BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Anh em nhà bác sĩ” 

Cập nhật ngày: 09/10/2021 - 01:14

BTNO - Trong hành trình gian nan chống dịch bệnh Covid-19, có những “thiên thần” áo trắng tạm gác mọi công việc của riêng mình, dấn thân vào cuộc chiến chống kẻ thù vô hình, trong đó có hai anh em cùng là bác sĩ - Hoàng Quang Bình và Hoàng Thị Phương Thảo.

Theo bác sĩ Hoàng Quang Bình (thứ hai, bên trái), tâm lý F0 rất quan trọng, cần tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân Covid-19 để nhanh chóng khỏi bệnh.

Anh trai đi trước...

Nhận nhiệm vụ chỉ sau một ngày Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2 được thành lập, ngày 23.7, bác sĩ Hoàng Quang Bình (sinh năm 1982, Khoa Khám - Bệnh viện đa khoa Tây Ninh) bắt đầu hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19. Bình bảo rằng, đó là nhiệm vụ hàng đầu, bởi thời điểm này, Tây Ninh có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 cần được chữa trị.

Trò chuyện với Bình qua điện thoại khi anh vừa trở về “nhà trọ cách ly” sau hai tháng làm việc tại BV Dã chiến điều trị Covid-19 số 2. So với trước, công việc của các y bác sĩ tại đây đã bớt áp lực khi lần lượt các ca nhiễm Covid-19 được điều trị thành công, xuất viện. Bình cho biết: “Được về nhà, nhưng tôi nghĩ đến sự an toàn cho người thân và gia đình, tôi thuê một nhà trọ “biệt lập” và tự cách ly 14 ngày. Nay đã được một tuần, tôi mong tới ngày về để được gặp mẹ, gia đình, người thân”.

Là người Tây Ninh, sau khi học xong Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, khoa Tim mạch, Bình ở lại và công tác tại Bảo hiểm Xã hội Thành phố. Năm 2019, vì lo sức khoẻ của mẹ già một mình không ai chăm sóc, Bình quyết định tạm xa vợ và hai con nhỏ, chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để vừa cống hiến sức trẻ, vừa có thời gian chăm sóc mẹ già.

“Khi nhận nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2, mẹ là người ủng hộ đầu tiên. Bà rất phấn khởi, tôi cũng vậy, vì bản thân mình đã được góp chút sức lực cho công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh nhà”- Bình nói. Hơn hai tháng kể từ lúc BV Dã chiến số 2 đi vào hoạt động (22.7.2021), Bình là người “bám trụ” xuyên suốt.

Đối với anh, mỗi giờ, mỗi ngày là một hành trình tiếp xúc với các ca bệnh, đấu tranh tâm lý, giúp bệnh nhân Covid-19 quên đi nỗi sợ để nhanh khỏi bệnh. Bình kể: “Lúc đầu lên bệnh viện thấy đuối lắm! Vì tôi đi tốp một, sau 14 ngày ai nấy được về, còn mình thì ở lại, liên tiếp 6 tuần, bệnh nhân ngày càng đông, 300 giường bệnh lúc nào cũng đầy. Nhưng rồi quen, ai ai cũng hỗ trợ nhau để làm tốt công việc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19”.

Tuy nhiên, áp lực khi đối mặt với bệnh nhân Covid-19 là điều khó tránh khỏi. “Có những trường hợp tái dương tính trở lại, tiếp xúc với F0 khó khăn, F0 mắc chứng rối loạn tâm thần, điều kiện bệnh viện dã chiến không đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh.... Lúc này, các y bác sĩ chúng tôi càng phải cố gắng động viên, hỗ trợ bệnh nhân”- Bình chia sẻ.

Bình cho biết thêm, ấn tượng đáng nhớ nhất đối với anh, đó là dùng âm nhạc khống chế một nữ bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần cầm gậy sắt rượt đuổi người khác. “Cũng khá nguy hiểm! Khi đó, chỉ có một anh công an, một dân quân và tôi.

Do tôi mặc đồ bảo hộ nên trực tiếp tiếp xúc với nữ bệnh nhân này. Nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa kẹo kéo, nữ bệnh nhân nhảy và buộc tôi nhảy theo. Sau một lúc, tôi giựt được gậy sắt, lập tức khống chế nữ bệnh nhân, đưa về khu điều trị riêng. Cũng may là không gây thương tích cho ai”.

“Chuyến xe vui vẻ” của đội ngũ y bác sĩ mang niềm vui đến cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Theo bác sĩ Bình, tâm lý bệnh nhân F0 rất quan trọng. F1 có thể trở thành F0 do lo sợ, bi quan. Thuốc chỉ là một phần hỗ trợ. Điều quan trọng là tư vấn cho bệnh nhân về mặt tinh thần, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân Covid-19 để nhanh chóng khỏi bệnh.

Bình chia sẻ thêm: “Điều hạnh phúc nhất của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là các bệnh nhân được chữa khỏi bệnh. Vui nhất khi có người còn giữ liên lạc, nhắn tin hỏi thăm, gửi quà động viên các y bác sĩ bệnh viện dã chiến. Chúng tôi đã xem bệnh viện dã chiến như ngôi nhà thứ hai của mình”.

