Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ tranh chấp đất hơn 30 năm:

Cần một giải pháp tối ưu, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi công dân 

Cập nhật ngày: 15/10/2017 - 15:20

BTN - Bà Trần Thị Đỉnh tranh chấp đất với ông Đặng Minh Hai từ năm 1987. Đến năm 2010, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Đỉnh. Quyết định đã có hiệu lực thi hành, nhưng gần 7 năm qua, UBND thành phố Tây Ninh vẫn còn loay hoay trong việc tổ chức thực hiện, khiến bà Đỉnh nóng ruột, khiếu nại.

Bà Đỉnh nói: “Phải cưỡng chế trả lại ranh đất thẳng như thế này”.

Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND Thành phố “nghiêm túc kiểm điểm trong việc chậm thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh” đối với trường hợp bà Đỉnh và báo cáo UBND tỉnh toàn bộ vụ việc trước ngày 25.9.2017. Sau thời hạn này 1 ngày, UBND Thành phố cũng đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh và đưa ra phương cách giải quyết khá mới mẻ.

VƯỚNG MẮC KHÓ THỰC HIỆN ?

Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh cho biết, ngày 16.8.2010, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND (Quyết định 1533) về việc giải quyết tranh chấp đất giữa vợ chồng bà Trần Thị Đỉnh (ngụ khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh) với gia đình ông Đặng Minh Hai.

Kết quả, công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Đỉnh, diện tích 28,4m2. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2381/QĐ-UBND (Quyết định 2381) bổ sung Quyết định 1533 với nội dung công nhận vợ chồng bà Đỉnh được quyền sử dụng 28,4m2, buộc gia đình ông Hai và ông Mai Thành Phương có trách nhiệm giao lại phần đất lấn chiếm theo trích lục bản đồ địa chính của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Thị xã (nay là Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Thành phố).

Ngày 28.8.2012, UBND Thị xã tổ chức cưỡng chế đối với hộ bà Đặng Thị Gấm (con ông Hai). Đoàn cưỡng chế bàn giao đất nhưng bà Đỉnh không đồng ý nhận ranh đất. Sau đó, bà Đỉnh làm đơn khiếu nại cho vì rằng, sau khi cưỡng chế, diện tích đất bị mất, hiện trạng đất bị lệch, ranh đất gãy khúc.

UBND Thành phố đã giải quyết khiếu nại, bà Đỉnh vẫn không đồng ý, liên tục khiếu nại, yêu cầu UBND Thành phố giao đất để bà sử dụng toàn bộ thửa đất. Bà Đỉnh cho rằng hộ ông Hai, ông Phương sử dụng đất của bà. Mặt khác, đất của bà sau khi cưỡng chế không thẳng. UBND Thành phố tổ chức đo đạc và xác định lại hiện trạng sử dụng đất (ngày 22.2.2017) của bà Đỉnh, đồng thời xác định hộ ông Phương sử dụng đất của bà Đỉnh 4,8m2, hộ bà Gấm sử dụng 4,2m2.

Cụ thể, UBND Thành phố xác định, trong 4,8m2 mà hộ ông Phương sử dụng, diện tích đất nằm trong phạm vi tranh chấp được giải quyết tại Quyết định 2381 chỉ có 1,2m2. Giải thích về diện tích 1,2m2 đất này, UBND Thành phố cho biết, năm 1987, bà Đỉnh và ông Hai tranh chấp phần diện tích đất 30,25m2.

UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận cho bà Đỉnh 28,4m2, trong đó xác định ông Hai sử dụng 6,3m2. Khi giải quyết tranh chấp giữa hai hộ này từ năm 1987 đến năm 2010, phát sinh thêm ông Phương lấn chiếm sử dụng đất của bà Đỉnh 1m2 (sau này đo đạc lại là 1,2m2).

UBND Thành phố cho rằng, ông Phương không bị bà Đỉnh hay ông Hai khiếu nại phần diện tích đất mà ông Phương chiếm sử dụng. Trong khi đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2381 lại đưa nội dung này vào, buộc ông Phương trả 1m2 nhưng không qua trình tự giải quyết tranh chấp đất đai hay khiếu nại đòi đất bị lấn chiếm. Vì vậy, UBND Thành phố xác định không tổ chức cưỡng chế buộc ông Phương giao 1m2 cho bà Đỉnh mà tiếp tục xin ý kiến.

