BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Y tế tìm quy chuẩn vi chất cho sữa học đường 

Cập nhật ngày: 15/08/2019 - 21:35

Bổ sung 3, 18 hay 21 vi chất cho sữa học đường, đến ngày 15/8 Bộ Y tế vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Trong cuộc họp sáng 15/8, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, Bộ đang tiếp tục xin ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp... trước khi đưa ra quy chuẩn vi chất sữa học đường.

Theo ông Vinh, Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường vào tháng 7/2016. Hai tháng sau Bộ Y tế cũng ban hành quy định tạm thời đối với sữa tươi trong chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất. Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất để bổ sung quy định vi chất phù hợp với từng nhóm học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Ông Vinh cho biết đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, như 3, 18 hay 21 vi chất. 

"Việc bổ sung vi chất vào sữa cần phải có căn cứ khoa học, có tính khả thi và phù hợp với quốc tế. Khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau, quyết định cuối cùng sẽ do cơ quan quản lý nhà nước", ông Vinh nói.

Trẻ em ở Đồng Nai uống sữa học đường theo chương trình. Ảnh: Hưng Thịnh.

Hiện, 15 tỉnh triển khai chương trình sữa học đường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bắc Ninh, Sơn La... Bộ Y tế cho rằng để cải thiện tầm vóc lứa trẻ, không chỉ có chương trình sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác từ Bộ Giáo dục như dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể dục... 

Theo Bộ Y tế, chương trình sữa học đường áp dụng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giúp gần 22% trẻ thoát suy dinh dưỡng, gần 37% trẻ cải thiện về chiều cao. Tại Hà Nội, chương trình sữa học đường triển khai từ 2/1 với gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia. Sữa học đường tại Hà Nội là loại sữa được bổ sung 14 vi chất và có hạn sử dụng 8 tháng.

Năm học 2019-2020, các trường ở Hà Nội bắt đầu cho học sinh uống sữa từ ngày 6/9 đến 29/5/2020. Dự kiến có khoảng 1,2 triệu trẻ thụ hưởng sữa từ chương trình. Tổng kinh phí thực hiện gần 4.000 tỷ đồng. Mỗi hộp sữa được doanh nghiệp hỗ trợ 53% giá. Gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được hỗ trợ 100% kinh phí.

Đến năm 2020, 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo, 70% học sinh thành thị và nông thôn, được uống sữa theo Chương trình sữa học đường

Chương trình sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em (Trung Quốc tăng 2 cm, Thái Lan tăng 5 cm).

Nguồn VNE