BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã:

Tây Ninh đề nghị giữ nguyên hiện trạng đến năm 2021 

Cập nhật ngày: 24/08/2018 - 06:00

BTN - Ngày 13.6.2018, Bộ Nội vụ có công văn gửi UBND tỉnh về việc báo cáo hiện trạng và kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021. Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Bộ Nội vụ phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Thị trấn Hoà Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

1 HUYỆN, 18 XÃ, PHƯỜNG CHƯA ÐẠT 50% TIÊU CHUẨN

Theo văn bản này, Tây Ninh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (với một thành phố trực thuộc tỉnh và 8 huyện). Ở cấp xã, Tây Ninh có 95 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 8 thị trấn và 80 xã. Là một tỉnh biên giới, Tây Ninh có 5 huyện và 20 xã có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Theo quy định tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Tây Ninh có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (Hoà Thành), 18 xã, phường, thị trấn (trong đó có 2 phường, 5 thị trấn và 11 xã) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã phân tích những đặc điểm cơ bản các đơn vị hành chính của Tây Ninh. Ðơn vị hành chính các cấp của tỉnh hình thành từ lâu, ổn định và có đặc thù. Chẳng hạn, huyện Hoà Thành có trung tâm của tôn giáo Cao Ðài, có hệ thống giao thông nội thị được quy hoạch và xây dựng rất hoàn chỉnh gắn với địa bàn dân cư, có mật độ dân cư cao.

Theo tinh thần Nghị quyết số 18 tại Hội nghị lần thứ 6, khoá XII của Trung ương Ðảng, đến năm 2021 “sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố”. Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, căn cứ Nghị quyết 18, cả nước hiện có 259 huyện, tương đương hơn 36% tổng số huyện trong cả nước chưa đạt tiêu chuẩn, phải sáp nhập. Số xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn là 6.191, tương đương hơn 55% tổng số xã trong cả nước.

Các thị trấn, thị tứ ở Tây Ninh tuy có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số lớn. Ví dụ thị trấn huyện Gò Dầu, mặc dù diện tích tự nhiên chỉ 6,01km2 nhưng dân số lên đến 33.455 người. Tương tự, ở Hoà Thành đơn cử xã Hiệp Tân chưa đến 7km2 nhưng có gần 20.000 người sinh sống.

Hoà Thành là huyện được UBND tỉnh xây dựng đề án trình Bộ Xây dựng xem xét công nhận đô thị loại IV và huyện đã đạt các tiêu chí của đô thị loại III. Nếu xem xét quy định điều kiện về diện tích tự nhiên, quy mô dân số để thành lập phường, 5 xã của huyện Hoà Thành không đủ điều kiện về diện tích tự nhiên của xã, nhưng đủ điều kiện về diện tích tự nhiên thành lập phường.

Tại Tây Ninh, một số đơn vị hành chính cấp xã gắn với quá trình phát triển kinh tế và phân bố lại dân cư trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời còn liên quan đến công tác xây dựng khu vực phòng thủ biên giới.

Do vậy, các xã ở khu vực biên giới, xã nông nghiệp nông thôn có diện tích tự nhiên rất lớn nhưng quy mô dân số rất nhỏ. Ðơn cử, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên diện tích rộng hơn 87km2 nhưng dân số chỉ có 3.816 người.

Căn cứ những đặc điểm trên, UBND tỉnh đề xuất với Trung ương về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, đối với 5 xã của huyện Hoà Thành, mặc dù không đủ diện tích tự nhiên theo quy định của xã, nhưng đủ theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường.

Vì thế, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Tây Ninh thực hiện cơ chế đặc thù để thành lập thị xã Hoà Thành có 6 phường (gồm 5 xã và thị trấn thành phường). Huyện Hoà Thành có đặc điểm riêng biệt vì nơi đây gắn với tôn giáo Cao Ðài, mật độ dân cư cao, sinh hoạt cộng đồng gắn với sinh hoạt của tôn giáo.

