Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một khu dân cư sống trên…đất lúa 

Cập nhật ngày: 14/12/2017 - 23:40

BTN - Khu dân cư có tên gọi là Gò Duối không lớn, chỉ có hơn 100 nhân khẩu, có tổ tự quản hẳn hoi, nhà ở được xây tường kiên cố, nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của các hộ dân lại thể hiện là đất lúa.

Ông Ninh với căn nhà xây trên đất lúa.

Lúc được cấp “giấy đỏ”, người dân không mấy quan tâm, nhưng khi “đụng” vào một số thủ tục hành chính, họ mới biết đó là rào cản, gây phiền toái, thậm chí không thể xem xét cấp nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.

TƯỞNG ĐẤT Ở, AI NGỜ ĐẤT LÚA ?

Người dân nơi đây cho biết, địa danh Gò Duối (thuộc ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) đã có từ lâu đời. Khi nói đến Gò Duối, người dân địa phương, nghĩ ngay đến một khu đất gò cao nằm giữa cánh đồng Bến Kéo. Để đi đến khu Gò Duối, có một con đường nhựa phẳng lì chạy thẳng vào, băng qua cánh đồng mênh mông nước hai bên đường.

Ông Phạm Văn Ninh (thường gọi là Ni, sinh năm 1950), người ngụ cư lâu đời tại khu vực Gò Duối cho biết, ông được cha là ông Phạm Văn Bảy cho một phần đất hơn 3,2 ha, trong đó, 1,2 ha là đất gò.

Ông Ninh kể, cha ông sống tại Gò Duối đã lâu, trước những năm 1960. Thời ấy, cha ông cất một căn nhà nhỏ để ở. Hằng ngày, cha con ông Ninh làm ruộng trên mấy ha đất do ông nội để lại. Sau khi cha chết, ông Ninh tiếp tục sống bằng nghề nông trên khu đất này. Năm 1969, ông Ninh có về khu vực ấp Long Yên (nay là Bến Kéo) sinh sống một thời gian. Năm 1975, ông Ninh trở lại định cư ở khu Gò Duối.

Năm 1981, ông Ninh xây nhà kiên cố để ở cho đến nay. Năm 1998, ông được UBND huyện Hoà Thành cấp giấy CNQSDĐ với diện tích là 5.120m2, nhưng toàn bộ đều thể hiện trong giấy là đất lúa. Theo ông Ninh, khi được Nhà nước cấp giấy đỏ, gia đình ông rất mừng, vì phần đất của cha ông qua bao đời nay để lại cho ông chính thức được công nhận. Thời điểm đó, ông không quan tâm đất của mình là lúa hay thổ cư, cũng như chuyện đó ghi trong giấy CNQSDĐ có ý nghĩa như thế nào.

Gần đây, người anh rể của ông Ninh là ông Nguyễn Văn Ảnh (sinh năm 1928, cũng sinh sống rất lâu đời ở Gò Duối) được UBND xã Long Thành Nam xem xét để xây dựng nhà tình nghĩa, nhưng đất của ông Ảnh (đối diện với đất của ông Ninh), trong giấy CNQSDĐ cũng ghi là đất lúa nên xã không thể xét để xây nhà tình nghĩa được. Lúc này, ông Ninh mới thật sự quan tâm đến vấn đề đất lúa hay thổ cư trong giấy CNQSDĐ.

Do ông Ảnh già yếu, đi lại không tiện nên ông Ninh thay ông Ảnh đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm thủ tục xin Nhà nước công nhận là đất thổ cư. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản, sau nhiều lần “đi tới, đi lui”, Phòng TN&MT cho biết, đất của ông Ảnh là đất lúa, muốn được công nhận là thổ cư cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định. Hoàn cảnh gia đình vợ chồng ông Ảnh khó khăn, đang ở tạm chung nhà với người con gái, nên để việc chuyển đổi mục đích phải đóng số tiền rất lớn. Đó thực sự là vấn đề nan giải.

Ngoài gia đình ông Ninh, ông Ảnh, còn nhiều hộ dân khác cũng cất nhà “định cư” ở Gò Duối lâu dài, và được cấp giấy CNQDĐ, nhưng đều là “đất lúa”.

