BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng ba về thăm “Chứng tích Cầu Xe” 

Cập nhật ngày: 25/03/2017 - 20:16

BTNO - Đã hàng chục năm rồi, cứ đúng vào ngày 24 tháng 2 âm lịch ở ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, một số gia đình lại cùng nhau tổ chức cúng giỗ người thân của mình. Trong làn khói hương tưởng niệm, trong lúc khấn vái, gia chủ không chỉ mời gọi hương hồn người thân mà còn mời cả những bạn bè của người quá cố về cùng nhậm lễ.

Đó là những người tuy không sinh cùng ngày và cũng chẳng cùng nhà nhưng lại mất cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùng chung một chỗ. Đó là chuyện về 11 học sinh Trường tiểu học Cầu Xe đã bị máy bay Mỹ- nguỵ sát hại cách đây 54 năm.

Lãnh đạo huyện Trảng Bàng và lãnh đạo xã Hưng Thuận đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá “Chứng tích Cầu Xe”.

Trong lần cúng giỗ năm nay (lần thứ 53), tôi được ông Năm Thẳng (tên đầy đủ là Phan Văn Thẳng)- một cán bộ lão thành cách mạng mời tham dự. Nhà ông Năm Thẳng chỉ cách Khu di tích Chứng tích Cầu Xe khoảng trăm mét, đối diện phía bên kia đường.

Bên mâm cơm cúng giỗ, ông Năm Thẳng cho biết: người mà gia đình ông cúng giỗ là bà Nguyễn Thị Quắn- em vợ của ông. Bà Quắn sinh năm 1955, nghĩa là lúc bị sát hại, bà chỉ là một bé gái 8 tuổi. Ông Năm Thẳng cho biết thêm: tuy nói là cúng giỗ bà Quắn nhưng trong lúc khấn vái, ông cũng mời hết hương hồn những người từng là học sinh bị sát hại cùng lúc với bà Quắn trong ngày tang thương năm xưa, xem như là một lễ giỗ tập thể. Hầu hết những người bị sát hại hồi ấy đều là họ hàng với nhau.

Theo lời kể, thời điểm máy bay Mỹ- nguỵ sát hại học sinh Trường tiểu học Cầu Xe, ông Năm Thẳng đang công tác ở Quân y liên huyện Trảng Bàng- Gò Dầu. Sau khi sự kiện bi thảm ấy xảy ra, ông cùng đơn vị có đến tham gia cấp cứu những em học sinh bị thương.

Tại đám giỗ ở nhà ông Năm Thẳng lần này, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Liệt- người có đến hai người anh bị sát hại, đó là ông Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1953) và ông Nguyễn Phước Hồng (sinh năm 1955).

Anh Liệt nói: thấy Nhà nước quan tâm xây dựng khu chứng tích khang trang sạch đẹp, gia đình anh cũng được an ủi phần nào. Thời gian tới, chỉ mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng làm thêm căn nhà mát trong khu di tích, để có chỗ cho người thân trong các gia đình có người bị sát hại năm xưa và trẻ em quanh khu vực có chỗ nghỉ chân khi đến viếng thăm khu chứng tích.

Chúng tôi cũng được gặp một nhân chứng sống- là một cựu học sinh của Trường tiểu học Cầu Xe đã may mắn thoát chết trong trận thảm sát ngày ấy. Đó là ông Nguyễn Văn Khán năm nay 66 tuổi, hiện ngụ tại ấp Cầu Xe.

Chuyện xảy ra đã lâu rồi nhưng ông Khán vẫn còn nhớ như in. Nhắc lại chuyện cũ, ông xúc động kể: những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ấp Cầu Xe cũng như toàn xã Đôn Thuận (lúc ấy Cầu Xe thuộc xã Đôn Thuận, sau này thuộc xã Hưng Thuận) là vùng giải phóng.

Trường tiểu học Cầu Xe là mái trường của cách mạng, trong vùng kháng chiến do cán bộ cách mạng phụ trách việc dạy học. Lúc ấy trường có hơn 60 học sinh học 3 cấp lớp, từ lớp 1 tới lớp 3 (hồi đó gọi là lớp năm, lớp tư, lớp ba). Trường có 3 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học và 2 thầy giáo, nên lớp 1 và 2 ngồi chung một phòng do một thầy dạy. Còn lớp 3 riêng một phòng với một thầy dạy.

Học sinh học hai buổi mỗi ngày. Lúc ấy ông Khán học lớp ba do thầy Năm Tới dạy, còn một thầy nữa ông đã quên tên. Để tránh bom đạn giặc, nhà trường có đào hầm tránh bom đạn và giao thông hào trong khuôn viên trường.

