Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạy con biết “dạ, thưa” 

Cập nhật ngày: 07/10/2023 - 12:20

Chào hỏi lễ phép, giữ thái độ lịch sự nơi công cộng, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc là những điều căn bản một đứa trẻ cần được học. Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng trong cuộc sống giúp bé có thể hình thành thói quen, tính cách tốt khi trưởng thành.

Trẻ con thường hiếu động, dễ nổi nóng và cư xử thiếu chuẩn mực khi không vừa ý. Ảnh minh họa internet.

Hôm nọ, vợ chồng tôi được mời đến bữa tiệc tối do gia đình người bạn tổ chức tại một khách sạn sang trọng. Không gian của bữa tiệc khiến thực khách rất hài lòng với món ăn ngon, cách bài trí đẹp mắt, nhân viên phục vụ chu đáo.

Sẽ là một bữa tiệc vô cùng hoàn hảo nếu không có sự nghịch phá, la hét của hai đứa trẻ được vợ chồng khách mời đưa đi cùng. Đứa lớn tầm 7 tuổi, đứa bé 4 tuổi không ngừng đuổi nhau chạy nhảy, đùa giỡn khắp phòng ăn, sảnh khách sạn. Thỉnh thoảng đứa lớn lại trêu chọc khiến đứa bé khóc thét lên gọi mẹ.

Bố mẹ chúng dường như cũng đã nhận thấy sai lầm của mình khi mang con đi cùng đến bữa tiệc. Chị liên tục nhắc nhở các con, anh thì rối rít “thông cảm” với những người trong mâm tiệc. Sự xấu hổ, ngại ngùng hiện rõ trên nét mặt của cả hai.

Một lần khác, tôi cũng chứng kiến tình huống mà cô bạn của tôi phải xấu hổ bởi con mình cư xử bất lịch sự với người lớn. Khi được đồng nghiệp của mẹ tặng quà, con trai của bạn tôi giằng lấy hộp quà. Không một lời chào hỏi hay cảm ơn, bé vội vàng xé toạc giấy gói trước mặt khách.

Giáo dục trẻ lễ phép với người lớn là điều hết sức cần thiết.

Bạn tôi nhắc con phải chào hỏi, xin quà và cảm ơn mới được nhận nhưng cậu bé nhất quyết không làm theo. Thậm chí bé còn vùng vằng, khó chịu khi món quà không ưng ý. Bạn tôi ngượng ngùng xin lỗi khách thay con. Dù người khách nói rằng, “không sao, trẻ con có biết gì đâu”, nhưng tôi nghĩ chẳng ai cảm thấy thoải mái, vui vẻ được trong tình huống này cả.

Những câu chuyện mà tôi từng chứng kiến đó không khó để bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Trong mỗi gia đình và ở trường lớp, trẻ luôn được giáo dục phải lễ phép với người lớn, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi; giữ thái độ lịch sự nơi công cộng... Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng biết nghe lời, thực hiện những điều đã được học và đôi khi, trẻ con gây ra những tình huống dở khóc, dở cười cho người lớn.

Nhiều người với suy nghĩ trẻ con không biết gì nên khi trẻ có thái độ không ngoan thì thường bỏ qua mà không uốn nắn ngay. Nhưng thực tế việc giáo dục trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết, vì một khi thói quen đã trở thành tính cách sẽ khó khăn trong việc uốn nắn.

Trẻ được dạy lễ phép, cư xử đúng mực, biết quan tâm người khác là nền móng để hình thành nên một con người có tính cách, nhân cách tốt khi trưởng thành.

Trẻ con với khả năng của mình rất khó tiếp thu, ghi nhớ hết các quy tắc ứng xử, tính cách hiếu động cũng dễ khiến bé không hợp tác. Để trẻ lễ phép, biết “dạ, thưa”, cha mẹ hãy là người làm gương cho trẻ. Sự làm gương từ các thành viên trong gia đình cực kỳ quan trọng, tác động lớn đến nhận thức, hành vi của trẻ.

Chị Hoài Thanh (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có quy định là không tranh cãi, không nói nặng lời với nhau trước mặt con; thường xuyên nói cảm ơn, xin lỗi, dạ thưa... trong mỗi lần giao tiếp để con làm theo. Nhờ đó, các con tôi từ bé đến lớn đều được đánh giá là lễ phép, biết cách cư xử”.

Một lời nói có “dạ”, có “thưa” tuy đơn giản nhưng lại mang đến một cảm giác dễ chịu và sự tôn trọng với người đối diện. Đứa trẻ được dạy lễ phép, cư xử đúng mực là nền móng để hình thành nên một con người có tính cách, nhân cách tốt khi trưởng thành.

Nguồn t/h