Thanh tra xác định là đất thổ cư, nhưng…

Được biết, khi biết UBND xã Long Thành Nam xem xét gia đình thuộc diện được xây dựng nhà tình nghĩa, ông Ảnh có đơn yêu cầu UBND huyện Hoà Thành xem xét lại, cấp đất ở theo thực tế sử dụng, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Thanh tra huyện kiểm tra.

Ngày 8.9.2017, Thanh tra huyện có báo cáo gửi Chủ tịch UBND huyện nêu rõ: Vào năm 1955, ông Ảnh được cha mẹ cho một phần đất. Quá trình sử dụng, ông Ảnh có đăng ký sổ mục kế năm 1993, loại đất mùa. 

Năm 1993, ông Ảnh có đơn đăng ký QSDĐ loại đất mùa, UBND xã Long Thành Nam có tờ trình đề nghị cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ ở xã Long Thành Nam. UBND huyện đã ban hành quyết định cấp giấy CNQSDĐ, theo đó, có 561 cá nhân được cấp giấy, trong đó có ông Ảnh. Thanh tra kiểm tra hiện trạng, xác định phần đất ông Ảnh là đất gò cao, còn dấu tích nền nhà cũ, đất không thể trồng lúa. Vị trí đất ông Ảnh giáp và nằm trong khu dân cư Gò Duối.

Nguồn gốc đất của ông Ảnh do cha mẹ cho. Năm 1968, ông Ảnh cất nhà ở, sinh sống đến năm 1999-2000, do nước ngập nên về sống chung với con ở lộ 2 (Bến Kéo). Căn cứ Thông tư số 302-TT/ĐKTK ngày 28.10.1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất, Thanh tra huyện xác định, việc lập hồ sơ xét cấp giấy CNQSDĐ đối với ông Ảnh, UBND xã Long Thành Nam, Phòng Địa chính huyện thiếu kiểm tra xác định loại ruộng đất của các thửa đất ông Ảnh kê khai, đăng ký và hiện trạng sử dụng đất.

Do đó, tại thời điểm cấp giấy, ông Ảnh cất nhà trên mảnh đất diện tích 3.300m2, nhưng cơ quan chức năng tham mưu UBND huyện cấp giấy loại đất mùa (đất trồng lúa một mùa) là không đúng loại đất và hiện trạng sử dụng đất.

Trên cơ sở xác minh, Thanh tra huyện kiến nghị Chủ tịch UBND huyện áp dụng thực hiện hạn mức giao đất nông thôn đối với ông Ảnh diện tích 400m2 theo quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận QSDĐ, diện tích tối thiểu được phép tách thửa của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ban hành theo Quyết định 04/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch huyện chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện thu hồi, cấp đổi giấy CNQSDĐ của ông Ảnh, trong đó có 400m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm đúng hiện trạng sử dụng đất. Ngày 19.9.2017, UBND huyện có công văn chỉ đạo Phòng TN&MT thực hiện, báo cáo kết quả UBND huyện trước ngày 30.9.2017, nhưng đến nay, việc thu hồi, cấp đổi giấy CNQSDĐ cho ông Ảnh vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, ông Ảnh có đơn khiếu nại UBND huyện. 

KHÔNG THỂ ĐỂ DÂN SỐNG TRÊN… ĐẤT LÚA

Vì sao, khu đất Gò Duối từ lâu thể hiện là đất gò, có người sinh sống, nhưng việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Ảnh và những người dân nơi đây đều thể hiện đất lúa?

Ông Lê Quang Thanh- cán bộ địa chính xã Long Thành Nam trước đây cho biết, ông phụ trách địa chính xã vào tháng 10.1993. Lúc này, toàn bộ hồ sơ địa chính của xã đã được cấp trên thành lập hoàn chỉnh rồi chuyển về xã. Cấp trên chỉ đạo UBND xã thành lập Hội đồng xét duyệt để cấp giấy CNQSDĐ cho dân. Lúc bấy giờ, Hội đồng chủ yếu xét về nguồn gốc đất có tranh chấp hoặc có thuộc đất công Nhà nước quản lý hay không.