… em bước theo sau

Tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 số 3 (Trường THPT Hoàng Lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh) từ ngày 16.8.2021, em gái bác sĩ Hoàng Quang Bình, bác sĩ Hoàng Thị Phương Thảo (sinh năm 1985, Khoa Khám bệnh, Trung tâm y tế thành phố Tây Ninh) không ngại hiểm nguy, sẵn sàng khăn gói lên đường chống dịch Covid-19 khi tỉnh nhà kêu gọi, nhân dân cần đến.

Thảo chia sẻ, tại đơn vị, một ngày của chị và các y, bác sĩ, tình nguyện viên bắt đầu bằng việc mặc bộ trang phục bảo hộ kín mít và làm việc suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Với khối lượng công việc lớn, ngoài việc khám bệnh cho bệnh nhân, chị còn sẵn sàng hỗ trợ công tác điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân cho các bạn làm cùng ca trực.

Chị kể, thời gian chị tham gia công tác chống dịch cũng là thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, có ngày số lượng bệnh nhân gần 500 người, các y, bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên phải làm việc ngày đêm, hết công suất mới có thể chăm sóc, theo dõi bệnh cho tất cả bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Thị Phương Thảo (ở giữa) tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 số 3 (Trường THPT Hoàng Lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh).

Ngoài áp lực công việc, chị và các bạn còn gặp rất nhiều khó khăn khi phải điều trị cho rất nhiều bệnh nhân có độ tuổi, văn hoá, lối sống khác biệt. Có bệnh nhân chỉ mới vài tháng tuổi, phải tách khỏi người thân; có bệnh nhân là người dân tộc, bất đồng ngôn ngữ, khó khăn trong việc giao tiếp…

Nhưng với tinh thần làm việc chu đáo, tận tình, chị và các y, bác sĩ, tình nguyện viên luôn chủ động ứng phó mọi tình huống để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị cho trẻ em, để chăm sóc cho bệnh nhi, chị cùng các bạn kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ tả, sữa cho các bé; đối với người dân tộc, chị xin phép ban lãnh đạo cử một bạn tình nguyện viên đến hỗ trợ phiên dịch… Cứ thế, mọi tình huống luôn được chị và các bạn giải quyết êm xuôi, công tác điều trị bệnh nhân cũng dần đi vào nề nếp.

“Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 số 3 hầu hết đều có triệu chứng nhẹ, chỉ có gần 20% bệnh nhân bệnh nền có triệu chứng nặng, nhưng không thể vì thế mà y, bác sĩ lơ là. Bệnh Covid-19 có đặc điểm có thể diễn tiến nặng bất cứ lúc nào nên y, bác sĩ tại bệnh viện luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó. Có những hôm bệnh nhân trở nặng lúc nửa đêm, cả ca trực phải tức tốc thức dậy, cấp cứu và chuyển tầng bệnh nhân gấp. Có thể kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân đó chính là trách nhiệm và niềm vui của chúng tôi” – Bác sĩ Thảo tâm sự.

Những ngày sống và làm việc tại bệnh viện, dù điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng chị và các y, bác sĩ luôn cố gắng giữ nụ cười, tinh thần lạc quan khi tiếp xúc với người bệnh. Cố gắng tạo môi trường điều trị thoải mái giúp người bệnh có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn, bệnh tật.

Bác sĩ Thảo nói: “Bệnh nhân Covid-19 phải điều trị dài ngày, cộng với tinh thần hoang mang, lo lắng khi nhiễm bệnh, nhiều người tỏ ra kích động, buồn chán, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, ngoài việc điều trị, các y, bác sĩ còn phải tìm cách an ủi, động viên, truyền năng lượng lạc quan, tích cực giúp bệnh nhân chống lại bệnh tật”.

Từ khi tham gia, bác sĩ Thảo luôn được gia đình, chồng và 2 con ủng hộ. Để chị yên tâm, chồng chị ở nhà một mình chăm 2 con ăn học, thường xuyên gửi hình ảnh các con cho chị đỡ nhớ và yên tâm về gia đình hơn.  

“Trong thời gian chống dịch, mẹ của tôi ở nhà bị tai nạn gia thông, gãy tay nhưng nhà neo người không ai chăm sóc khiến chị rất lo lắng. Hiểu được trách nhiệm của con gái, mẹ tôi cố gắng động viên tôi yên tâm về sức khoẻ và tình trạng của bản thân để con yên tâm công tác. Sự ủng hộ hết lòng và tình cảm của gia đình là động lực để tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân và cũng để tôi có thể nhanh chóng về với gia đình của mình”- Thảo nói.

Với sự nỗ lực của cả đơn vị, sau thời gian vất vả chống dịch, số bệnh nhân tại bệnh viện ngày càng giảm. Đầu tháng 10.2021, bác sĩ hoàn thành công tác hỗ trợ và được về nhà đoàn tụ cùng người thân. “Tôi thật sự vui mừng vì dịch bệnh đã được kiểm soát. Thời gian gần 2 tháng chống dịch tại đơn vị là khoảng thời gian đáng nhớ và ý nghĩa nhất trong sự nghiệp cứu người của tôi.

Bác sĩ Hoàng Thị Phương Thảo và đồng nghiệp bắt đầu ngày mới bằng việc mặc trang phục bảo hộ để làm việc.

Hiện tại tôi chỉ mong Trung tâm y tế thành phố Tây Ninh có thể nhanh chóng hoạt động lại. Trong thời gian bệnh viện được trưng dụng, các bệnh nhân không được tiếp cận điều kiện khám chữa bệnh, thật sự rất vất vả” - chị Thảo bày tỏ.

Tâm Giang- Ngọc Bích