BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những độc tố 'giết người' có trong thuốc lá 

Cập nhật ngày: 27/10/2017 - 09:12

Hàng năm, những độc tố trong thuốc lá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong cho hàng triệu người trên thế giới với các căn bệnh phổ biến về tim, phổi, ung thư. Tính riêng ở Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do thuốc lá.

Những độc chất có trong thuốc lá.

Những độc chất có trong thuốc lá.

Thực tế, trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố.

Đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, CO (khí thải ô tô), Toluene (dung môi công nghiệp), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Một số chất độc kinh hoàng có trong khói thuốc được các nhà khoa học chỉ ra theo 4 nhóm chính:

1. Nicotine (Ni-cô-tin): Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá. Cơ quan Kiểm soát dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp Nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như các chất ma túy Heroin và Cocain. 

Ni-cô-tin là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Ni-cô-tin được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg ni-cô-tin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa ni-cô-tin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào.

Tác dụng gây nghiện của ni-cô-tin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương, chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn.

Hút thuốc lá dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khoẻ. Ảnh: Internet

Hút thuốc lá dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khoẻ. Ảnh: Internet

2. Monoxit carbon (khí CO): Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của O2 (ô-xi) trên hồng cầu. Và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển ô-xi vì đã gắn kết với CO, đây là nguyên nhân gây lên một số bệnh phổi mạn tính như: Hen phế quản, viêm phế quản, giản phế quản...

Hậu quả là cơ thể không đủ ô-xi để sử dụng, gây thiếu máu tổ chức và góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

3. Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển.

Các thay đổi này làm tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

4. Các chất gây ung thư: Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư, các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

Nhựa thuốc lá (Hắc ín -Tar) là sự tập hợp tên của hàng ngàn chất hoá học và phụ gia, được tạo thành chất lắng lại của khói thuốc có đặc điểm dính và dầy. Nhựa thuốc lá là một trong những sản phẩm phụ nguy hiểm nhất của khói thuốc lá, chứa rất nhiều chất gây ung thư. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, các chỗ nhựa thuốc lá bám vào tạo thành ung thư và các bệnh về phổi.
Để góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng bị cấm hút thuốc lá; đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc hút thuốc lá ở những nơi có trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.

Xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến thuốc lá. Bên cạnh đó, môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc… giảm bớt chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Nguồn BNA