Công nghệ   Thiết bị số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khả năng thành công của HongMeng OS bị nghi ngờ 

Cập nhật ngày: 15/06/2019 - 11:02

Hệ điều hành mà Huawei tạo ra để thay thế Android có thể theo "vết xe đổ" của Windows Phone (Microsoft) hay Tizen (Samsung) do thiếu sự hấp dẫn.

Sau khi Google ngừng cấp giấy phép Android cho Huawei để tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, công ty Trung Quốc được cho là chuyển sang "phương án B": sử dụng hệ điều hành "cây nhà lá vườn" HongMeng để thay thế. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Liệu Huawei có thành công khi nhiều công ty khác đã thất bại?

HongMeng là hệ điều hành được Huawei phát triển để thay thế Android. Ảnh: Libero.

Android là nền tảng di động thống trị trong nhiều năm. Giai đoạn 2013 - 2019, thị phần của nó luôn trên dưới 80% và đang tăng trong những năm gần đây, theo Canalys. Nó thu hút hàng tỷ người dùng sử dụng và trung thành nhờ vào sự đơn giản, tiện lợi và đặc biệt là có cửa hàng Play với hàng triệu ứng dụng, liên tục được bổ sung mỗi ngày.

Theo WSJ, việc thuyết phục người dùng chuyển đổi từ một hệ điều hành nổi tiếng như Android sang nền tảng khác thực sự khó khăn. Trong quá khứ, nhiều hãng công nghệ có tiếng tăm từng thử sức với sản phẩm riêng nhưng cùng chung kết quả là sự thất bại, chẳng hạn Windows Phone của Microsoft hay Tizen của Samsung.

Ứng dụng là rào cản đầu tiên được chỉ ra. "Bạn đang cung cấp cho người tiêu dùng hệ sinh thái mới, tức là các ứng dụng cơ bản là mới và bạn cần thuyết phục họ dùng thử. Thành thật mà nói, điều đó chẳng hề dễ dàng", Mo Jia, nhà phân tích tại Canalys, nói.

Richard Yu, người đứng đầu mảng tiêu dùng của Huawei, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 22/5 rằng, hệ điều hành của công ty có thể sẵn sàng tại Trung Quốc vào cuối năm nay và cho các thị trường quốc tế vào đầu năm tới. Một phát ngôn viên của Huawei đã xác nhận nhận xét này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực phát triển ứng dụng cho rằng, việc ra mắt sớm nền tảng riêng sẽ giúp Huawei bớt phụ thuộc vào đối tác. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hệ sinh thái ứng dụng mới đi kèm hệ điều hành và thu hút người dùng nó là thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Trung Quốc phải đương đầu. "Sẽ mất ít nhất hai đến ba năm, người dùng mới có thể làm quen và tải chúng", người này cho biết. "Người dùng bên ngoài biên giới Trung Quốc sẽ ít có khả năng chuyển đổi hơn do họ vốn đã quen sử dụng bộ ứng dụng của Google".

Một số chuyên gia đánh giá, việc mất Android là đòn giáng mạnh vào đà kinh doanh đang thành công rực rỡ của Huawei. Theo số liệu của IDC trong quý I/2019, thị phần smartphone công ty này đang đứng thứ hai thế giới với mức tăng trưởng 50,3%. Ba tháng đầu năm nay, hãng bán được 59,1 triệu smartphone, chiếm 19% thị phần. Con số này năm ngoái chỉ là 39,3 triệu máy với 11,8% thị phần.

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen và bị Google ngừng cấp giấy phépAndroid, Huawei được cho là đang thúc đẩy sự có mặt của hệ điều hành riêng càng sớm càng tốt. Theo Rosenblatt Securities, công ty đã bắt đầu thử nghiệm HongMeng OS trên một triệu smartphone. Còn theo Huawei Central, website chuyên thu thập thông tin về Huawei, công ty Trung Quốc đã đăng ký thương hiệu HongMeng OS tại một loạt quốc gia trên thế giới từ Bắc Mỹ, châu Âu đến châu Á, như Canada, Mexico, Hàn Quốc, Australia... Hệ điều hành này có tên là Ark OS khi xuất hiện tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Nguồn VNE

Từ khóa
Bắc Mỹchâu Âu