Ðối với 5 thị trấn thuộc 5 huyện không đủ điều kiện về diện tích tự nhiên, UBND tỉnh đề nghị giữ ổn định đến năm 2021. Lý do, các thị trấn này có mật độ dân cư rất cao, đời sống kinh tế, xã hội đang ổn định, nếu sắp xếp, sáp nhập sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ðối với 3 xã có dân số ít nhưng có diện tích tự nhiên lớn, UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên, vì những xã này có đặc thù biên giới, gắn với xây dựng thế trận phòng thủ. Riêng xã Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên là xã thuộc vùng kinh tế nông - lâm nghiệp, có diện tích tự nhiên rất lớn, là vùng đệm tiếp giáp với xã biên giới (như xã Tân Lập, xã Tân Hà).

Trung tâm Văn hoá Thể thao, Học tập cộng đồng xã Long Thành Trung.

PHÂN BỐ DÂN CƯ KHÔNG ÐỀU

Một trong những khó khăn, bất cập hàng đầu trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính (không riêng gì cấp xã, huyện) là yếu tố dân cư. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khoáng sản, nguồn nước, kinh tế, xã hội, lịch sử nên sự phân bố dân cư ở nước ta (không riêng gì địa phương nào) không đồng đều.

Có những khu vực diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn nhưng số dân sinh sống lại rất đông. Ngược lại, có những nơi diện tích tự nhiên rộng nhưng dân cư thưa thớt. Nhìn rộng ra, sự phân bố dân cư không đồng đều diễn ra từ buổi bình minh của lịch sử và ở tất cả các quốc gia, khu vực.

Có câu “đất lành chim đậu”, khi xã hội loài người phát triển, hoạt động kinh doanh, mua bán, thương mại hình thành và phát triển theo xu hướng chọn nơi định cư của con người thay đổi theo tư duy địa lý “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ”.

Tuỳ vào điều kiện của từng quốc gia hoặc từng địa phương, chính sách phân bố lại dân cư đã được triển khai thực hiện, trong đó có việc di dân đến những vùng đất mới, nơi còn nhiều tiềm năng để khai khẩn. Tuy nhiên, sức hút, sức hấp dẫn của đô thị vẫn lớn hơn, điều này giải thích vì sao sự phân bố dân cư luôn không đồng đều và sẽ không bao giờ đồng đều.

Ngoài yếu tố dân cư, địa lý, điều kiện tự nhiên, chủ trương sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện còn gặp nhiều thách thức liên quan đến cả chính sách vĩ mô cũng như những điều cụ thể.

Ở tầm “vĩ mô”, việc quyết định thành lập thêm đơn vị hành chính nào đó có liên quan đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Khu vực biên giới thường rộng lớn, dân cư thưa thớt, nếu thiếu vắng cấp chính quyền, bộ máy cơ sở thì sẽ gây những khó khăn trong công tác quản lý, nắm địa bàn, bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới.

Tuy nhiên, chính điều này cũng dẫn đến một thực tế khác, với số dân ít ỏi, có nên thành lập một đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện hay không? Bởi thực tế ở nước ta cho thấy, bộ máy Nhà nước cồng kềnh, số lượng người làm trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập quá đông.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong thời gian 30 năm (1986-2016), bình quân mỗi năm cả nước tăng thêm 50 đơn vị hành chính cấp xã. Còn theo lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, sau đổi mới 1986, cả nước chỉ có 44 tỉnh, thành phố, đến nay, cả nước đã tăng lên 64 tỉnh, thành (sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, cả nước còn 63 tỉnh, thành).

KHÔNG DỄ

Ở mức độ cụ thể, việc sáp nhập các đơn vị hành chính còn có một vấn đề không dễ giải quyết, đó là bố trí con người sau sáp nhập, bởi vì nhiều chức danh sẽ dôi dư. Bố trí lại đội ngũ như thế nào là một bài toán không hề đơn giản.

Ðể làm được điều này, cần một quyết tâm chính trị cao cộng với cách tính toán, làm việc khoa học. Nếu không, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã khó tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn.

VIỆT ÐÔNG

Tiêu chuẩn thành lập xã theo Nghị quyết  1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:  - Quy mô dân số: Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã còn lại từ 8.000 người trở lên. - Diện tích tự nhiên: Xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã còn lại từ 30km2 trở lên.