BAOTAYNINH.VN trên Google News

45.000 người nhiễm HIV chưa được điều trị kháng virus

Cập nhật ngày: 17/11/2018 - 10:37

Trên cả nước có 209.000 người nhiễm HIV còn sống và ngành y tế mới điều trị cho hơn 130.000, số còn lại vẫn mang nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Hoàng Đình Cảnh cho biết ngành y tế đang quản lý được 175.000 người nhiễm bệnh, trong đó 130.000 người điều trị bằng thuốc ARV. 

"Còn 45.000 người nhiễm HIV đang được quản lý mà chưa tiếp cận được với điều trị ARV. Những người này có thể không kiểm soát được tải lượng virus sẽ làm lây lan ra cộng đồng qua các hành vi tình dục hoặc tiêm chích không an toàn", ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cho rằng còn nhiều người nhiễm HIV nhưng không thuộc nhóm nguy cơ cao nên khó phát hiện sớm. Theo thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước có 209.000 người nhiễm còn sống. 

Chia sẻ về tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng, Tiến sĩ Jonh Blandford, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Việt Nam cho biết, người nhiễm HIV cần phải điều trị ARV để ngăn ngừa lây truyền. Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml, còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. 

Lây truyền qua đường tình dục đang phổ biến trong nhóm HIV, trong đó số bệnh nhân là đồng tính nam có xu hướng tăng nhanh. Ước tính cả nước có khoảng 170.000 người đồng tính nam.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV rất quan trọng trong nhóm quan hệ đồng giới nam, chuyển giới và người sử dụng ma túy. Bộ Y tế đang triển khai kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2018-2020. Dự án này thực hiện ở 11 tỉnh, thành, mục tiêu đến cuối năm 2019 có 5.610 người sử dụng thuốc dự phòng HIV.

6 tháng đầu năm nay, Việt Nam phát hiện 3.500 bệnh nhân HIV mới, trong đó 1.824 người chuyển giai đoạn AIDS, 814 ca tử vong. 

So với cùng kỳ 2017, số ca nhiễm HIV mới giảm 30%, số chuyển AIDS giảm 27%, số tử vong tăng 2%.

Nguồn VNE