BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vết trượt

Cập nhật ngày: 15/07/2010 - 04:40
HTML clipboard

Nhìn dáng vẻ bề ngoài, khó ai đoán biết người đàn bà đó là một công nhân của một xí nghiệp dệt bao tải đóng ở một tỉnh lẻ. Bởi chị quá đẹp, dáng dấp rất sang trọng, nền nã. Nếu nhìn lướt qua khi chị không mặc quần áo công nhân, thì ai cũng nghĩ đây là một người đàn bà đang sống trong nhung lụa, hay ít nhất cũng có cuộc sống thong dong.

Người đàn bà đó mang một cái tên đẹp. Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi) mới ngoài bốn mươi tuổi.

Tôi biết Nguyệt trong một dịp hết sức tình cờ. Lần đó, nghe mấy chị cán bộ phụ nữ huyện kể về trường hợp một cô gái 18 tuổi đã thoát khỏi đường dây buôn người một cách hy hữu nhờ vào người cô đang làm xí nghiệp dệt ở ngay trong huyện. Tò mò khiến tôi ráng theo tận cùng để tìm gặp các nhân vật trong câu chuyện ấy và biết Nguyệt.

Nguyệt đẹp. Nhan sắc lộng lẫy mà đằm thắm của Nguyệt làm không ít người muốn cưa đổ người đàn bà ba con, sống trong cảnh thanh bạch kia. Nhiều cô gái trẻ, sống thực dụng, thấy những cám dỗ xung quanh chị mà thèm muốn và đôi lần cũng bóng gió xa xôi, nói chị dại. Thời buổi bây giờ, được người quan tâm, nâng đỡ, chỉ cần gật đầu là một bước lên chức, nhưng Nguyệt lại cam chịu làm công nhân, cày bạc mặt ra để kiếm đồng lương bèo bọt, cam chịu sống với người chồng làm nghề sửa xe máy lam lũ dầu mỡ và những đứa con lít nhít trong căn nhà cấp 4 xập xệ! Nhưng Nguyệt hài lòng với sự lựa chọn của mình và tỏ ra thản nhiên trước những mời gọi, cám dỗ vây quanh để giữ cuộc sống của mình luôn bình an.

(ảnh minh hoạ)

Không phải tự dưng mà Nguyệt chọn lối sống cam chịu như vậy. Hơn hai mươi năm trước, Nguyệt là một người hoàn toàn khác. Nguyệt đẹp nổi tiếng trong huyện, là cái đích để cả bọn con trai lẫn đàn ông đã có gia đình dòm ngó. Nguyệt lại nổi danh “chịu chơi” trong đám thanh niên mới lớn. Năm đó, cô nữ sinh học giỏi nhất nhì huyện bỏ học ngang xương, không màng tới cả gia đình để đi theo tiếng gọi của ái tình. Chẳng may cho Nguyệt, đó là một anh chàng nhà giàu, sành sỏi trong tình trường, muốn độc chiếm Nguyệt chỉ để thoả mãn khát khao chứ không thương yêu gì Nguyệt. Hiểu ra, lòng Nguyệt tan nát.

Tình đầu tan vỡ. Nguyệt bắt đầu buông trôi cuộc đời mình. Rồi Nguyệt bỏ quê lên thành phố, sống rày đây mai đó, thay người tình như thay áo. Những thứ đồ đạc, vật chất xung quanh Nguyệt mỗi lúc mỗi nhiều hơn, sang hơn nhưng rồi cũng nhanh chóng ra đi…

Những cuộc chơi vô bổ đó biến Nguyệt trở thành một người đàn bà diêm dúa, loè loẹt và.. trơ trẽn với người thân, bạn bè. Cuộc sống bèo dạt mây trôi và phóng túng đó có lẽ sẽ còn tiếp diễn nếu… Lần đó, Nguyệt đem lòng yêu một anh hoạ sĩ trẻ mới ra trường. Một lần, khi cùng anh chàng hoạ sĩ về nhà trọ thì Nguyệt hơi say say vì uống nhiều hơn mọi khi. Đi theo họ là mấy người bạn trai của anh chàng kia. Nguyệt nằm trên gác, bỗng nghe nhắc đến tên mình và cả đám phát cười lên hô hố. Một lúc sau, thấy có bóng người lên chỗ Nguyệt. Đó là gã người yêu của Nguyệt. Theo sau là một gã đàn ông nữa. Khi bóng người ấy vừa quờ quạng tay lên ngực chị, Nguyệt vùng dậy, tung một cước chí mạng vào mặt gã đàn ông đê tiện đó, sau đó chị lao ra đường và… chạy. Chị kinh tởm đàn ông. Chị thấy sợ hãi cuộc sống này. Tư trang, tiền bạc không có gì. Tấm thân gái trẻ ê chề giữa đêm đen. Chị khóc.

Chẳng biết bằng cách nào, Nguyệt cũng về đến quê nhà. Gia đình nhìn Nguyệt thờ ơ, ghẻ lạnh. Không một vòng tay chìa ra đón đỡ đứa con lầm lỡ. Nguyệt lại phải ra đi. Nguyệt bỏ ra tận một tỉnh miền biển, xin vào làm rửa chén cho một quán ăn. Dù giúp việc cho một quán ăn nhỏ, công chuyện tối mắt, song chị vẫn không thoát khỏi những ánh mắt đàn ông… Rồi Nguyệt gặp anh, một anh chàng phụ hồ cùng quê, cũng rày đây mai đó. Chị nhận lời cầu hôn của anh. Anh dắt chị về quê mưu sinh. Anh làm thuê, buôn bán vặt, rồi học nghề sửa xe máy… Một người quen của anh xin cho chị vào làm công nhân xí nghiệp dệt. Và cuộc sống, với chị, như thế đã hạnh phúc lắm rồi...

Đùng một cái, chị hay tin đứa cháu gái, con của đứa em trai bỏ nhà đi. Nó theo một người đàn ông bằng tuổi cha nó, do một “bà mai” giới thiệu cho. Chị hoảng hốt nhận ra cháu mình đang đi vào bước chân của mình năm xưa. Cháu chị mới 18 tuổi. Nó cũng bỏ học giữa chừng… Cha mẹ nó và họ hàng đều bất lực trước vẻ xấc xược, bất cần của nó.

Bữa đó, nghe tin cháu đang ở Sài Gòn, chị xin chồng cho đi tìm cháu ít bữa vì không thể để cháu mình đi theo vết đổ của chị.

Buổi chiều đó, hai cô cháu, hai người đàn bà già trẻ có dịp nói chuyện với nhau. Chị đã kể hết câu chuyện đời mình cho cháu nghe. Cô bé cúi gằm đầu, chỉ nghe và rơi nước mắt, không nói được lời nào. Câu chuyện của chị hơn hai mươi năm trước và câu chuyện của cô bé bây giờ giống nhau y hệt. Từng bước chân của chị hơn hai mươi năm trước cũng chính là những gì cô bé đang bước theo... Chỉ khác một điều, cháu chị bây giờ hư đốn vì có những bàn tay “đen tối” nhúng vào. Tối hôm đó, cô cháu gái ngoan ngoãn nghe lời Nguyệt, quay về…

Giờ thì cô bé đang vừa làm việc giúp gia đình, vừa ôn tập chuẩn bị kỳ thi đại học vào sang năm. Cô bé nói: “Đời con nhờ cô Ba, không có cô Ba là con chết…”.

THANH TUYỀN