BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục giá trị cho học sinh: Cần được chú trọng 

Cập nhật ngày: 16/01/2019 - 16:05

BTN - Cùng với việc huấn luyện trẻ em có được những thói quen, kỹ năng làm việc, lao động và truyền đạt cho các em những kiến thức, những hiểu biết mà con người đã khám phá được về thế giới, giáo dục còn có nhiệm vụ bồi dưỡng cho trẻ ý thức về hành vi của mình, thái độ, cách sống với người xung quanh…

Viện Nghiên cứu giáo dục và Giao lưu quốc tế - Đại học Huế vừa phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Giáo dục giá trị trong nhà trường”. Ngoài các đoàn thuộc Sở giáo dục, cơ sở giáo dục của một số địa phương trong nước, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện hai quốc gia trong khu vực gồm Lào và Indonesia. Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh tham dự hội thảo này.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174- Bộ CHQS tỉnh cùng với giáo viên, học sinh xem bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trung tâm Văn hoá tỉnh từ ngày 17-21.5.2016. Ảnh: Hồng Thắm

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ

Hội thảo này bàn về vấn đề dạy đạo đức, lối sống, thái độ sống đối với học sinh phổ thông và vai trò của nhà trường, giáo viên. Tại hội thảo, đạo đức học sinh- vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm, cũng được nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đề cập đến.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân và PGS - TS Hà Thanh Việt (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh), giáo dục đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, chưa lúc nào những vấn đề của ngành này thu hút sự quan tâm của dư luận như hiện nay. Nhiều sự kiện đau lòng liên quan đến trẻ vị thành niên, học sinh, nhà trường diễn ra càng lúc càng nghiêm trọng.

Hai nhà giáo này cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thực trạng xã hội, nhưng giáo dục không thể xem như vô can, mà phải chịu một phần trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm lớn, bởi vì giáo dục là hoạt động cơ bản chịu trách nhiệm về vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân cách con người. Công cuộc đổi mới giáo dục đã và đang có sự chuẩn bị để khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức đơn thuần sang cách dạy phát triển năng lực. Tuy nhiên, giáo dục là công việc phức tạp, nhiều vấn đề về lĩnh vực này phải được nghiên cứu đầy đủ trên phương diện khoa học. Một trong những vấn đề như vậy là giáo dục giá trị.

Thực ra, giáo dục giá trị không phải là điều gì hoàn toàn mới. Cùng với việc huấn luyện trẻ em có được những thói quen, kỹ năng làm việc, lao động và truyền đạt cho các em những kiến thức, những hiểu biết mà con người đã khám phá được về thế giới, giáo dục còn có nhiệm vụ bồi dưỡng cho trẻ ý thức về hành vi của mình, thái độ, cách sống với người xung quanh… Lâu nay, những hoạt động nêu trên được định danh bằng nhiều tên gọi, khái niệm khác nhau như giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức, đức dục…

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, nên thống nhất gọi tên cho các nội dung vừa kể là giáo dục giá trị. Như vậy, giáo dục giá trị là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động giáo dục hướng tới việc hình thành đời sống tinh thần, nhân cách, đạo đức và ý thức công dân của học sinh.

Description: giao duc.JPG

Cô trò Trường THCS Trí Bình, huyện Châu Thành thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.

Sự khủng hoảng giá trị mà xã hội lo lắng hiện nay trước hết không phải ở sự đảo lộn các giá trị, đề cao giá trị này, hạ thấp giá trị kia mà chính là “sự khủng hoảng niềm tin vào bản thân các giá trị”. Trong nhà trường, giáo dục giá trị không phải là một môn học riêng biệt, độc lập. Và cũng không cần một môn học riêng biệt như vậy. Bởi vì giáo dục giá trị là hoạt động bao gồm toàn bộ hoạt động giảng dạy và sinh hoạt của nhà trường.

Cũng như giáo dục tri thức, giáo dục giá trị phải có những phương pháp và nội dung giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Việc đem những giá trị của người lớn áp đặt cho trẻ em là không thích hợp. Ở một số quốc gia phát triển, trẻ em không được khuyến khích tham dự các ngày lễ kỷ niệm lớn của quốc gia và quốc tế hay tham gia các sự kiện chính trị. Trẻ em cần được bồi dưỡng về ý thức giá trị nhưng không phải theo cách của người lớn, giống người lớn.

PGS - TS Nguyyễn Thị Kim Ngân và PGS - TS Hà Thanh Việt nhìn nhận, giáo dục giá trị là một trong những trách nhiệm lớn của nhà trường, là mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục. Nhưng giáo dục giá trị không phải chỉ là bổn phận của riêng nhà trường mà còn là nghĩa vụ của gia đình, xã hội. Một ngày, trẻ em chỉ ở trong trường khoảng tám tiếng đồng hồ, còn lại mười sáu tiếng, các em ở nhà và ngoài đường.

