Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Con ơi… hãy giữ gìn bàn thờ gia tiên” 

Cập nhật ngày: 20/09/2017 - 14:49

BTN - Đó là lời của ông Nguyễn Văn Rứa (ảnh, sinh năm 1932, ngụ ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) nhắn với người con trai út.

Trong đơn gửi cho Báo Tây Ninh, ông Rứa trình bày, ông là con trai út trong gia đình nên được các anh chị em đồng thuận phân chia tài sản nhiều hơn để phụng dưỡng cha, mẹ già. 

Sau khi cha, mẹ ông mất, tài sản để lại gồm 0,8 ha đất ruộng tại ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc; phần đất thổ cư 23,8m x 33m, trên đất có cất căn nhà gỗ ba gian, hai chái, lợp mái ngói; ngoài ra, còn có đất ruộng ở xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) và huyện Tân Biên, những phần đất ruộng này ông đã phân chia cho các con.

Riêng phần đất ruộng 0,8 ha ở ấp Sân Cu và đất thổ cư thì ông Rứa giữ lại làm của hương hoả thờ cúng gia tiên.

Ông Rứa cùng vợ là bà Nguyễn Thị Út (đã chết) có tất cả 7 người con. Sau khi các con lần lượt lập gia đình và ra ở riêng, nhà chỉ còn lại ông Rứa và người con trai út tên Nguyễn Bảo Toàn (sinh năm 1972). 

“Trong khoảng thời gian sống chung với Út Toàn, nó hay bảo tôi ký giấy tờ để bổ sung hồ sơ vay vốn làm ăn. Cha con với nhau tôi đâu nghĩ ngợi gì, thật không ngờ sau này tôi mới biết tất cả đất đai, nhà cửa đều do Toàn đứng tên.

Con thay cha quản lý tài sản cũng là lẽ thường, điều đáng nói ở đây là nó cứ bán dần, bán mòn, rồi bán sạch. Thân làm cha như tôi mà cũng đành bất lực, không thể giữ nổi cái nhà thờ gia tiên. 

Hiện tại, tôi phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ, không biết ngày nào sẽ bị người ta đuổi ra khỏi nhà, thật đau lòng”, ông Rứa trình bày.

Tìm đến nhà ông Rứa vào ngày 14.9, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy là một căn nhà cấp 4 với nhiều dòng chữ “đất tranh chấp” khá to được ghi ngay trên cổng chính. Cổng nhà đã bị khoá từ bên trong, cửa chính cũng đóng kín, khách đến gọi gia chủ mãi không được định quay về thì một người hàng xóm kế bên cho hay ông Rứa đang ở trong nhà, ai đến liên hệ gì phải lớn tiếng xưng rõ họ tên và mục đích cần gặp.

Quả nhiên, sau khi làm theo lời của người hàng xóm thì ông Rứa đã hé mở cửa chính, nhưng ông vẫn chưa vội đi ra mở cổng mà còn đứng tại chỗ dò hỏi và xác minh lai lịch của khách kỹ hơn, thậm chí chủ nhà còn khéo léo đề nghị cho xem qua đơn thư đã gửi cho Báo mới chịu tin. 

Ông Rứa rơi nước mắt thổ lộ: “Xin lỗi con, bác phải cẩn thận như vậy để cố giữ lấy căn nhà và mảnh đất thổ cư cuối cùng này. Bác biết vừa qua thằng út đã bán căn nhà và đất này luôn rồi, nhưng đây là nhà thờ ông bà, là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhiều thế hệ trong một gia đình, nên không có bất cứ lý do gì để bác giao cho ai cả.

Nếu con có gặp thằng Toàn, bác nhờ con nhắn với nó là “con ơi đừng bán nữa… hãy giữ gìn bàn thờ gia tiên”. 

