BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro:

Dấu ấn Cuba trên đất Tây Ninh

Cập nhật ngày: 03/12/2016 - 11:14

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Nhà máy đường Nước Trong tháng 12.1995. Ảnh: tư liệu P.TKTS

Họ tên đầy đủ của ông là Fidel Alejandro Castro Ruz, nhưng nhiều người dân Việt Nam luôn gọi ông bằng cái tên trìu mến: Fidel. Ông là thần tượng của thế hệ chúng tôi từ rất lâu rồi! Ông và nhân dân Cuba luôn ủng hộ Việt Nam trong suốt thời kháng chiến chống Mỹ. Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục và y tế luôn hoàn toàn miễn phí với mọi người dân. Nhiều ngành khoa học công nghệ Cuba đạt tới đỉnh cao như kiến trúc xây dựng và sinh học.

Nhiều sinh viên Việt Nam đã đến Cuba học tập và thành đạt, trong có kiến trúc sư Nguyễn Thượng Thanh- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Tây Ninh. Tháng 9.1973, Fidel đến thăm Việt Nam và trở thành vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên đến Quảng Trị- miền đất còn nóng bỏng đạn bom của Việt Nam. Ông đã leo lên xác xe tăng Mỹ, phất cao lá cờ Mặt trận. Câu nói trở nên nổi tiếng của ông cũng là nói ở đây: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Và ngay sau đó, Cuba đã cùng Việt Nam khôi phục những vết thương chiến tranh. Nhiều công trình đã được Cuba viện trợ hoàn toàn. Như đường Xuân Mai- Hà Nội đến Hoà Bình, khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam- Cuba ở Đồng Hới. Miền đất của những căn cứ địa cách mạng Tây Ninh cũng có một công trình: Nhà máy đường Nước Trong, do đích thân các chuyên gia Cuba sang chỉ huy thi công xây dựng.

Fidel tới Quảng Trị tháng 9.1973 thì đến tháng 12.1995 ông đã tới Tây Ninh. Hai miền đất ác liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ nhất định ông phải đến. Hồi năm 1969, Cuba là một trong những nước có Đại sứ quán đầu tiên tại căn cứ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam- trên vùng rừng Bắc Tây Ninh. Đến, vừa để thăm lại món quà- Nhà máy đường 500 tấn/ngày mà Cuba đã trao tặng Tây Ninh, vừa để nhìn tận mắt chiến trường đã hạ gục quân xâm lược Mỹ trong chiến dịch Junction City mùa khô năm 1966-1967. Liệu ông có biết, miền đất này vừa có thêm một tượng đài kỷ niệm chiến thắng Junction City ngay ở Đồng Pan, bên cạnh đường lên Nhà máy đường Nước Trong thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Châu?

Cũng thưa với ông, rằng đến năm 2000 thì công suất Nhà máy đường Nước Trong đã được nâng cấp để tăng gấp đôi sản lượng- từ 500 lên 1.000 tấn mía cây/ngày.

Nhớ! Trong lần gặp gỡ tháng 12.1995, cán bộ Tây Ninh và cánh phóng viên ai cũng tràn tới gần Chủ tịch Fidel khi xe của ông đã vào cổng trụ sở Tỉnh uỷ. Nhưng người hâm mộ quá đông nên thật khó đến gần. Phóng viên may mắn nhất lúc đó có lẽ chỉ có anh Nguyễn Đức Thiện (nay đã mất)- được Đài Truyền hình phân công bám sát Chủ tịch trong chuyến đi. Vì thế, anh luôn hãnh diện có được tấm ảnh do nhà quay phim Thanh Nhàn chụp. Ảnh chụp gần đồng chí Tư Minh- Bí thư Tỉnh uỷ hồi ấy, lúc bà đang giới thiệu tài liệu gì đó cho Chủ tịch Fidel. Anh Đức Thiện len tới đặt máy ghi âm. Và anh đã ở ngay sau lưng con người huyền thoại Fidel.