Ngoài ra, UBND Thành phố xác định, hiện nay, ông Phương còn sử dụng đất của bà Đỉnh ở 3 vị trí khác là 2,8m2, 0,7m2, 0,1m2 (tổng cộng là 3,6m2, ngoài phạm vi đất tranh chấp 28,4m2 theo Quyết định 2381). Bà Đỉnh yêu cầu giao phần diện tích đất nêu trên cho bà, nhưng theo UBND Thành phố, do bà Đỉnh chưa có đơn khiếu nại ông Phương lấn đất, chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên UBND Thành phố không thể cưỡng chế giao đất này cho bà Đỉnh. UBND Thành phố đã có văn bản hướng dẫn bà Đỉnh khởi kiện ra toà đòi lại đất nhưng bà Đỉnh không thực hiện mà liên tục khiếu nại yêu cầu giao đất.

Đối với hộ ông Hai, UBND Thành phố xác định hộ này đang sử dụng đất của bà Đỉnh 4,2m2 nhưng chỉ có 1,6m2 nằm trong Quyết định 2381 của UBND tỉnh. Về nội dung này, UBND Thành phố cho biết bà Đỉnh yêu cầu giao đất là có cơ sở, vì trước đây (năm 2012) do đo đạc, xác định ranh đất sai sót. Mặt khác, bà Đỉnh yêu cầu giao 2,6m2 mà gia đình ông Hai đang sử dụng là không có cơ sở, vì diện tích trên nằm ngoài Quyết định 2381.

Cũng như trường hợp ông Phương, bà Đỉnh chưa khiếu nại và chưa có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nên không thể cưỡng chế giao đất cho bà Đỉnh, mà hướng dẫn bà Đỉnh khởi kiện tranh chấp đất hoặc đòi lại đất bị lấn chiếm, nhưng bà Đỉnh không đồng ý thực hiện.

Tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, UBND Thành phố cũng nhắc lại nội dung buổi đối thoại của UBND Thành phố với bà Đỉnh ngày 14.3.2017. Theo đó, bà Đỉnh cho hay bà sang nhượng đất hợp pháp, có giấy tờ do Nhà nước cấp, diện tích đất có tứ cận rõ ràng nhưng UBND Thành phố thực hiện chưa đúng, làm ranh đất của bà cong quẹo, không thẳng từ trước tới sau, là do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu sai cho UBND Thành phố và UBND tỉnh.

Bà Đỉnh mong muốn giao đủ đất theo giấy tờ đất và quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh. Bà Đỉnh khẳng định tiếp tục yêu cầu cơ quan hành chính giải quyết đất đai cho bà mà không đồng ý khởi kiện ra toà. Bà Đỉnh yêu cầu UBND Thành phố tổ chức giao đất cho bà trong thời gian 30 ngày, vì vụ việc đã kéo dài mấy mươi năm. UBND Thành phố làm chưa đúng thì phải làm lại cho đúng, không để bà phải chờ đợi lâu thêm nữa.

Tại buổi đối thoại, đại diện Sở TN&MT, đại diện Ban Tiếp công dân tỉnh đề nghị UBND Thành phố phải thực hiện các biện pháp giao đất theo Quyết định 2381 của UBND tỉnh vì thuộc trách nhiệm của UBND Thành phố. Phạm vi đất không được điều chỉnh bởi quyết định của UBND tỉnh, đề nghị bà Đỉnh khởi kiện tại toà án, buộc các hộ lấn chiếm giao trả đất cho bà theo giấy chứng nhận QSDĐ, UBND Thành phố không có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Đất đai.

Kết luận buổi đối thoại, ông Lê Ngọc Ẩn- nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, UBND Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết định của UBND tỉnh (giao đất còn thiếu) theo trình tự được quy định tại Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND, ngày 3.2.2017, của UBND tỉnh quy định chi tiết cưỡng chế thi hành giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh. Phần đất còn lại mà các hộ lấn qua đất của bà Đỉnh hướng dẫn khởi kiện tại toà án.

Sau buổi đối thoại, UBND Thành phố thực hiện các biện pháp để tiếp tục giao đất cho bà Đỉnh theo Quyết định 2381 bằng cách vận động các bên tự nguyện thực hiện. Tuy nhiên, tháng 8.2017, UBND Thành phố vận động bà Gấm giao 1,6m2 đất nhưng bà Gấm không đồng ý.

