Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý phương tiện vi phạm hành chính:

Muôn vàn khó khăn 

Cập nhật ngày: 23/05/2018 - 18:31

BTN - Tạm giữ phương tiện là một trong những biện pháp ngăn chăn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, qua đó, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Nhiều chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”.

NGƯỜI VI PHẠM “BỎ CỦA CHẠY LẤY NGƯỜI”

Thống kê của Công an tỉnh, tính đến ngày 31.12.2017, cơ quan chức năng tạm giữ 7.315 phương tiện VPHC (tất cả đều là xe mô tô), trong đó, phương tiện đủ điều kiện trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp là 3.513 chiếc; phương tiện tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước và thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật hơn 3.800 chiếc.

Trong năm 2017, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố đã ra quyết định tịch thu và bán đấu giá 4.289 xe mô tô, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. 

Chỉ riêng Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh, hiện nay đang tạm giữ 1.189 phương tiện VPHC, trong đó, số phương tiện tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước và thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật là 346 xe.

Toàn tỉnh hiện có 10 kho tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự ATGT đặt tại trụ sở Công an các huyện, thành phố và Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh. Các kho tạm giữ phương tiện được lắp đặt thiết bị bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; phân công cán bộ quản lý, thường xuyên kiểm tra kho để kịp thời phát hiện, sửa chữa những nơi hư hỏng, không bảo đảm an toàn.

Tất cả phương tiện tạm giữ được đưa vào kho bảo quản, sắp xếp gọn gàng, đúng quy định, không để ngoài mưa, nắng làm gỉ sét, hư hỏng.

Ðối với những phương tiện VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khi bị tạm giữ, người vi phạm sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, có đầy đủ giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp sẽ được cơ quan chức năng trả lại phương tiện.

Tuy nhiên, không ít trường hợp chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”, không đến làm thủ tục nộp phạt và nhận lại phương tiện. Tình trạng gia tăng các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ khiến công tác quản lý, xử lý của lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, số phương tiện tạm giữ nhiều là do mức phạt VPHC cao hơn giá trị của phương tiện. Nhiều xe mô tô đã qua sử dụng lâu, xe mô tô Trung Quốc giá trị sử dụng thấp nên khi bị tạm giữ, người vi phạm thường bỏ luôn, không đóng phạt.

LUẬT CHƯA PHÙ HỢP THỰC TIỂN

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, quá trình vận dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều quy định còn bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là việc xử lý phương tiện VPHC trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, khoản 10, điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và điều 14, 15 Nghị định 115/2013/NÐ-CP, việc giao phương tiện giao thông VPHC cho tổ chức, cá nhân vi phạm tạm giữ hoặc đặt tiền bảo lãnh phương tiện bị tạm giữ chỉ áp dụng có hiệu quả đối với trường hợp tạm giữ phương tiện là ô tô, còn đối với xe mô tô không áp dụng được, vì khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ không thể giám sát việc sử dụng xe.

Người vi phạm không đến làm việc, bỏ mặc việc tạm giữ phương tiện nên cũng không thể thực hiện thủ tục này.

Ngoài ra, khoản 1, Ðiều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt VPHC, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm.

Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ luôn phương tiện, cơ quan chức năng phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định mới có thể làm thủ tục xử lý, tịch thu phương tiện, dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài.

Ðồng thời, công tác xử lý giải quyết phương tiện bị tạm giữ dạng tịch thu, bán đấu giá mất rất nhiều thời gian từ các khâu giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ, định giá, ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.

Trong năm 2018, Công an tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm đủ điều kiện tịch thu, bán đấu giá.

Mặt khác, đơn vị sẽ kiến nghị Bộ Tư Pháp nghiên cứu đề xuất sửa đổi khoản 1, Ðiều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng, đối với những phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày theo quy định tại khoản 1 Ðiều 73 mà người vi phạm không chấp hành quyết định nộp phạt, cơ quan chức năng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; nếu quá 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng, cơ quan chức năng ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện VPHC.

Ðối với phương tiện giao thông có giá trị thấp, đã qua sử dụng lâu, đề nghị không thực hiện thủ tục tịch thu bán đấu giá, mà tịch thu tiêu huỷ hoặc bán phế liệu vì nếu tiếp tục bán đấu giá thì xe tiếp tục được đăng ký (xoay vòng), khi vi phạm giao thông mức phạt cao hơn, người vi phạm lại tiếp tục bỏ xe, không nộp phạt dẫn đến xe tồn nhiều.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI