BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự: Hiệu quả của việc “đi trước một bước”

Cập nhật ngày: 18/09/2023 - 00:03

BTN - Tây Ninh xác định những năm sắp tới cần phải có những đột phá về hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải “đi trước” để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển

- Bàn Dân nè, tôi mới nghe ông bạn cán bộ ở gần nhà cho biết, trong tuần tới Đảng bộ tỉnh mình sẽ tiến hành hội nghị giữa nhiệm kỳ hả ông?

- Đúng rồi, nay mai hội nghị diễn ra, báo, đài sẽ đưa tin, ông nhớ đón xem nhé! Mà sao hôm nay ông có vẻ sốt sắng, quan tâm đến thời sự chính trị của tỉnh lắm vậy?

- Ý là tôi muốn nói thời gian qua nhanh quá. Tôi nhớ mới hôm nào tôi đọc được trên một tờ báo thành phố kế bên tỉnh mình, tin tường thuật cuộc họp báo của lãnh đạo Tỉnh uỷ ngay sau Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, mới đó mà đã hơn hai năm rưỡi…

- Ông cũng nhớ dai dữ! Mà ông nhớ được nội dung nào trong bản tin ấy, nói lại Bàn Dân nghe với?

- Đại khái tôi nhớ cái tựa của tin ấy là một câu trích phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ: “Quyết tâm đột phá hạ tầng, thể hiện khát vọng vươn lên”. Còn trong nội dung tin thì tôi chỉ nhớ cái điều mà tôi quan tâm nhất: Tây Ninh xác định những năm sắp tới cần phải có những đột phá về hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải “đi trước” để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Ông làm báo, chắc có theo dõi kỹ hoạt động của tỉnh mấy năm gần đây, ông có biết cái đột phá “đi trước” ấy có ý nghĩa như thế nào, và đã “đi tới đâu” rồi không?

- Chuyện đó thì đã diễn ra “y như trong bài” thôi. Trong thời buổi phát triển kinh tế hiện nay, tất yếu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” để còn kéo theo nó bao nhiêu là chuyện đô thị hoá, công nghiệp hoá, mà rõ nét nhất là chuyện phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… vân vân…

- Kinh điển mà nói thì y vậy rồi, nhưng chuyện đời đâu có đơn giản, nhất là ở một tỉnh tuy là địa đầu biên giới, nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế nhưng lại bị bó trong cái “thế độc đạo” từ xưa đến giờ. Trong khi đó, tỉnh mình lại là tỉnh không lấy gì giàu có, kinh tế chưa mạnh, ngân sách chưa nhiều, mà cũng ít có dự án đầu tư trọng điểm, làm sao mà tăng tốc, đột phá được?

- Ấy vậy mà nửa nhiệm kỳ qua tỉnh nhà mình đã làm được cũng khá đó ông. So ra thì trong các chương trình đột phá của tỉnh, đột phá về hạ tầng với sự “đi trước” về hạ tầng giao thông là đạt cao nhất. Cụ thể là so với các nhiệm vụ được giao của ngành giao thông trong Chương trình hành động 68-CTr/TU của Tỉnh uỷ thì ngành đã đạt 100% rồi…

- Ông nói cụ thể mà chưa nêu chi tiết đó nghen!

- Bàn Dân nghĩ chỉ cần ông liên hệ tới mấy con đường nối từ trục trung tâm thành phố Tây Ninh chạy ra quốc lộ 22B đi qua thị xã mình vừa được nâng cấp mở rộng nối dài; hay các con đường ngang, dọc chạy qua, dẫn tới Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen… tất cả đều rộng rãi, khang trang, thảm bê tông nhựa nóng phẳng phiu là thấy kết quả nhãn tiền rồi, còn đòi phải liệt kê chi tiết chi nữa!

- Hẳn là trăm nghe không bằng một thấy, nhưng ông làm “nhựt trình”, ông phải nêu chính xác đâu ra đó, số liệu rõ ràng rành mạch mới thuyết phục chứ.

- Ông muốn chi tiết thì có chi tiết ngay thôi. Này nhé, theo lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải, qua hơn hai năm “đột phá”, tỉnh đã tổ chức thực hiện đầu tư các dự án giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 12/22 dự án, trong đó có nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng, kết nối đến các cửa khẩu quan trọng như: đường kết nối từ ĐT784 (Tây Ninh) đến ĐT744 (Bình Dương) bao gồm xây dựng mới cầu bắc qua sông Sài Gòn; đường ĐT794 (kết nối Tây Ninh - Bình Phước); đường ĐT793 - ĐT792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc); cầu An Hoà; đường ĐT781 (đoạn Phước Tân - Châu Thành). Nhiều công trình đang triển khai thi công như: nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782-784 từ ngã ba tuyến tránh QL22B đến ngã tư Tân Bình; đường Đất Sét - Bến Củi; đường ĐT.787B; đường ĐT.789... sẽ hoàn thành trong vòng năm nay và đến năm tới. Đối với các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, đã thực hiện xong đường tuần tra biên giới đoạn từ cửa khẩu Xa Mát đến tỉnh Long An, kinh phí 1.169 tỷ đồng; cuối năm 2023 khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hoà, kinh phí 2.293 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), huy động khoảng 10.303 tỷ đồng cho dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự kiến khởi công vào năm 2025, hoàn thành năm 2027; xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 đoạn Gò Dầu - thành phố Tây Ninh). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang huy động xã hội hoá đầu tư 4.416 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường thuỷ nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, quy mô diện tích 259,22 ha, dự kiến hoàn thành năm 2025; cùng các cảng cạn Mộc Bài, diện tích 16,5 ha, và cảng cạn Thanh Phước, quy mô 48 ha, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2023.

- Rõ ràng với sự bứt tốc, đột phá như vậy ở nửa đầu nhiệm kỳ, đến nửa cuối nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh, dân Tây Ninh sẽ cảm nhận được kết quả phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng, sáng sủa, mạnh mẽ hơn nữa, ông nhỉ!    

Bàn Dân