Bà Gấm cho rằng, các quyết định của UBND tỉnh không đúng, vì trước đây, cha bà tranh chấp phần đất trống bên ngoài hàng rào để giữ đất làm lối đi vào nhà cho người ông thứ tư của gia đình, sau đó UBND tỉnh lại lấy đất trong hàng rào giao cho bà Đỉnh là không đúng. Đối với ông Phương, UBND Thành phố cũng vận động giao 1,2m2 đất cho bà Đỉnh, ông Phương không đồng ý. Riêng bà Đỉnh, UBND Thành phố vận động bà nhận bồi thường (diện tích 1,6m2) bằng tiền, bà Đỉnh cũng không đồng ý.

Với kết quả vận động bất thành, UBND Thành phố xin ý kiến Thường trực Thành uỷ và được Thường trực Thành uỷ cho ý kiến chỉ đạo phải kiên trì biện pháp vận động. Đối với diện tích 1,6m2, sẽ không tiếp tục cưỡng chế, vì diện tích “không đáng kể”, cần lập phương án bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tính giá cao hơn giá thị trường cho phù hợp.

Trên cơ sở chỉ đạo trên, UBND Thành phố kiến nghị sẽ tiếp tục vận động, nếu không đạt kết quả sẽ cưỡng chế thực hiện quyết định của UBND tỉnh đối với hộ ông Mai Thành Phương, bồi thường diện tích đất giao thiếu đối với hộ bà Đặng Thị Gấm.

ĐỀ XUẤT THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CÓ HỢP LÝ?

Cần phải khẳng định rằng, vụ khiếu nại của bà Trần Thị Đỉnh, ngay từ đầu, UBND Thị xã (nay là Thành phố) xem xét giải quyết. Khi vụ việc khiếu nại vướng mắc, UBND tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc họp với các ngành chuyên môn, trong đó có UBND Thành phố. Thế nhưng, vì sao trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, cũng như sau này Quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực pháp luật đến nay đã gần 7 năm, vẫn chưa thực hiện được? UBND Thành phố nêu ra hàng loạt khó khăn vướng mắc, thay vì phải tiếp tục giao đất thiếu do cưỡng chế “bỏ sót”, lại đề xuất hướng “bồi thường”, trong khi đất không mất đi, việc cưỡng chế thi hành là hoàn toàn khả thi, như thế, việc giải quyết theo hướng “bồi thường thay cho người lấn đất” liệu có phù hợp quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trạng đất của bà Đỉnh rất “khó coi”. Bởi vì đất giao thiếu và đất bà Gấm lấn chiếm “đâm ngang hông” vào đất của bà Đỉnh. Ghi nhận tại hiện trường và tham khảo sơ đồ thửa đất cho thấy, nếu bà Gấm giao trả lại đất, khi đó ranh giữa đất bà Đỉnh và bà Gấm là ranh thẳng, chứ không “cong quẹo” như hiện nay.

Phần nội dung bà Gấm, ông Phương lấn chiếm đất bà Đỉnh, UBND Thành phố cho rằng chỉ có cách duy nhất là kiện ra toà, vì không thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, trong khi bà Đỉnh không đồng ý kiện (?). Bên cạnh đó, trong biên bản tại buổi đối thoại ngày 14.3.2017, đại diện Sở TN&MT, phần diện tích đất nằm ngoài quyết định của UBND tỉnh, bà Đỉnh cần khởi kiện ra toà án hoặc gửi đơn khiếu nại các hộ lấn chiếm đất để được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật; vì sao nội dung này không được ghi nhận trong báo cáo của UBND Thành phố (?).

Được biết, UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở TN&MT xem xét báo cáo của UBND Thành phố để tham mưu UBND tỉnh giải quyết vụ khiếu nại của bà Đỉnh. Thiết nghĩ, sắp tới đây, khi vấn đề được đưa ra bàn thảo, nội dung bồi thường thay cho cưỡng chế, yêu cầu trả đất của bà Đỉnh bị lấn chiếm chỉ có cách duy nhất là kiện ra toà như đề xuất của UBND thành phố có hợp lý hay không, sẽ được các ngành chuyên môn làm rõ, để UBND tỉnh chỉ đạo UBND Thành phố có hướng giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài gần 30 năm, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

ĐỨC TIẾN