Qua trao đổi với anh Toàn, được biết anh cũng vừa bán xong căn nhà và phần đất thổ cư còn lại (diện tích 8,8m x 33m), nhưng cha anh vẫn quyết cố thủ không giao cho người mua. Út Toàn giải thích, do liên tục làm ăn thua lỗ nên mới bán của, nếu không sẽ bị ngân hàng phát mãi tài sản, tuy nhiên sau đó có mua đất và cất nhà nơi khác, đồng thời có rước cha về để ở cùng nhưng ông không chịu theo.

Hiện tại, ông Rứa đang sống chung với hai người con của anh Toàn trong căn nhà đã bán (con của người vợ trước). 

“Từ khi Toàn có vợ sau, nó bắt đầu bỏ bê tôi, trong khi nó bán của hương hoả hơn 1 tỷ đồng mà không lo được gì cho cha. Tôi phải sống kham khổ, hằng tháng chỉ trông chờ vào hai trăm ngàn đồng tiền trợ cấp người già và các đứa con thứ cùng mấy đứa cháu cho tiền”, ông Rứa than phiền.

Anh Toàn cho biết: “Sự việc xảy ra tranh chấp nhùng nhằng là do một số anh chị ruột đòi chia phần tài sản, thực ra nhà và đất này là do tôi đứng tên từ năm 1992, nên tôi có toàn quyền sở hữu và sang nhượng mà không phải chia cho anh chị nào cả.

Chính cha Rứa là người đi kê khai tài sản và uỷ quyền cho tôi làm người đứng tên hợp pháp từ năm 1992, chứ thời điểm đó tôi chỉ mới 20 tuổi và còn đang đi học thì đâu biết gì”. Vụ việc tranh chấp tài sản của gia đình ông Rứa cũng đã được chính quyền địa phương nhiều lần hoà giải.

Cụ thể, trong biên bản hoà giải tại UBND xã Long Thành Bắc vào ngày 17.3.2017, anh Toàn trình bày đã thế chấp căn nhà và 8,8mx33m đất thổ cư cho ngân hàng để vay số tiền 500 triệu đồng, thời hạn trả nợ đã đến nên anh buộc phải bán nhà đất. 

Ông Rứa nêu ý kiến, nếu đã lỡ như vậy thì Toàn phải đưa cho ông 300 triệu đồng để dưỡng già và mua nhà chỗ khác ở. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, ông Rứa đã đổi ý không cho con trai út bán nhà đất nữa.

Biên bản hoà giải tiếp theo vào ngày 2.6.2017, có 3 người là anh và chị ruột của Út Toàn cương quyết nếu bán tài sản phải chia đều cho tất cả các anh chị em trong gia đình. Lần hoà giải này đã không thành, vì Út Toàn chỉ đồng ý thực hiện theo hướng biên bản ngày 17.3, còn ông Rứa trình bày chỉ muốn ở trong chính căn nhà và mảnh đất do ông bà để lại. Thực tế, lúc này tài sản đã được anh Toàn bán cho người khác.

Ông Trần Thủ Nghiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Bắc cho biết: “Có lẽ vì thương con nên ngay từ đầu ông Rứa đã không thống nhất ý kiến, lúc thì đồng ý cho anh Toàn bán tài sản để giải quyết nợ nần, lúc khác lại ngăn cản. Sự việc đã vượt khỏi thẩm quyền của xã, nên chúng tôi đã hướng dẫn gia đình nộp đơn lên toà án giải quyết”.

Cán bộ địa chính xã Long Thành Bắc xác nhận, tài sản đang tranh chấp do anh Nguyễn Bảo Toàn đứng tên chủ sở hữu từ năm 1992. Riêng ông Rứa vẫn một mực khẳng định là không bao giờ đồng ý cho con Toàn đứng tên làm chủ sở hữu tài sản hương hoả, có chăng cũng chỉ nhờ con út đi kê khai hộ chứ tuyệt đối không được sang nhượng khi chưa có sự đồng ý của ông. Ông Nguyễn Văn Rứa vẫn đang cố thủ giữ nhà, đồng thời củng cố hồ sơ để gửi toà án.

 Quốc Sơn


Liên kết hữu ích