BAOTAYNINH.VN trên Google News

TRẢNG BÀNG:

Kê biên “nhầm” tài sản góp vốn vào công ty…gây khiếu nại kéo dài ? 

Cập nhật ngày: 05/12/2018 - 13:44

BTN - Bà Ðọt bức xúc: “Chúng tôi nghi ngờ việc vợ chồng ông Cường tranh thủ đem tài sản sắp được THA đi góp vốn là nhằm kéo dài thời gian để tẩu tán tài sản. Với cách làm này, vợ chồng ông Cường đã hợp thức hoá cho công ty nhận góp vốn được khai thác khoáng sản trong phần đất sắp bị kê biên để bảo đảm THA, kể cả sau này khi đã kê biên.

Ông Việt và bà Đọt trình bày lại vụ việc.

“Chúng tôi nghi ngờ việc vợ chồng ông Cường tranh thủ đem tài sản sắp được thi hành án đi góp vốn nhằm kéo dài thời gian để tẩu tán tài sản… Thậm chí, phần tài sản đã được kê biên để đảm bảo thi hành án đang bị mất dần về giá trị… Khu đất ngày càng biến thành một cái ao sâu không thể canh tác gì được, trong khi đây là loại đất trồng cây hàng năm khác”, đó là bức xúc của ông Huỳnh Văn Việt và vợ là bà Nguyễn Thị Ðọt.

GÓP VỐN ÐỂ TẨU TÁN TÀI SẢN ?

Theo trình bày của ông Huỳnh Văn Việt và vợ là bà Nguyễn Thị Ðọt (ngụ xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng), tại Bản án sơ thẩm số 52 ngày 16.7.2015 về việc “tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản” và Bản án phúc thẩm số 294 ngày 25.11.2015 của TAND tỉnh, ông Trần Văn Cường và vợ là bà Phạm Thị Thuỷ (cùng ngụ xã Hưng Thuận) có trách nhiệm trả cho vợ chồng ông Việt số tiền gần 1,3 tỷ đồng, bao gồm tiền lãi hơn 191 triệu đồng. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 4.12.2015, Chi cục THADS huyện Trảng Bàng đã ban hành Quyết định số 101 theo đơn yêu cầu. Việc thi hành án được Chi cục THADS giao cho chấp hành viên Nguyễn Minh Văn tổ chức thực hiện.

Do ông Cường và bà Thuỷ không tự nguyện THA, ngày 10.3.2016, chấp hành viên Nguyễn Minh Văn lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án của ông Cường, bà Thuỷ. Theo đó, vợ chồng ông Cường có điều kiện thi hành án là các phần đất có tổng diện tích hơn 3 ha (8 giấy CNQSDÐ), toạ lạc ấp Lộc Bình, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Ngày 20.4.2016, chấp hành viên ký Quyết định số 31 về việc cưỡng chế kê biên QSDÐ đối với bên phải thi hành án. Tài sản bị cưỡng chế kê biên là 4 giấy chứng nhận QSDÐ với tổng diện tích hơn 2,8 ha.

Ngày 6.5.2016, 4 trong 8 giấy chứng nhận QSDÐ nêu trên đã được kê biên hoàn tất. Trong biên bản kê biên nêu rõ, sau khi kê biên, Hội đồng cưỡng chế thống nhất giao tài sản lại cho ông Cường và bà Thuỷ quản lý, sử dụng. Ông Cường, bà Thuỷ không được mua, bán, trao đổi cho tặng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng khi chưa có ý kiến của Chi cục THADS. Ông Cường và bà Thuỷ có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền THA và các chi phí phát sinh trước khi mở cuộc đấu giá tài sản 1 ngày.

“Thế nhưng, từ đó đến nay đã hơn 3 năm 6 tháng mà bản án vẫn chưa được thi hành dứt điểm. Thậm chí, phần tài sản đã được kê biên để bảo đảm THA còn đang bị mất dần về giá trị. Cụ thể, sau khi khu đất có diện tích khoảng 2,8 ha bị kê biên, có người đến khai thác khoáng sản. Khu đất ngày càng biến thành một cái ao sâu không thể canh tác gì được, trong khi đây là loại đất trồng cây hằng năm khác.

Gia đình tôi liên tục khiếu nại. Sau đó, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, vợ chồng ông Cường đã làm hợp đồng góp vốn bằng QSDÐ cả 8 “sổ đỏ” nêu trên vào Công ty TNHH Hồng Mạnh”, ông Việt cho biết.

