Thể thao   Thể thao

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài học 10 năm và giấc mơ đổi màu huy chương SEA Games 

Cập nhật ngày: 10/12/2019 - 19:11

Tấm HC vàng chỉ còn cách một trận đấu với Indonesia, nhưng thực ra, thầy trò Park Hang-seo mới đi được nửa chặng đường.

Hoàng Đức (số 14) và các đồng đội mừng bàn ấn định tỷ số 2-1 trước Indonesia ở vòng bảng SEA Games năm nay. Ảnh: Đức Đồng.

*Việt Nam - Indonesia: 19h hôm nay 10/12, trên VnExpress.

Nếu đội tuyển nữ vừa giành chức vô địch thứ sáu trong lịch sử SEA Games, thì hôm nay sẽ là trận chung kết thứ sáu của các nam tuyển thủ, và vẫn chưa có HC vàng nào.

Ngoại trừ trận chung kết SEA Games đầu tiên vào năm 1995, khi Việt Nam hầu như không thể chơi bóng trước chủ nhà Thái Lan, ở các trận chung kết sau đó, chúng ta luôn đạt phong độ cao và lực lượng mạnh. Nhưng kết quả thì như nhau: Rất nhiều nỗi đau. Trong năm lần vào chung kết đó, các năm 1995, 1999, 2003, 2009 có cùng một kịch bản: đội bóng tái ngộ trong trận cuối cùng cũng là đội bóng nằm chung bảng ở vòng loại.

Trong đó, ngoài năm 1995 - khi Việt Nam thua Thái Lan tại vòng bảng rồi thua luôn chung kết, những kỳ còn lại, các đội tuyển quốc gia và đội U23 đều có kết quả tốt trước đối thủ trong lần gặp đầu tiên. Thậm chí, tại kỳ SEA Games cách đây 10 năm, Việt Nam dễ dàng đánh bại Malaysia 3-1 tại vòng bảng trước khi tái ngộ ở chung kết và thua 0-1.

Đây chính là lý do để nói rằng: Dù thầy trò Park Hang-seo đã chơi tổng cộng sáu trận, loại "đại kình địch" Thái Lan, phô diễn thứ bóng đá của một nhà vô địch với 21 bàn thắng, chỉ thủng lưới bốn lần và chưa thua trận nào, nhưng sự thật là Việt Nam mới hoàn thành một nửa chặng đường trong cuộc chinh phục chiếc HC vàng lịch sử của SEA Games.

Với một đội bóng đang giữ ngôi số một Đông Nam Á, vào chơi chung kết SEA Games đương nhiên không phải là mục tiêu cuối cùng. Việt Nam đã là khách quen của những trận đấu cuối cùng, đặc biệt là khi SEA Games chuyển sang độ tuổi trẻ. Từ năm 2001 đến nay, đội U23 Việt Nam (bây giờ là U22+2) đã vào bán kết bảy lần, ngang với Thái Lan và Malaysia. Nhưng, trong khi Thái Lan bảy lần đăng quang, Malaysia hai lần, thì Việt Nam vẫn trắng tay.

Chính vì thế, trước trận chung kết với Indonesia, thầy trò Park Hang-seo cần xóa hết khỏi đầu những trận đấu đã qua tại SEA Games lần này. Nó sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu họ không đi trọn con đường với vinh quang ở trận đấu cuối cùng. Ngay cả trận thắng Indonesia ở vòng bảng cũng chẳng có chút giá trị gì, vì càng quan tâm đến nó, chỉ càng khiến chúng ta đối diện với những khó khăn từ lịch sử.

Chuyến hành trình của Việt Nam năm nay hầu như là bản sao của 10 năm trước. Tại SEA Games 2009 ở Lào, đội bóng của HLV Henrique Calisto bắt đầu với vị thế của nhà vô địch AFF Cup 2008. Việt Nam cũng vào bán kết với vị trí nhất bảng, sau khi hòa Thái Lan và đánh bại đội nhì bảng khi đó là Malaysia. Ở bán kết, Việt Nam thắng tưng bừng Singapore 4-1, trong khi Malaysia chật vật để đánh bại Lào.

