BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tiếp sức” cho phụ nữ và trẻ em nghèo vùng biên 

Cập nhật ngày: 09/03/2024 - 08:39

BTN - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thời gian qua đã góp phần giúp phụ nữ vùng biên giới có việc làm, thu nhập, phát huy khả năng và khẳng định vai trò trong gia đình, cộng đồng...

“Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là những chương trình, mô hình của Bộ đội Biên phòng tỉnh (BĐBP) và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền đi thông điệp của sự yêu thương, chia sẻ, đồng hành, “tiếp sức” cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng biên giới vươn lên.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh trao biểu trưng 100 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Lê Quân)

Chắp cánh ước mơ đến trường

Từ nguồn hỗ trợ, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu cho 73 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 15 cháu ngoại biên, 58 cháu nội địa; nhận nuôi 7 cháu là “Con nuôi đồn biên phòng” trong toàn tỉnh. Chương trình được duy trì từ nhiều năm nay, là một trong những nguồn lực quan trọng giúp hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng biên giới.

Thiếu tá Lê Đình Thảo- Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kà Tum cho biết: “Thực hiện mô hình “Nâng bước em tới trường”, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Đồn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà trường trên địa bàn làm tốt công tác giáo dục, giúp đỡ, động viên các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các em cả về vật chất lẫn tinh thần để các em có được điều kiện tốt nhất tham gia học tập. Từ năm 2019 đến nay, Đồn nhận nuôi hai cháu là người dân tộc Khmer trên địa bàn các ấp Tầm Phô và Suối Dầm. Hằng ngày, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ chăm sóc, nuôi dưỡng; cử cán bộ đưa đón, kèm cặp việc học hành cũng như rèn luyện nền nếp sinh hoạt, kỷ luật cho các cháu”.

Bốn học sinh đang được Đồn Biên phòng Kà Tum hỗ trợ, giúp đỡ đang học tại Trường THCS Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Tân Châu). Cô Nguyễn Thị Ngờ- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Đông cho biết, đời sống của nhiều gia đình học sinh ở đây nhìn chung còn khó khăn. Được sự đồng hành, hỗ trợ của Đồn Biên phòng Kà Tum, một số em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ trong những năm qua. Đặc biệt, một em học sinh của Trường THCS Tân Đông có hoàn cảnh khó khăn được Đồn hỗ trợ học bổng trước đây, nay đã vào đại học.

Hiện tại, Đồn nhận nuôi hai học sinh (em Hố Chăn Đi- lớp 8 và em Danh Đa- lớp 6) và nhận đỡ đầu 2 em học sinh (Chế Hoàng Duy- lớp 8 và Đào Phúc Hoàng- lớp 7). Các em học sinh này đều thuộc diện đặc biệt và rất khó khăn (Hoàng Duy bị khuyết tật, Phúc Hoàng mồ côi cha mẹ). Bên cạnh việc hỗ trợ học bổng, Đồn còn phối hợp các doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà và tiền học bổng hằng tháng do đồn biên phòng hỗ trợ phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em, để các em đến trường đều đặn.

Tại Đồn Biên phòng Kà Tum, trong căn phòng riêng của hai bé Chăn Đi, Danh Đa, góc học tập và đồ dùng cá nhân được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Chế độ sinh hoạt hằng ngày của hai bé được duy trì rất nền nếp, luôn có sự kèm cặp, giúp đỡ, giáo dục của bộ đội.

Tương tự, ở Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, sau 5 năm gắn bó với đồn và các chú bộ đội, em Nguyễn Hoàng Kim Sơn- học sinh lớp 6 Trường THCS xã Biên Giới, huyện Châu Thành- nay đã cao lớn, khá mạnh dạn và lanh lợi. Sau giờ học bài buổi chiều, Kim Sơn cùng cán bộ chiến sĩ của Đồn dọn dẹp vườn rau tăng gia để chuẩn bị bước vào vụ gieo trồng mới. Em chia sẻ: “Ở trong đây, các chú quan tâm chăm sóc cho con, kèm con học bài. Lúc con bị bệnh, các chú quan tâm hỏi han, mua thuốc cho con uống. Con cảm ơn các chú bộ đội luôn yêu thương, chăm sóc con. Con xin hứa sẽ chăm ngoan, cố gắng học tập”.

Chiến sĩ Biên phòng trao quà cho phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Giúp phụ nữ vùng biên vươn lên

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh duy trì từ năm 2018 đến nay. Phát huy những kết quả nổi bật của giai đoạn đầu 2018-2020, trong giai đoạn 2021-2023, các cấp Hội Phụ nữ và cơ quan, đơn vị BĐBP đã kết nối, lồng ghép các hoạt động; 4/5 huyện, thị xã nội địa đều có kết nghĩa, đỡ đầu ít nhất 1 xã biên giới; kêu gọi nhiều đơn vị tài trợ, đồng hành, hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ vùng biên, như xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm biên cương”, thăm, tặng quà, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Tính đến cuối tháng 1.2023, các cấp Hội và các đơn vị BĐBP tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động hỗ trợ trên địa bàn các xã biên giới với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng. Các cấp Hội còn hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ xã biên giới thực hiện các chương trình, hoạt động sinh kế sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, gồm: hỗ trợ con giống, phương tiện sản xuất kinh doanh (xe bánh mì, xe nước mía, xe bán hàng lưu động…).

Riêng trong năm 2023, Tỉnh hội phối hợp Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều chương trình, tặng hàng ngàn phần quà cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã biên giới. Căn cứ chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã có sự điều chỉnh đơn vị hỗ trợ. Theo đó, đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ đối với 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Thành Long, Hoà Hội- huyện Châu Thành và Tân Hoà- huyện Tân Châu); điều chỉnh đơn vị hỗ trợ cho 3 xã biên giới khó khăn khác là Long Phước- huyện Bến Cầu, Ninh Điền- huyện Châu Thành theo hình thức hỗ trợ trực tiếp và xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) theo hình thức hỗ trợ từ xa. Mới đây nhất, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Hội LHPN tỉnh đã trao tặng 150 triệu đồng cho đại diện Hội LHPN huyện Nậm Pồ và chính quyền xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

Thực hiện chỉ đạo chung của Tỉnh hội, Hội LHPN các xã biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tổ, nhóm, mô hình sinh kế, tín dụng, tiết kiệm tại địa phương. Các mô hình đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 380 thành viên, bình quân từ 3-6 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho gần 400 hội viên, phụ nữ với số tiền 1,6 tỷ đồng để chăn nuôi, buôn bán nhỏ.

Một chiến sĩ của Đồn Biên phòng Kà Tum hướng dẫn em Hố Chăn Đi làm bài tập về nhà.

Bà Lê Thị Thanh Thuỷ- Chủ tịch Hội LHPN xã Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, Hội Phụ nữ xã triển khai, phối hợp cùng Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu huy động nguồn lực quyên góp, ủng hộ thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động các nguồn vốn, đề án, dự án của Hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hội viên phụ nữ hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới thuộc diện hộ nghèo, khó khăn có nguồn vốn khởi nghiệp, sinh kế.

Kết quả, các đơn vị đã trao tặng 8 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền trên 300 triệu đồng; trao trên 1.200 phần quà cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn với số tiền 375 triệu đồng. Hội phối hợp đồn biên phòng và các cơ quan, tổ chức đoàn thể của xã tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em vùng biên giới về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thời gian qua đã góp phần giúp phụ nữ vùng biên giới có việc làm, thu nhập, phát huy khả năng và khẳng định vai trò trong gia đình, cộng đồng; tiếp tục bám đất, bám biên, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Tuệ Lâm