BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấm lòng suất cơm nghĩa tình 

Cập nhật ngày: 21/11/2018 - 13:31

BTN - Hằng tháng, hơn 7 giờ các ngày mùng 8, 23 (âm lịch), nhiều người dân lại tìm đến địa chỉ quen thuộc tại ngã ba Giang Tân, ấp Giang Tân, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành để nhận những suất cơm miễn phí từ một bếp ăn từ thiện.

Nhiều người đến nhận cơm từ bếp ăn từ thiện tại ngã ba Giang Tân, ấp Giang Tân, xã Long Thành Nam.

Họ là những người lao động, đa phần là bán vé số, mua ve chai, chạy xe ôm… Mọi người có thể lấy bao nhiêu hộp cơm tuỳ thích, hầu như ai cũng nhận từ hai đến mười hộp cơm mang đi. Có không ít người không ăn nhưng cũng đến chờ nhận cơm rồi đem phát tận nhà cho người già neo đơn, bệnh tật trong xóm. Ðây là bếp ăn từ thiện do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Thành Nam thành lập từ tháng 12.2017. Gần một năm đi vào hoạt động, bếp ăn đã phục vụ hàng ngàn suất cơm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người nghèo bệnh tật trong và ngoài địa phương.

Chị Ðặng Ngọc Huyền- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, bếp ăn từ thiện ra đời với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, vất vả với người lao động nghèo, giúp họ có được một bữa ăn no bụng để tiếp tục mưu sinh. Ðể đưa bếp ăn đi vào hoạt động, Hội đã vận động, kết nối những chị em phụ nữ có tấm lòng thiện nguyện, cùng chung tay nấu những món ăn ngon phục vụ người nghèo.

Những ngày đầu, bếp ăn chỉ có một nồi cơm nhỏ với vài món ăn. Rất ít người đến nhận cơm, bởi nhiều người chưa biết đến, có không ít người ngại khi đến xin cơm từ thiện. Dần dần, nhiều người biết và tìm đến bếp ăn ngày càng nhiều hơn. Ðiều đáng mừng là sau một thời gian, bếp ăn đã thu hút thêm nhiều chị em phụ nữ có chung tấm lòng thiện nguyện. Nhờ đó, bếp ăn được duy trì, các suất cơm được nâng lên đáng kể. Mỗi đợt phục vụ gần 300 suất.

Theo chị Huyền, bếp ăn hoạt động theo hình thức mới, các thành viên trong bếp ăn không nấu ăn tập trung, mà mỗi thành viên sẽ tự tay nấu các món ăn tại nhà của mình. Sáng ngày phát cơm, ai nấu được món gì sẽ mang đến góp vào thực đơn của ngày hôm đó. Cách làm này, đỡ mất thời gian của các thành viên cho việc tập trung nấu ăn.

Nhờ thế, các món ăn cũng phong phú hơn về số lượng và hương vị. Mỗi đợt phát cơm luôn có khoảng 10 món ăn, gồm các món xào, luộc, kho. Thế nên, những suất cơm được phát đi lúc nào thức ăn cũng đầy ắp, đủ các loại. Dù chỉ là những món ăn đơn giản, nhưng với sự khéo léo của các chị em, món chay luôn thơm ngon, đủ vị và bảo đảm an toàn vệ sinh.

Tham gia vào bếp ăn từ thiện từ những ngày đầu tiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Thu, ngụ tại ấp Giang Tân chia sẻ, đối với người lao động nghèo, để có được bữa sáng no bụng rất khó khăn, có khi họ phải nhịn đói. Do đó, chị đã tham gia vào bếp ăn từ thiện với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn cùng người lao động nghèo. Vào mỗi đợt phát cơm, chị Thu cùng người thân thức dậy sớm để nấu từ 2 đến 3 món ăn, rồi mang ra điểm phát cơm trước 7 giờ sáng. Không chỉ vậy, chị còn thường xuyên túc trực phụ các chị em trong nhóm cho cơm vào hộp và phát cơm cho mọi người.

Chị Lâm Thuý Nga, ngụ tại ấp Long Bình tâm sự: “Trong một lần tình cờ đi ngang ngã ba Giang Tân thấy nhộn nhịp người nhận cơm, tôi đã vào tìm hiểu và ăn thử. Nhận thấy ý nghĩa của bếp ăn từ thiện, cách đóng góp cũng hay, ai có sức góp sức, ai có món ăn góp món ăn, nên tôi đã tham gia vào bếp ăn. Mỗi đợt như vậy, tôi tự tay mua nguyên liệu và cố gắng nấu các món ăn ngon như làm cho gia đình mình. Nhìn mọi người đến nhận cơm, khen cơm ngon, tôi cảm thấy rất vui. Vì thế dù bận rộn, tôi vẫn dành thời gian đến với bếp ăn”.

Bà Nguyễn Thị Bảnh, 62 tuổi, làm nghề bán vé số bộc bạch: “Cuộc sống của tôi rất khó khăn, phải nuôi người chồng bệnh tật. Do sức khoẻ kém, mỗi ngày tôi đi bán vé số chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, chạy lo bữa ăn rất vất vả. Từ khi biết đến bếp ăn, cứ đến ngày phát cơm là tôi tranh thủ chạy đến nhận cơm. Cơm ở đây rất ngon, tôi thường nhận một lần hai suất cơm, một phần tôi để ăn sáng, một phần dành cho cử trưa, đỡ tốn tiền mua cơm”.

CHÂU PHA