Khoảng 3 giờ chiều, ngày 18.3.1963, nhằm ngày 23 tháng 2 âm lịch (cúng giỗ sau một ngày) một chiếc máy bay chuồn chuồn (loại máy bay trinh sát của Mỹ) quần đảo trên bầu trời Đôn Thuận. Sau đó, có hai chiếc máy bay chiến đấu khu trục cũng lên quần đảo rồi bắn đạn hoả tiễn và súng đại liên xuống ngôi trường. Lúc đó, ông Khán núp sau vách tường thấy nhiều bạn bè học sinh bị thương, kêu khóc thảm thiết. Máy bay khu trục quần bắn khoảng nửa tiếng thì bay đi. Còn máy bay chuồn chuồn vẫn tiếp tục quần thêm một lúc nữa. Nhận được hung tin ngôi trường bị máy bay giặc tấn công, các bậc cha mẹ học sinh bất chấp hiểm nguy, lao đến tìm kiếm.

Sau sự kiện đau thương ấy, một nghệ sĩ cách mạng đến viếng trường và sáng tác bài ca vọng cổ với tựa là “Trường Cầu Xe sụp đổ”. Bài hát này hiện nay nhiều người cao tuổi ở xã Đôn Thuận và Hưng Thuận vẫn còn thuộc.

Bài hát có đoạn kết: “Cầu Xe nay đã vắng rồi - Còn đâu tiếng nói tiếng cười các em - Dừng chân tôi đứng lại xem- Trường xưa bóng cũ các em đâu còn”. Do bài hát được sáng tác đã lâu và chỉ qua truyền miệng từ người này sang người khác trong vùng kháng chiến, nên hiện nay không còn ai nhớ tác giả của nó là ai.

Sau khi dự đám giỗ nhà ông Năm Thẳng, tôi đến viếng Khu di tích lịch sử văn hoá Chứng tích Cầu Xe. Lần đến viếng này, tôi thấy ở đây có nhiều nét đổi mới so với lần tôi về dự lễ trao bằng công nhận khu di tích (được tổ chức vào ngày 22.7.2011). Khu di tích nay đã có rào xây che chắn, sân nền được lát gạch sạch sẽ, xung quanh có nhiều băng ghế đá. Phía trên có hệ thống điện chiếu sáng. Phía trước khu di tích có dựng tấm bảng lớn ghi hàng chữ: DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CHỨNG TÍCH CẦU XE”.

Nội dung trong bảng có nêu “….Tại xã Đôn Thuận huyện Trảng Bàng (nay là xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng), ngày 18/03/1963 Mỹ- nguy. đã gây ra một cuộc thảm sát lớn, cướp đi sinh mạng nhiều học sinh vô tội của Trường tiểu học Cầu Xe làm chết và bị thương hơn 30 học sinh, trong đó có 11 học sinh từ 8 đến 13 tuổi bị sát hại. Căm phẫn trước tội ác giết người của Mỹ- nguỵ gây ra, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ Trảng Bàng, hàng trăm phụ nữ, quần chúng nhân dân và gia đình các nạn nhân đã đưa xác và các em học sinh bị thương ra dinh quận tố cáo, đòi bồi thường nhân mạng, chữa trị cho các em bị thương, chống gom dân, cào nhà, bắn phá vào xóm làng. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, buộc tên Quận trưởng phải thừa nhận tội ác. Để ghi nhớ sự kiện này, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bàng đã lập bia tưởng niệm năm 1993. Năm 2009, huyện Trảng Bàng cho xây lại bia chứng tích tội ác Mỹ-nguỵ trên nền Trường tiểu học Cầu Xe cũ, với tên gọi “Chứng tích Cầu Xe”. Chứng tích Cầu Xe đã được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 549/QĐ-UBND”.

Lãnh đạo xã Hưng Thuận và người dân ấp Cầu Xe chụp ảnh trước Khu di tích lịch sử văn hoá “Chứng tích Cầu Xe”.

Tại khu Chứng tích Cầu Xe, tôi đã gặp Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận. Vị lãnh đạo xã cho biết, phần mới được xây dựng vào đầu năm nay là do sự ủng hộ của các mạnh thường quân với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng. Thời gian tới, đáp ứng theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương tiếp tục vận động mạnh thường quân ủng hộ xây thêm nhà mát trong khu di tích.

Chia tay với gia đình ông Năm Thẳng, rời khỏi khu Chứng tích Cầu Xe, tôi thầm nghĩ: không biết hai kẻ lái hai chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ đã xuống tay thảm sát những học sinh Cầu Xe năm xưa giờ này có còn sống hay không? Liệu họ có nhớ và ray rứt về tội ác của mình khi cướp đi mạng sống của 11 trẻ thơ vô tội? Chuyện xảy ra cách đây đã 54 năm, nếu còn sống nay thì họ cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Khi tuổi già đến, người ta có thể lãng quên nhiều thứ nhưng có lẽ thứ khó phai nhoà nhất chính là tội ác mà bản thân mình từng gây ra trong quá khứ…

N.H