Bà Ðọt bức xúc: “Chúng tôi nghi ngờ việc vợ chồng ông Cường tranh thủ đem tài sản sắp được THA đi góp vốn là nhằm kéo dài thời gian để tẩu tán tài sản. Với cách làm này, vợ chồng ông Cường đã hợp thức hoá cho công ty nhận góp vốn được khai thác khoáng sản trong phần đất sắp bị kê biên để bảo đảm THA, kể cả sau này khi đã kê biên.

Lưu ý, ngày mà Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh (VPÐKÐÐ) chính thức chỉnh lý biến động trong việc góp vốn là ngày 8.1.2016, tức không lâu sau ngày có quyết định thi hành án”. Vợ chồng ông Việt còn cung cấp hình ảnh và video clip thể hiện hoạt động khai thác khoáng sản trong phần đất đã kê biên.

Qua kiểm tra hồ sơ vụ việc, quả đúng là ông Trần Văn Cường và bà Phạm Thị Thuỷ có góp vốn vào công ty, theo hợp đồng góp vốn bằng QSDÐ số công chứng 3482 ngày 21.8.2015. Có tất cả 8 giấy chứng nhận QSDÐ do ông Cường và bà Thuỷ đứng tên trong hợp đồng góp vốn với giá trị hơn 9 tỷ đồng. Mục đích của việc góp vốn là khai thác khoáng sản. 25 ngày sau khi có quyết định thi hành án, tức vào ngày 29.12.2015, ông Cường và bà Thuỷ đã nộp đơn đăng ký biến động đất đai và tài sản khác gắn liền với đất tại VPÐKÐÐ.

Trong hợp đồng góp vốn có đến 8 giấy chứng nhận QSDÐ do ông Cường và bà Thuỷ đứng tên, nhưng tại công văn của VPÐKÐÐ phúc đáp công văn Chi cục THADS huyện Trảng Bàng yêu cầu xác minh thông tin người đứng tên trên giấy chứng nhận QSDÐ, VPÐKÐÐ xác định ông Cường và bà Thuỷ chỉ góp vốn có 4 giấy chứng nhận QSDÐ.

Vị trí đất của 4 “sổ đỏ” này nằm trong khu vực khoảng 2,8 ha đang đề cập, tức chỗ đất mà sau này Chi cục THADS kê biên. Công văn 875 còn nêu rõ, trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký chỉnh lý biến động về việc góp vốn, VPÐKÐÐ không nhận được văn bản của các cơ quan có thẩm quyền về việc kê biên tài sản.

“DÀI CỔ” CHỜ… THI HÀNH ÁN

Trở lại quá trình thi hành án. Ngày 9.2.2017, Chi cục THADS có thông báo gửi đến Giám đốc Công ty Hồng Mạnh. Thông báo nêu: “Qua quá trình kê biên tài sản để bảo đảm THA, cơ quan THA xác minh được 4 giấy chứng nhận QSDÐ đất (đã kê biên) do ông Cường và bà Thuỷ đứng tên đã góp vốn vào Công ty, trong thời 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Giám đốc Công ty có quyền khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”.

Ngoài ra, Chi cục THADS cũng gửi thông báo đến người được THA với nội dung: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người được THA có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu đối với hợp đồng góp vốn giữa người phải thi hành án và Giám đốc Công ty”.

Cả hai thông báo đều lưu ý rõ: “Nếu hết thời hạn nêu trên mà những người nhận được thông báo không khởi kiện tại Toà án thì chấp hành viên sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật”. Sau đó, những người nhận được thông báo đều không khởi kiện ra Toà. Thế nhưng, chấp hành viên vẫn chưa giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật. Ngày 18.5.2018, Cục THADS tỉnh có Văn bản số 162 gửi Chi cục THADS. Văn bản nêu: “…

Ðể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Việt và bà Ðọt, tránh trường hợp đương sự bức xúc làm đơn khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức THA. Cục THADS tỉnh đề nghị Chi cục trưởng Chi cục THADS khẩn trương chỉ đạo chấp hành viên được phân công tiến hành các bước về trình tự thủ tục THA, để sớm thi hành dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Việc thi hành án vẫn kéo dài. Ngày 7.9.2018, Cục THADS tỉnh tiếp tục gửi văn bản yêu cầu “Chi cục trưởng Chi cục THADS xem xét, giải quyết đơn của ông Việt và bà Ðọt theo thẩm quyền, có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, báo cáo kết quả về Cục THADS tỉnh trước ngày 18.9.2018”. Tuy nhiên, đến nay, việc THA cho vợ chồng ông Việt vẫn chưa giải quyết xong. Người được thi hành án tiếp tục gửi đơn khiếu nại nhiều nơi.

QUỐC SƠN