Nếu thuộc các diện trên thì loại ra. Còn lại, nếu các hồ sơ hợp lệ, đề nghị Phòng Địa chính (nay là Phòng TN&MT) trình UBND huyện cấp giấy. Khi huyện cấp giấy, giấy chuyển về xã, địa chính xã có trách nhiệm phát cho dân và cho ký nhận vào sổ cấp phát giấy. Địa chính xã chỉ thực hiện theo hồ sơ địa chính bàn giao cho xã, không thay đổi gì được, do hồ sơ lưu ở 4 cấp từ Trung ương đến xã.

Ông Đoàn Minh Vương, hiện là công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường xã Long Thành Nam cho biết, xã có 2 loại hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính được áp dụng. Hệ thống thứ nhất, xã được đo đạc và thành lập hoàn tất hồ sơ địa chính trước năm 1993 theo Chỉ thị 299 của Chính phủ ngày 11.10.1980. Hình thức chủ yếu là không ảnh, sau đó giải thửa vẽ thành bản đồ và hình thành các loại sổ địa chính. Hệ thống thứ 2, đo đạc năm 2004 theo hệ toạ độ quốc gia ký hiệu VN-2000.

Cho đến nay, việc xét cấp giấy lần đầu đều căn cứ thông tin hệ thống thứ nhất (nhất là mục đích, nguồn gốc, chủ sử dụng). Việc hồ sơ địa chính thành lập căn cứ bản đồ không ảnh đến nay phát hiện có nhiều sai sót, nhất là về mục đích sử dụng. Mặt khác, khu Gò Duối có khoảng 15 ha đất gò cao có nhà dân nằm giữa cách đồng ruộng lúa, tờ bản đồ số 7, khoảng 385 ha nên việc thể hiện mục đích lúa khi thành lập bản đồ dễ sai sót, tuy nhiên, địa phương khi nghiệm thu thiếu kiểm tra. Những hộ dân được cấp giấy CNQSDĐ, khi nhận giấy phát hiện không đúng cũng không có khiếu nại để Nhà nước xác minh điều chỉnh lại, nên mới… xảy ra rắc rối như hiện nay.

Ông Lê Phước Tài- Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam cho biết, đất ông Ảnh tiếp giáp đường, thuộc khu dân cư Gò Duối. Ông Ảnh cất nhà ở từ năm 1960. Năm 2000, bị nước ngập, nhà hư hỏng nên ông Ảnh về ở chung với con. Hiện tại, dấu tích nền móng nhà và giếng nước vẫn còn.

Từ trước đến nay, đất ông Ảnh không thể trồng lúa được, vì là đất gò cao, chỉ trồng cây lâu năm. Do phía sau, giáp ranh vùng đất lúa nên kiểm kê đất lúa năm 2013 khoanh vùng đất của ông là đất lúa là chưa chính xác với thực tế.

Ông Ảnh có quá trình tham gia hoạt động cách mạng, được Nhà nước công nhận, có hoàn cảnh khó khăn nên xã đề nghị xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Vì vậy, theo ông Tài, việc công nhận đất ông Ảnh là thổ cư là phù hợp thực tế. Đối với khu vực Gò Duối, ông Tài cho biết thêm, thực sự đây là khu dân cư nên Nhà nước đã đầu tư nâng cấp con đường theo chương trình đường nội đồng với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Rõ ràng, từ xưa đến nay, khu đất Gò Duối đều thể hiện là đất gò. Quá trình sinh sống, nhiều người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố, được công nhận là tổ dân cư tự quản số 22 thuộc ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam. Việc do sơ suất trong quá trình làm hồ sơ mà giấy CNQSDĐ của người dân đều “bị” ghi là đất lúa, trong đó có gia đình ông Ảnh, là không đúng với thực tế.

Qua trao đổi, ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành cũng xác nhận khu vực Gò Duối là khu dân cư, huyện đang có phương án cấp nước sạch cho người dân khu vực này sử dụng. Vì lẽ đó, thiết nghĩ, chính quyền huyện Hoà Thành nhanh chóng chỉnh sửa lại giấy đất, để người dân sớm được “an cư lạc nghiệp”.

ĐỨC TIẾN