Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020:

Chỉ nên có một đoàn thanh tra 

Cập nhật ngày: 27/05/2020 - 00:05

BTN - Một nguồn tin cho biết, theo kế hoạch, ngày 10.6, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư (chính thức) kèm theo quy chế của kỳ thi này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong điều kiện hết sức đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Như tin đã đưa, cách nay vài ngày, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo về quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Một nguồn tin cho biết, theo kế hoạch, ngày 10.6, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư (chính thức) kèm theo quy chế của kỳ thi này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong điều kiện hết sức đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Mặt khác, vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương đang được toà án xét xử trong mấy ngày gần đây đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận. Vì thế, ngoài những nội dung chủ đạo của kỳ thi, Bộ GD-ĐT khuyến khích thí sinh, thành viên của các hội đồng thi và mọi công dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế thi.

Nên hợp nhất

Theo tinh thần của bản dự thảo về quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, phần quy định về công tác thanh tra, kỳ thi này sẽ có ba đoàn thanh tra, gồm thanh tra của Bộ GD-ĐT, của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thanh tra của Sở GD-ĐT. Ý kiến của một vị cán bộ giàu kinh nghiệm về công tác khảo thí cho rằng, không nên và cũng không cần thiết phải lập đến ba đoàn thanh tra của ba cấp khác nhau.

“Ba đoàn thanh tra, hay nói cách khác có ba tổ chức thanh tra cùng một nội dung (kỳ thi) thì tôi cho rằng cần thiết phải xem xét lại liệu có phù hợp hay không”- ý kiến nêu. Người này phân tích, việc thành lập cả ba đoàn thanh tra thì phải có ba bản báo cáo cho đoàn thanh tra (khi được yêu cầu) trong khi những người có trách nhiệm đang lo làm nhiệm vụ trong kỳ thi.

Nhưng điều quan trọng hơn, nếu kết luận của các đoàn thanh tra về kỳ thi không giống nhau thì biết nghe lời ai, nghe theo đoàn nào? “Vì thế, tôi kiến nghị sửa nội dung bằng cách hợp nhất ba đoàn thanh tra này lại thành một. Thành viên đoàn thanh tra có thể vẫn của cả ba cấp, ngành, gồm Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT”- ý kiến này chỉ ra.

Ngoài việc tổ chức các đoàn thanh tra, vị cán bộ tiếp tục bảo lưu quan điểm cần xem xét lại quy định, quy chế chấm thi môn tự luận, cụ thể là môn Ngữ văn.

“Dự thảo cho phép giám khảo chấm bài môn thi này chênh lệch đến hai điểm rưỡi, tôi cho là không phù hợp, vì khoảng cách điểm quá lớn. Tôi đề nghị chỉ cho phép giám khảo chấm chênh nhau tối đa là 1 điểm.

Ví dụ, giám khảo A chấm một bài thi của thí sinh nào đó và chấm 5 điểm, trong khi giám khảo B chấm đến 7 điểm rưỡi. Khi đó, sẽ phải chấm lại lần hai. Nếu chấm lần hai mà điểm chấm của hai giám khảo vẫn không sát nhau thì tiếp tục chấm lần ba.

Chấm tiếp lần ba vẫn không thay đổi thì lúc đó chấp nhận trung bình cộng. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp, bài làm của thí sinh chỉ được 5 điểm rưỡi hoặc 6 điểm nhưng khi lấy trung bình cộng thì tổng điểm sẽ cao hơn con số đó”- vị cán bộ diễn giải cặn kẽ.

Do đó, để hạn chế, phòng ngừa những chuyện “này kia” trong khâu chấm thi môn tự luận, quy chế chỉ nên cho phép chấm chênh nhau một điểm và đó sẽ là điểm trung bình cộng của bài thi. “Trong thi tuyển sinh, việc chấm chênh lệch đến 1 điểm là nhiều, vì chỉ cần hơn nhau có chừng đó là đã có người trúng tuyển, người không”- vị cán bộ nêu ý kiến.

“Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương, trường hợp cần thiết, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương. Chánh Thanh tra sở GD-ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GD-ĐT; trường hợp cần thiết, do Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định. Bộ GD-ĐT hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra thi theo quy định của pháp luật”- trích quy định công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo dự thảo quy chế thi. 

Lưu ý đối với thí sinh

Dự thảo quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dành một phần đáng kể để lưu ý thí sinh, bất kỳ trường hợp nào vi phạm quy chế đều sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ. Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh phải tuân thủ nhiều quy định trong phòng thi.

Khi vào phòng thi, thí sinh ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình, trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in, nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi phát đề.

Thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).

Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay và bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình, phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp. 

Khi nộp bài thi tự luận, thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).

Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi. Thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.

Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Trường hợp cần cấp cứu, việc ra khỏi phòng thi và khu vực thi của thí sinh do trưởng điểm thi quyết định (có sự giám sát của cán bộ công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi). 

Khi dự thi các bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải tuân thủ các quy định sau: phải làm bài thi trên phiếu trả lời được in sẵn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời, trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.

Điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đối với số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 ở phía trước), điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi. 

Khi nhận đề thi cần lưu ý kiểm tra bảo đảm các môn thi thành phần trong mỗi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi chậm nhất 10 phút sau khi thí sinh nhận đề thi.

Thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Phải kiểm tra đề thi để bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi, số trang như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi.

Không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài; khi hết giờ làm bài, phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai phiếu thu bài thi. Chỉ được rời khỏi phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép rời khỏi phòng thi. Khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi và cán bộ có trách nhiệm tại điểm thi.

Việt Đông

Khuyến khích thí sinh, thành viên của các hội đồng thi và mọi công dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế thi. Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế thi cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận quy định để có biện pháp xử lý. Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi báo ngay cho nơi tiếp nhận được quy định trong quy chế để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo. Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc này để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi (trích dự thảo quy chế).