Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân hoang mang về việc khai thác cát bằng “tàu khủng” 

Cập nhật ngày: 04/05/2017 - 23:20

BTNO - Gần một tháng nay, người dân sinh sống hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn các xã Hoà Hội, Trí Bình, huyện Châu Thành đứng ngồi không yên bởi hoạt động khai thác cát trên dòng sông này. Hằng ngày, người dân địa phương chứng kiến hàng đoàn sà lan, mà họ gọi là “những con tàu khủng” liên tục đi lại vận chuyển cát trên sông. Người dân lo ngại việc khai thác với tần suất như vậy khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông hai bên sẽ xảy ra nghiêm trọng.

Việc hai tàu bơm cát xuất hiện cùng nhau trên một đoạn sông khai thác và không có phao báo hiệu như thế này là sai theo quy trình khai thác.

NHỘN NHỊP KHAI THÁC CÁT

Sáng ngày 2.5, từ khu vực bến đò Cây Ổi thuộc địa bàn xã Hoà Thạnh, chúng tôi xuôi dòng Vàm Cỏ Đông để quan sát hoạt động khai thác cát trên sông.

Nếu như tại điểm xuất phát ở bến Cây Ổi, tình hình có vẻ yên ắng thì đến địa phận xã Hoà Hội, chúng tôi ghi nhận được ngay khí thế của hoạt động khai thác cát. Tại khúc sông chảy qua địa bàn xã Hoà Hội, trước mắt chúng tôi là một tàu khai thác cát loại “khủng” mang số hiệu LA 07015 đang vươn vòi bơm cát sang sà lan neo đậu cặp bên mạn. Chiếc tàu bơm có công suất khá lớn đang bơm cát sang chiếc sà lan mang biển số ĐT 23306 cũng có tải trọng không nhỏ.

Theo ước lượng, tải trọng của sà lan đang “ăn hàng” chắc chắn không dưới 500m3 cát/chuyến. Chỉ nhìn bên ngoài, cũng dễ dàng nhận thấy chiếc sà lan này đã “khẳm be”, nghĩa là đã có dấu hiệu quá tải khi phần khoang tàu chứa cát “đạt” mớn nước… dưới mặt nước, chỉ còn nổi phần ca-bin điều khiển tàu. “Thấy ớn” nhất là chiếc sà lan đang “oằn mình chứa hàng” này đang được một chiếc tàu khác nữa cặp kè bơm nước ra.

Qua khỏi chiếc tàu đang khai thác cát một đoạn, chúng tôi lại bắt gặp một chiếc sà lan còn khủng hơn chiếc vừa chứng kiến, đang “cắm sào” tại đoạn sông giáp ranh hai xã Hoà Hội và Trí Bình cũng để nhận cát.

Chiếc sà lan thứ hai có số hiệu LA 06999, theo ước lượng có thể “cõng” không dưới 600m3 cát/chuyến. Kề bên nó là một chiếc tàu bơm đang hối hả bơm cát đầy khoang chứa hàng của chiếc LA 06999.

Gần bên chiếc tàu bơm đang bơm cát này, một chiếc tàu bơm cát khác đang neo đậu, chúng tôi đoán rằng nó đang chờ một con “tàu khủng” khác đến “ăn hàng”. Xuôi dòng về phía hạ lưu, đến khu vực xã Thành Long, không thấy chiếc tàu bơm cát nào hoạt động.

Tuy nhiên, lúc này là nhiều con tàu tải trọng lớn đang neo đậu cặp bờ sông, cùng lúc đó chúng tôi còn bắt gặp một chiếc tàu kích cỡ khá lớn đang chạy ngược theo hướng thượng nguồn, mà một người dân địa phương quả quyết rằng nó lên để nhận cát từ những tàu bơm công suất khủng đang hối hả hoạt động lúc nãy.

Mọi việc cứ thế diễn ra hằng ngày trên sông, gây bức xúc, lo lắng cho những người dân địa phương có ruộng lúa cặp hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Ngay cả trong những ngày nghỉ lễ, hoạt động khai thác cát ở đây vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp.

NỖI LO LẮNG CỦA NGƯỜI DÂN

Được biết, đoạn sông đang diễn ra hoạt động khai thác cát ồ ạt kể trên thuộc phạm vi được phép khai thác của Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Tây Ninh (gọi tắt là công ty). Theo Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 16.1.2007, UBND tỉnh đã cho phép Công ty được khai thác cát xây dựng trong lòng sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ xã Trí Bình đến xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Thời hạn của giấy phép được cấp là 12 năm, tính từ tháng 1.2007 đến tháng 1.2019. Quyết định của UBND tỉnh còn quy định trữ lượng được cho phép khai thác là 465.502 m3 cát, với công suất được phép hoạt động 40.000m3 cát/năm.