Nhà trường dạy cho các em về tương lai, gia đình dạy các em về quá khứ và đường phố dạy các em về hiện tại. Một đứa trẻ học kém- trách nhiệm chính là của nhà trường, song, một đứa trẻ hư hỏng, gia đình và xã hội phải chịu trách nhiệm chính. Đó chính là sự khác nhau giữa giáo dục tri thức và giáo dục giá trị.

TÔN TRỌNG VÀ ĐỐI THOẠI

Bà Trần Thị An (Đại học quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, mục đích của giáo dục giá trị chưa đạt được hiệu quả cao vì nội dung các giá trị đang bị lồng ghép vào các môn học, định hướng giá trị chưa rõ. Để giáo dục giá trị đạt hiệu quả, cần xác định rõ các định hướng giá trị, nội dung giá trị và cách thức truyền đạt trong giáo dục giá trị.

Theo bà An, các nội dung giá trị cần được dạy trong nhà trường gồm lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, mục đích của việc học và kiến tạo giá trị bản thân. Cụ thể, yêu nước là giá trị cần được giáo dục một cách sâu sắc trong trường học. Cảm thức dân tộc là cảm thức mạnh mẽ trong mỗi con người. Ai sinh ra trên đời đều có một cảm xúc mạnh mẽ với việc mình mang quốc tịch gì, mang dòng máu nào.

Vì thế, giáo dục giá trị của quốc gia dân tộc, giáo dục tình yêu đối với Tổ quốc là một định hướng nội dung được ưu tiên trong giáo dục nhà trường. Về trách nhiệm của học sinh với cộng đồng, đây là một giá trị quan trọng của nhân cách mà nhà trường cần giáo dục cho học sinh. Một trong bốn trụ cột theo triết lý giáo dục của UNESCO là “Học để sống chung với nhau”.

Điều này có nghĩa, cần giáo dục cho học sinh về bản chất xã hội của mỗi cá nhân, về sự tương tác giữa con người với xã hội. Từ đó, giáo dục cho học sinh về trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Sự thể hiện trách nhiệm với cộng đồng không phải nhất thời nhằm đạt một mục đích cá nhân nào đó rồi thôi. Thay vào đó, giáo dục cho học sinh có trách nhiệm với cộng đồng phải trở thành thói quen, sự tự nguyện như một nhu cầu chính đáng…

Để giáo dục giá trị có hiệu quả, cần nhiều yếu tố, trong đó có môi trường học. Môi trường giáo dục truyền thống thể hiện uy quyền lớn của người dạy, ở đó, tính áp đặt được coi là mặc định. Phán xét hạnh kiểm, sử dụng bạo lực, truyền thụ kiến thức một chiều… đối với học sinh chính là biểu hiện cụ thể của giáo dục quyền uy, áp đặt. Sự áp đặt ấy đã và đang triệt tiêu tính khách quan và công bằng trong môi trường dạy học. Chỉ khi môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, khi đó, tính công bằng, khách quan, nhân văn trở thành nguyên tắc thì các giá trị được truyền tải mới thấm sâu vào học sinh. Để giáo dục giá trị có hiệu quả cũng cần tôn trọng sự khác biệt.

 Năm 2001, Tổ chức Văn hoá - Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đưa ra tuyên bố, khẳng định sự đa dạng văn hoá cũng cần cho nhân loại như đa dạng sinh học. Trong nhà trường cũng vậy, sự khác biệt của mỗi học sinh cần được giáo viên tôn trọng, lắng nghe. Lâu nay, thang giá trị của mối quan hệ thầy trò là sự tuân phục thì hiện nay, chỉ số chính phải thay đổi: chuyển từ chỗ chỉ tuân phục sang tôn trọng và đối thoại. Một yếu tố khác để bảo đảm giáo dục giá trị trong nhà trường có hiệu quả, đó là vai trò nêu gương của giáo viên, còn gọi là đạo đức nghề nghiệp.

Trong môi trường giáo dục, người thầy, người cô phải có phẩm chất khoan dung, vị tha để các giá trị được lan toả. Không có cách nào khác, người giáo viên phải tự toả sáng mới thắp lên được ngọn lửa. “Giáo dục giá trị trong nhà trường không phải là lý thuyết, đây là một vấn đề thực tiễn nhất trong bối cảnh các chuẩn mực xã hội bị lung lay, những vấn nạn của xã hội đang tràn vào trường học”- bà Trần Thị An kết luận.

Description: giao duc 2.jpg

Học sinh trung học phổ thông trong giờ học.

Theo ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên, một trong những bất cập của chương trình giáo dục hiện hành là tổng thời lượng tiết học các môn văn hoá vẫn còn nhiều (do chỉ được học một buổi/ngày). Chính điều này dẫn đến hai vấn đề, thứ nhất, giáo viên không còn thời gian, sức khoẻ để trò chuyện, trao đổi riêng với học sinh. Tiếp theo, số môn học nhiều nhưng lại thiếu môn học và giáo viên tâm lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận khác, đó là, nếu giáo viên thực sự có trách nhiệm, môn học Giáo dục công dân đã chứa đựng trong đó nhiều giá trị. Vấn đề là việc dạy và học hiệu quả đến đâu.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa
VIỆT ĐÔNG