BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 20 tháng 10:

Cập nhật ngày: 20/10/2017 - 12:58

Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam được thành lập ngày 20-10-1930. Đó là tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng, Đảng chỉ rõ: nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì Cách mạng mới chỉ là một nửa.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Bác Hồ kính yêu đã từng đánh giá: Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, phụ nữ nước ta có nhiều cống hiến to lớn xuất sắc. Hội hiệp phụ nữ Việt Nam đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.

* Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh ngày 20-10-1930. Quê quán ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1950, đang học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng, ông tình nguyện vào bộ đội, viết văn từ 1954. Năm 1960 về công tác tại tạp chí "Văn nghệ Quân đội" cho đến ngày mất. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá III.

Tác phẩm: "Cửa sông" - tiểu thuyết (1967-1968); "Những vùng trời khác nhau" - tập truyện ngắn (1970), "Dấu chân người lính" tiểu thuyết 1972-1974-1984), "Những ngày lưu lạc" (1981), "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" (1983), "Cỏ lau" (1988) v.v....

Cuộc đời Nguyễn Minh Châu là cuộc đời của người chiễn sĩ tay súng tay bút chiến đấu không mệt mỏi, là cây bút sung sức tài năng, luôn trăn trở tìm tòi đổi mới cho văn học, cả lý luận và sáng tác.

Truyện của Nguyễn Minh Châu là chuyện của đời thường, nghiêng về chính luận, tinh tế và duyên dáng ẩn chứa đạo đức sâu sắc và mang tính dự báo cao.

Nguyễn Minh Châu mất ngày 23 tháng 1 năm 1989.

* Ngày 20-10-1950, Báo "Quân đội nhân dân" ra số đầu tiên. Báo do báo "Vệ quốc quân" và báo "Quân du kích" sát nhập. Chủ nhiệm kiêm chủ bút ông Lê Liêm. Thư ký toà soạn là ông Lưu Văn Lợi.

* Ngày 20-10-1995, tại 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã khánh thành bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đây là kiến trúc hiện đại có diện tích 4.500 mét vuông.

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam là trung tâm nghiên cứu về phụ nữ, nơi giữ gìn, bảo quản tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tầm hiện vật, thể hiện vai trò của phụ nữ trong tiến trình lịch sử - văn hoá của dân tộc Việt Nam..

Bảo tàng cũng là trung tâm hoạt động văn hoá, truyền thống kiến thức về gia đình và xã hội cho phụ nữ.

Bảo tàng còn là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.