, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm, chú ý và phương hướng hoàn thiện dự án Luật trong thời gian tới.

Phạm Công