Nhớ! Sáng ngày 29.2.2012, Báo Tây Ninh tổ chức họp cộng tác viên ngay tại văn phòng Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh, ngay cạnh Nhà máy đường Nước Trong. Vội chạy sang khu nhà ở chuyên gia Cuba những năm 1987-1990- nay đã là cơ sở của Công ty cổ phần Đầu tư cụm công nghiệp Tân Hội. Các bạn Cuba thiết kế mái nhà của khu nhà ở này chỉ cao 2m2. Sở Xây dựng cho điều chỉnh thiết kế lên 2m7 cho phù hợp với thời tiết nắng nóng ở địa phương. Giờ vẫn nguyên như thế, mái bê tông đã lấm tấm xanh vàng những hoa và cỏ. Trần vẫn phẳng băng, sáng sủa. Chỉ có nền nhà đã được thay bằng gạch men.

Nước Trong- miền đất hoang vu của gần 1/4 thế kỷ trước, giờ đã có bóng dáng của một khu công nghiệp. Trong báo cáo về hoạt động của nhà máy do giám đốc trình bày, có một câu thật đáng nhớ: “Đây là Nhà máy đỏ”. Vâng! Sao không “đỏ” cho được khi nó mọc lên từ bầu nhiệt huyết sục sôi tinh thần cách mạng của cả hai dân tộc: Việt Nam và Cuba. Cùng với cụm từ này là nhiều cái nhất. Như: máy chạy bền bỉ nhất trong các nhà máy đường trong nước, liên tục từ 7 đến 8 tháng; nhà máy bé hạt tiêu nhất; cổ tức chia cho cổ đông lại cao nhất- có giai đoạn 5 năm đạt tới 300% (2005-2010); giá mua mía cao nhất nước và còn không bao giờ thiếu mía cây nguyên liệu vv…

Nhà Đại sứ Cuba tại Di tích căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Vâng! “Nhà máy đỏ” do cổ phần chính vẫn trong tay Nhà nước. Đảng bộ phát huy được vai trò lãnh đạo, dù chỉ có 182 đảng viên với 8 chi bộ, trong đó phần nhiều là công nhân trực tiếp sản xuất; học Nghị quyết cũng phải chia ra thành ca kíp tương ứng để không ảnh hưởng đến giờ công. “Nhà máy đỏ” nên mới có một quyết định: “Nếu nông dân còn mía trên đồng, nhà máy còn hoạt động”. Vậy mới có chuyện do năng suất và hiệu suất tăng cao, nhà máy muốn giảm diện tích trồng mía nhưng nông dân không chịu (dù ở các nhà máy gần bên chuyện thiếu nguyên liệu vẫn còn là chuyện thường kỳ).

Tôi tò mò hỏi thêm về chuyện máy móc của nhà máy Cuba ngày trước. Thì biết máy móc vẫn còn khoảng 60-70% là trang thiết bị buổi đầu tiên. Công nghệ Cuba, máy móc bạn mua từ Tây Ban Nha hoặc Đức. Đến nay do đã tăng công suất lên gấp 2 lần thiết kế nên buộc phải có những sáng kiến để đổi thay đôi chút. Như tăng trục ép từ 50 lên 60cm cho vòng quay ép mía được nhanh hơn chẳng hạn. Thú vị nhất là máy móc của Nhà máy vẫn chạy đều và bền bỉ nhất. Ít có nơi nào, tới vụ là máy chạy liên tục 3 tháng mới ngưng bảo dưỡng, sau đó tiếp tục chạy liền liền tới 8- 9 tháng trong năm.

Bây giờ thì Tây Ninh đã có nhiều nhà máy mía đường hiện đại, to đẹp hơn. Như Thành Thành Công 8.000 tấn/ngày, hay Biên Hoà cũng 2.500 tấn. Nhưng “Nhà máy đỏ”- đứa con đầu lòng của công nghệ mía đường Tây Ninh thì nhiều người vẫn luôn nhớ. Kể từ ngày 25.11.2016 nó sẽ càng đáng nhớ hơn, vì nơi đây từng lưu dấu một biểu tượng của cách mạng thế giới trong thế kỷ XX- Chủ tịch Fidel Castro. Người từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Ngày nay, Người đã đi về “thế giới người hiền”.

N.Q.V