Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý nghiêm hành vi gian lận, mạo danh thương hiệu

Cập nhật ngày: 26/12/2016 - 17:05

Nhận thấy vụ việc nêu trên có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý nghiêm và sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của hai công ty nếu đúng như phản ánh của các đơn vị.

Ðây chỉ là vụ việc mới nhất trong nhiều chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh lữ hành thời gian qua. Cách đây không lâu, dư luận từng rộ lên nạn "nhái" thương hiệu, sao chép sản phẩm của hãng lữ hành có uy tín và lợi dụng chính sách quảng cáo trên Google, dẫn đường link làm sai lệch thông tin về doanh nghiệp.

Trong đó, Sinh Café là một thí dụ điển hình cho việc bị mạo danh về thương hiệu, từng gây ồn ào dư luận cách đây hơn hai năm. Ðược đăng ký bản quyền và sử dụng, khai thác hiệu quả, có uy tín từ nhiều năm qua trong kinh doanh du lịch quốc tế cao cấp, thương hiệu Sinh Café đã bị nhiều cơ sở kinh doanh lữ hành vi phạm theo kiểu lập lờ "nhái tên" kiểu như: Sinh Cafe Open Tour, Sinh Cafe Tour Open, Sinh Cafe Hà Nội... làm nhiễu loạn thông tin cho du khách, khiến họ không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Gần đây nhất là việc Công ty du lịch HanoiRedtours bị "sao chép" tên đăng ký. Mặc dù đã được bảo hộ thương hiệu, song công ty vẫn bị hai đơn vị lữ hành khác cố tình đăng ký trùng tên, chỉ thay đổi tên địa phương, gây ra hiểu nhầm đây là một chi nhánh của công ty.

Ngay cả tên miền website của HanoiRedtours cũng bị bắt chước thiết kế, mầu sắc, lô-gô. Nhiều công ty nằm trong tốp mười đơn vị lữ hành hàng đầu của du lịch Việt Nam như: Hòa Bình, Lửa Việt, Saigontourist, BenThanhtourist... cũng thường xuyên bị mạo danh thương hiệu và đã phải loay hoay, trầy trật ứng phó với nạn này trong những năm qua.

Thậm chí, có cơ sở lữ hành còn "ăn trên, ngồi trốc" khi lấy sản phẩm du lịch của các đơn vị khác để chào bán giá rẻ hơn, phá giá thị trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bạn...

Những chiêu trò gian lận thay số điện thoại, dẫn đường link về website hay "nhái" thương hiệu, "ăn cắp" sản phẩm nêu trên, gọi đơn giản là hành vi lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh để chiếm đoạt thị trường, nguồn khách, đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Không những làm tổn hại uy tín thương hiệu và hoạt động kinh doanh của các công ty làm ăn chân chính, trực tiếp gây thiệt hại cho khách du lịch, hành vi này còn gây rối loạn thị trường, làm giảm sút uy tín và hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia.
Ðể giải quyết triệt để tình trạng nêu trên không dễ. Nếu như cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xử lý được ngay những trò tráo đổi số điện thoại, đường link website của các đơn vị lữ hành thì việc dẹp bỏ những mánh lới "nhái" thương hiệu, sao chép sản phẩm lại khá phức tạp.

Cho đến thời điểm này, nhiều thương hiệu "nhái" trong kinh doanh lữ hành vẫn ngang nhiên tồn tại sau một thời gian dài khiếu nại, kiện tụng, thậm chí, nhiều đơn vị bị "nhái" thương hiệu còn bị đối thủ kiện lại vì họ có đầy đủ giấy phép hoạt động.

Thực tế nêu trên cho thấy sẽ khó giải quyết nếu không tăng cường kiểm soát, siết chặt những quy định và loại bỏ các kẽ hở trong đăng ký kinh doanh lữ hành, bảo hộ thương hiệu và sản phẩm, tránh để trùng tên đơn vị trên cùng địa bàn.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của các cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Lữ hành trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp, không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của những đơn vị không đủ tiêu chuẩn hoặc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đã đến lúc cần rà soát, kiểm tra, xử lý thật nghiêm và phạt nặng việc gian lận, mạo danh uy tín thương hiệu đơn vị khác để trục lợi, nhằm làm trong sạch, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Nguồn Báo Nhân dân