Như vậy, có thể nói việc khai thác cát của Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Tây Ninh là đúng theo quy định, đúng theo giấy phép đã được UBND tỉnh cấp. Tuy nhiên, qua nhiều ngày quan sát và ghi nhận tại đây, chúng tôi thấy rằng, việc khai thác với tần suất như trên gây lo lắng cho người dân địa phương là điều dễ hiểu.

Nếu như trước đây, việc khai thác trên đoạn sông này chỉ “cầm chừng” bằng những con tàu bơm cát có công suất nhỏ và những tàu chở cát tương ứng để vận chuyển cát về kho bãi tập kết, thì nó đã được thay thế bằng những sà lan có tải trọng lớn gấp nhiều lần và chuyển hàng sang mạn ngay trên sông để vận chuyển ra ngoài tỉnh tiêu thụ.

Hiện nay, trong mùa xây dựng, giá cát đang “hot” nên các đơn vị khai thác tranh thủ tối đa thời cơ để tận thu cát bằng mọi giá. Đáng lo ngại là việc khai thác “cầm chừng” như trước đây đã khiến việc sạt lở hai bên bờ sông này diễn ra nghiêm trọng, thì với tốc độ khai thác như thế này càng làm người dân thêm lo lắng, vì sẽ khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông dễ xảy ra hơn.

Đồng thời, qua quan sát khu vực khai thác, chúng tôi còn nhận thấy doanh nghiệp này “quên” thả phao báo hiệu khu vực khai thác. Thực tế diễn ra tại đây cho thấy, bình quân khoảng 3, 4 giờ là cát được bơm đầy một tàu cỡ vừa và khoảng 6 giờ để bơm đầy một sà lan loại lớn.

Ngoài ra, những con tàu và sà lan luôn “oằn mình cõng cát” vượt quá vạch mớn nước theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cũng cần được ngành chức năng lưu ý, để bảo đảm an toàn giao thông trên sông nước.

Tàu bơm khủng có công suất lớn số hiệu LA 07015 đang bơm cát qua sà lan ĐT 23306 tại địa bàn xã Hoà Hội giữa dày đặc lục bình xung quanh.

Thử làm một phép tính đơn giản: Nếu căn cứ theo công suất khai thác được UBND tỉnh cho phép là 40.000m3/năm, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này được khai thác chỉ hơn 3.333m3 cát, tức là mỗi ngày doanh nghiệp được phép khai thác khoảng hơn 111m3 cát để bảo đảm khả năng bồi đắp, tái tạo dòng sông.

Trong khi đó, thực tế cho thấy mỗi ngày có ít nhất hai, ba lượt sà lan tải trọng “khủng” và những tàu chở cát với khối lượng vận chuyển hàng trăm m3 cát/chuyến, như thế với công suất được UBND tỉnh cấp phép khai thác trong một năm, doanh nghiệp có thể thực hiện trong vòng… không đầy nửa tháng (?!).

Dư luận cho rằng, với giấy phép hoạt động khai thác đến 12 năm, doanh nghiệp sẽ “hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra” đến mức nào? Và dòng sông cần đến bao nhiêu năm mới có thể bồi đắp, tái tạo lại được?

Ông Trần Ngọc Hả, 54 tuổi, ngụ ấp Tầm Long, xã Trí Bình cho biết, khúc sông tại khu vực này đã bị “mất chân” hết rồi. Nếu chỉ khai thác cát từ từ thì lòng sông “còn chân”, nhưng với tình hình khai thác ồ ạt như hiện nay, đáy sông đoạn này đã bị “thẳng đứng”, không thể chịu đựng được sức ép của dòng chảy nên sẽ khó tránh khỏi nạn sạt lở đất hai bên bờ sông.

Ông Hả cho biết thêm, ông có khoảng 2 ha ruộng tại đây với chiều ngang mặt ruộng cặp sông này khoảng 150m. Có người đến hỏi mua đất với giá 400.000 đồng một mét ngang, nhưng ông cương quyết không bán. Phân tích việc những người hỏi mua ruộng của mình theo bề ngang cặp sông, ông Hả cho biết, thật ra đó là doanh nghiệp khai thác cát cần mua để khi họ khai thác làm sạt lở bờ sông, người dân không thể khiếu nại được.  

Ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Trí Bình cho biết, chính quyền địa phương cũng đã nghe được nhiều phản ánh của người dân. Tuy nhiên, việc giải quyết như thế nào không thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo quy định, doanh nghiệp khai thác chỉ thông báo thời gian khai thác và số lượng tàu bơm cát nên xã chỉ có thể nắm được như vậy.

Vừa qua, UBND xã đã báo cáo tình hình cho cấp trên để có hướng chỉ đạo giải quyết. Ông Trần Văn Bé Thanh, Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hội cũng xác nhận, trong thời gian gần đây, sự xuất hiện các sà lan khủng đến chở cát khiến cho người dân địa phương rất lo lắng và trình báo đến chính quyền địa phương.

Yên Quang