Thể thao   Quốc tế

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người chơi giảm, sân golf ở Nhật ế 

Cập nhật ngày: 19/11/2017 - 21:00

Sở hữu tới một nửa số sân golf tại châu Á, nhưng sự quan tâm của người dân Nhật với môn thể thao được cho là cao cấp này những năm qua đã nguội lạnh đi nhiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trò chuyện trên sân golf - Ảnh: REUTERS

Ngoại giao sân golf là chuyện từng rất phổ biến tại Nhật. Đó cũng là một trong những lý do chính thúc đẩy phong trào bùng nổ sân golf tại quốc gia này khoảng vài thập kỷ trước.

Hết thời hoàng kim

Vào những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản ở giai đoạn cực thịnh, quốc gia này đã xây dựng hàng ngàn sân golf, và môn thể thao này trở thành một phần của nghi thức giao tiếp trong các cuộc đàm phán, giao thiệp của giới doanh nhân giàu có.

Nhưng nay thời hoàng kim ấy không còn. Theo báo Tokyo Shimbun, số người chơi golf ở Nhật Bản đã giảm khoảng 40% kể từ năm 1996. Các sân golf tư nhân, chiếm khoảng 90% tổng số sân golf tại Nhật, cũng đang bắt đầu biến mất.

Theo các nhà phân tích tại Công ty Internet Rakuten của Nhật, những sân golf tư nhân thường thu phí bắt đầu tham gia và phí thành viên rất cao. Vào những năm 1980, khi phong trào chơi golf nở rộ, các câu lạc bộ golf Nhật Bản thường yêu cầu người chơi phải ký quỹ 400.000 USD hoặc nhiều hơn để được sở hữu thẻ thành viên.

Ban đầu các chủ sân golf cam kết sẽ hoàn trả người chơi khoản tiền ký quỹ này sau 10 năm. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nhật Bản suy thoái sau năm 1989, nhiều sân golf tư nhân đã không thể thực hiện cam kết. Kể từ đó trở đi, hàng chục sân golf đã bị bán, nhiều sân được tái phát triển, một số đóng cửa hoàn toàn.

"Chúng đã bị bỏ hoang" - bà Tomita Shoko, người phụ trách thông tin về ngành golf cho tạp chí kinh doanh lâu đời nhất của Nhật Bản Tokyo Kezai, nói như vậy về các sân golf. Cũng theo bà Shoko, hiện tại không chỉ mức phí thành viên đã giảm mà những quy định với người chơi ở sân golf cũng khác.

Thay đổi để tồn tại

Trước bối cảnh mới, các ông chủ sân golf đang vận dụng mọi giải pháp kinh doanh sáng tạo nhằm tạo sức hút trở lại với một thế hệ những người chơi golf khác. Một trong những động thái có thể xem là sự "chống lưng" của Chính phủ Nhật Bản cho ngành golf khi lần thứ 2 trong vòng 100 năm qua, golf trở lại thành một môn thi đấu chính thức trong thế vận hội Olympic vào năm 2020 tại Tokyo.

Bên cạnh đó, các sân golf Nhật Bản cũng đang nỗ lực thử nghiệm nhiều chiêu thức kinh doanh để tránh việc phải đóng cửa. Trong khi người Nhật ngày càng chơi golf ít đi, một số sân golf đang cố gắng liên kết các nhánh để thu hút các golf thủ nước ngoài, trong đó có du khách quốc tế.

Sân golf Musashigaoka nằm cách Tokyo khoảng một giờ xe chạy đã có thể xoay xở tồn tại thành công thời gian qua một phần vì đây là sân golf của nhà nước, không phải kiểu sân golf tư nhân vốn chỉ dành riêng cho những người chơi có thẻ thành viên.

Nhưng không chỉ vậy, để tồn tại, cũng như nhiều sân golf khác của Nhật, Musashigaoka đã phải nới lỏng bớt một số nguyên tắc chặt chẽ liên quan tới người chơi, đặc biệt là chuyện trang phục. Sân golf này đã xóa bỏ các quy định về độ dài của tất. Họ cũng không còn yêu cầu các tay golf cả nam giới lẫn phụ nữ phải mặc áo sơmi có cổ như trước nữa.

Ông Takashi Yanaoka, chủ tịch sân golf Musashigaoka, nói: "Đã có thời ở Nhật mà quý vị phải xỏ tất dài trong lúc chơi golf. Nếu mặc quần short trong khi chơi trên sân, cả nam giới lẫn phụ nữ đều phải đi tất dài. Tuy nhiên những nguyên tắc đó đều đã được xóa bỏ và nay mọi người có thể đi tất ngắn".

Một số sân golf còn phải gắn thêm mác "American-style" (phong cách Mỹ) để gửi gắm "thông điệp" tới người chơi là họ có thể mặc bất cứ thứ gì trong khi chơi

Nguồn TTO