BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người có biệt danh “ba không” 

Cập nhật ngày: 25/04/2022 - 20:38

BTNO - “Ba không” (Đầu không mũ (nón); chân không dép (giày); mắt không kính) là biệt danh của Thượng tọa Thích Định Tánh, Trụ trì chùa Cẩm Phong, kiêm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, thành viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội Minh Đức (còn gọi là Mái ấm Mây ngàn).

Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Mái ấm Mây ngàn.

Thực tế rất hiếm có người quanh năm suốt tháng với đôi chân trần không dép, đầu không nón cho dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì. Vậy mà Thầy Tánh (tên gọi thân mật dành cho Thượng tọa Thích Định Tánh) đã từng đến khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả ở nước ngoài…, với mục đích là ở đâu có người có hoàn cảnh khó khăn, ở đâu có thiên tai, bão lũ cần có sự giúp đỡ là đôi chân trần của Thầy Tánh lại lên đường.

Đã bao năm rồi, đôi chân ấy đã đi qua bao thời gian, qua bao địa chỉ từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, với bao nhiêu chuyến hàng Thầy Tánh không nhớ hết, nhiều mảnh đời khó khăn được Thầy giúp đỡ, trong đó có rất nhiều người cao tuổi.

Một tấm lòng nhân ái “không có tuổi”, nói như vậy bởi năm nay Thầy đã ngoài bảy mươi tuổi, vào cái tuổi “Xưa nay hiếm”, vậy mà Thầy vẫn không ngừng nghỉ làm công tác từ thiện.

Chỉ nhìn vào hiện tại cũng có thể khẳng định công việc thật bộn bề, ngoài công việc trụ trì chùa Cẩm Phong, Thầy dành hết tâm huyết cho “Mái ấm Mây ngàn” vì ở đây đang nuôi dưỡng nhiều mảnh đời bất hạnh với 147 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trong đó có 19 NCT bị bại liệt; 77 cháu mồ côi cơ nhỡ.

Đến với “Mái ấm Mây ngàn” chúng tôi cảm nhận được nơi đây chính là mái ấm thực sự, từ nơi ở đến việc ăn, uống, sinh hoạt như một gia đình lớn, có trẻ, có già, có đội ngũ tình nguyện viên, có y tá phục vụ nhu cầu cho mọi người, nhất là những trường hợp ốm đau, bại liệt.

Công tác chăm sóc luôn tận tâm, tận tình như một gia đình thật sự. Điều đáng ghi nhận là có nhiều trẻ mồ côi sau khi được nuôi dưỡng, được học hành đến khi trưởng thành, có việc làm, có gia đình ổn định. Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa khi qua đời đều được Mái ấm tổ chức tang lễ ấm cúng tình gia đình.

Về công tác từ thiện xã hội từ năm 2016 đến năm 2021, Thầy Tánh đã vận động tiền mặt, hiện vật trị giá 28,7 tỷ đồng, với nhiều nội dung từ thiện như: Xây tặng 25 căn nhà tình thương cho những Việt kiều Campuchia tại xã Tân Hòa,  huyện Tân Châu; trao tặng 170 con bò sinh sản; mổ mắt miễn phí cho hơn 200 NCT có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ mổ tim cho 4 cháu trị giá 800 triệu đồng; trao tặng 174 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng 162  xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn; hằng tháng hỗ trợ 36 suất ăn cho NCT nghèo tại các xã Cẩm Giang và xã Thạnh Đức (Gò Dầu).

Bà Nguyễn Ngọc Nhuyễn- nguyên Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng Thượng tọa Thích Định Tánh (ảnh chụp năm 2020).

Đặc biệt, những chuyến đi nghĩa tình ủng hộ đồng bào bị lũ, lụt với hàng ngàn suất quà trị giá hàng tỷ đồng cho đồng bào miền Trung và một số hộ khó khăn tỉnh Lạng Sơn.

 Với nghĩa cử cao đẹp thực hiện trong thời gian qua, Thầy Tánh được tặng nhiều bằng khen các cấp: Bộ LĐTB&XH (2 lần); Trung ương Hội NCT Việt Nam (2 lần); Quỹ Tấm lòng vàng mổ tim (2 lần); Hội Bảo trợ Người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (4 lần); Chủ tịch UBND tỉnh (4 lần), các tỉnh Vĩnh Long, Đắc Lắc, Cao Bằng, Lạng Sơn mỗi tỉnh 1 lần.

Đến thăm Thầy, được trò chuyện với Thầy mới thấy hết được cái tâm, cái đức của Thầy rất thật lòng. “Thương lắm mấy ông ơi, có đi đến thực tế mới hiểu được hoàn cảnh còn nhiều người bất hạnh, nhiều nơi có khó khăn nhất là khu vực miền núi phía Bắc, nhiều cháu không có đủ quần áo mặc, bữa ăn vô cùng đạm bạc.

Khi được giúp đỡ họ mừng lắm. Đối với đồng bào ở những vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, họ rất cần sự giúp đỡ một cách thiết thực, vì thế có lần Thầy còn thức cả đêm để gói hàng ngàn chiếc bánh tét, kho hàng trăm ký thịt gà mang ra miền Trung kịp thời giải quyết cái đói trước mắt cho bà con.

Bởi vậy khi mình còn sức khỏe, còn làm được và có điều kiện vận động thì mình phải làm hết sức, giúp được càng nhiều càng tốt cho bà con mình đỡ khổ”, Thầy Tánh chia sẻ. Cũng chính từ cái tâm ấy mà Thầy là một địa chỉ tin cậy cho mạnh thường quân tự tìm đến để ủng hộ, tạo ra nguồn lực, động lực cho Thầy trên con đường thiện nguyện.

Cũng có người ví Thầy là “Bồ tát sống”, một “Tấm lòng vàng” lan tỏa bài học quý về đạo đức làm người, về tình cảm trân quý giữa người với người- nhất là trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự sa sút về đạo đức xã hội thì bài học về lòng nhân ái của Thầy Tánh góp phần tô đẹp thêm cho những phẩm chất tốt đẹp, truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. 

Nguyễn Đức Tiến

BĐD Hội NCT tỉnh Tây Ninh