Những diễn biến trong trận chung kết với Malaysia không khác nhiều so với vòng bảng, nhưng ở lần tái ngộ đó, Malaysia cho thấy họ hiểu Việt Nam hơn, cẩn trọng hơn và như rất nhiều lần chạm cửa thiên đường trước đó, khi đối thủ chưa kịp tung ra đòn quyết định thì chính chúng ta đã sụp đổ từ một pha bóng có lỗi từ thủ môn và hậu vệ.

Bên cạnh yếu tố lịch sử, Indonesia lúc này là đối thủ đáng gờm. Trước khi thua ngược Việt Nam tại vòng bảng, họ đã kịp thể hiện sức mạnh bằng chiến thắng 2-0 trước Thái Lan. Chiến thắng của họ trước nhà đương kim vô địch, ngay trận ra quân, rõ ràng là trận đấu ấn tượng lớn nhất tại SEA Games tính đến lúc này. Sự nguy hiểm của Indonesia là có thật. Không thể đánh giá họ qua trận thua 1-2 tại vòng bảng, bởi khi đó Indonesia tiếp cận trận đấu theo một cách khác, chưa phải sử dụng năng lực tốt nhất trên hàng tấn công. Họ thậm chí còn cao ngạo đến mức cẩu thả, phung phí cơ hội trong trận bán kết trước Myanmar để tự gây khó cho mình bằng việc tiêu tốn sức lực cho hai hiệp đấu phụ.

Chắc chắn Indonesia trong trận chung kết sẽ khác nhiều so với Indonesia ở vòng bảng. Chưa kể, sau hai thất bại trước đội bóng của HLV Park Hang-seo ở vòng loại U23 châu Á và SEA Games 30, Indonesia sẽ được đặt mình ở vị thế thấp hơn, có nhiều quyền lựa chọn lối chơi hơn. Và với họ, khao khát HC vàng SEA Games cũng không thua kém Việt Nam. Lần cuối cùng Indonesia đoạt HC vàng cũng tại Philippines, vào năm 1991. Đó là năm mà bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trở lại góp mặt tại sân chơi SEA Games.

Nhưng nếu lịch sử đem đến các con số không vui, thì tự thân nó cũng mang những ý nghĩa tích cực. Việt Nam có một bài học để không mắc thêm sai lầm. Cái cách mà HLV Park Hang-seo sử dụng thủ thành Nguyễn Văn Toản là một điển hình. Nó cho thấy lứa cầu thủ hiện tại trong tay ông biết cách đứng lên ngay chỗ vấp ngã. Nhà cầm quân Hàn Quốc một lần nữa cho thấy sự chuẩn xác trong tính toán khi cẩn trọng đem đến Philippines hai cầu thủ trên U22 có tố chất của thủ lĩnh và những chiến binh. Một trong hai người, lại là chứng nhân lịch sử.

10 năm trước, Nguyễn Trọng Hoàng có kỳ SEA Games đầu tiên khi mới 20 tuổi. Ngôi sao được HLV Calisto kỳ vọng nhất đã ghi bàn vào lưới Malaysia trong trận đấu tại vòng bảng, để mở toang cánh cửa vào bán kết cho đội nhà. Nhưng một chấn thương ngay sau đó đã khiến anh phải bỏ lỡ trận bán kết và cũng chỉ được tung vào sân từ ghế dự bị ở trận chung kết dù chưa hoàn toàn bình phục. Cầu thủ trẻ thứ hai của đội U23 khi đó ngồi chết lặng sau trận đấu. Nỗi buồn dằng dặc hồi đó còn được Trọng Hoàng nhiều lần nhắc lại, như sự nuối tiếc lớn trong sự nghiệp.

Việc HLV Park Hang-seo mang anh đến Philippines năm nay không chỉ tạo ra khối thuốc nổ bên hành lang phải, một tấm gương của nỗ lực và tận hiến, mà còn đem hẳn một câu chuyện lịch sử nhiều ám ảnh. Để từ đó, các cầu thủ trẻ có thể đối diện hàng ngày, và biết cách đặt nỗi đau 10 năm nằm dưới những bước chân chinh phục cho nửa chặng đường còn lại.

Nguồn VNE


Liên kết hữu ích