BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện “…cân cả thế giới”

Cập nhật ngày: 08/04/2024 - 21:20

BTN - Trên không gian mạng nước ta thời gian gần đây có “cái mới” là tình hình thông tin xấu, độc có giảm thấy rõ, ông có thấy vậy không?

-Bàn Dân nè, tui có chuyện này nghĩ cũng vui vui, tui kể ông nghe nhen!

-Vâng, ông cứ tự nhiên chia sẻ, Bàn Dân sẵn sàng lắng nghe.

-Hôm qua, lúc cà phê một mình, tui lướt mạng xã hội thấy trên trang Facebook nọ có bài viết ngắn mà rất hay, đăng cùng một bức ảnh rất đặc biệt, có câu chú thích ảnh như thế này: “Đội hình cân cả thế giới”.

Ảnh chụp một tập thể, khoảng trên dưới ba chục người, phần đông những người đứng các hàng sau mặc quân phục, đội mũ sĩ quan, trên hàng đầu tui nhận ra đứng giữa là Bác Hồ, hai bên là các vị lãnh đạo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh và Bác Tôn Đức Thắng. Đọc trong bài viết tui được biết đó là bức ảnh lưu niệm chụp trước thềm Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội nhân buổi lễ phong cấp tướng trong toàn quân ngày 22.12.1958.

Đọc xong bài viết, ngẫm nghĩ thấy câu chú thích ảnh rất sâu sắc, giàu ý nghĩa, tui chợt nhớ thằng cháu còn tuổi thiếu niên rất thích học lịch sử, tôi liền lưu bức ảnh rồi chia sẻ ảnh cùng câu chú thích qua tin nhắn Zalo cho nó và “treo giải”: “Giải thích được ý nghĩa câu chú thích ảnh này sẽ có thưởng”.

Vài phút sau, thằng cháu nhắn tin trả lời: “Con xem ảnh thấy có Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhiều vị sĩ quan quân đội, vậy là ảnh này chụp từ thời kháng chiến cứu nước. Còn câu chú thích con nghĩ từ “đội hình” là chỉ chung các vị lãnh đạo cùng các vị chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Và cụm từ “cân cả thế giới” là ý muốn nói các vị trong ảnh từng đánh thắng các lực lượng đế quốc, thực dân, phát xít và bành trướng trên khắp thế giới đã xâm lược nước ta trong thế kỷ 20. Con nghĩ vậy đúng không, nếu đúng xin ông thưởng cho con đi ạ!”.

-Cháu nói đúng đấy chứ, rồi ông…có “động thái” gì không?

-Phải có chớ sao không, tui lập tức đặt mua mấy cuốn sách nghiên cứu lịch sử mới xuất bản, thanh toán on-lai, ghi địa chỉ síp tới nhà nó luôn.

-Khi đọc được những bài viết hay ho như thế trên mạng, ông có để ý “thấy gì mới” trên không gian mạng nữa không?

-Uý trời, không gian mạng thì “nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”, mỗi ngày mỗi mới, càng ngày càng mới, luôn luôn mới hơn. Ông hỏi vậy tui biết đường đâu mà trả lời!

-Tất nhiên là thông tin trên mạng toàn cầu thì cập nhật từng phút, từng giây rồi, nhưng Bàn Dân nghĩ “cái mới hôm nay khác với cái mới hôm qua” ông ạ!

-Đã nói là mới thì phải khác cái cũ chớ! Cách nói như ông, tui vô phương hiểu, ông giải thích thiệt rõ tui nghe coi có thuyết phục không?

-Là thế này, trên không gian mạng nước ta thời gian gần đây có “cái mới” là tình hình thông tin xấu, độc có giảm thấy rõ, ông có thấy vậy không?

-Ừ, à… tôi cũng cảm thấy có vẻ như vậy, nhưng…

-Nhưng sao?

-Nhưng… tuy rằng thông tin xấu độc có vẻ giảm, nhưng thông tin tốt, thông tin tích cực dường như cũng chưa nhiều. Phải vậy không ông?

-Cảm nhận như ông chắc cũng không sai, có thể là những thông tin chính xác, hữu ích chưa nhiều, chưa có sức lan toả mạnh mẽ để lấn át, dập tắt hết thông tin xấu độc. Có điều là những thông tin hay như bức ảnh “Đội hình cân cả thế giới” như ông vừa kể không phải là hiếm.

-Có lẽ là ông nói đúng. Mà cái chiều hướng “giảm xấu, tăng tốt” ấy nhờ đâu mà có vậy ông?

-Là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả nước ta, trong đó chủ lực là các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, xã hội và cả những cơ quan, doanh nghiệp có tham gia hoạt động trên không gian mạng, trong công việc ngăn chặn và xử lý hiệu quả thông in xấu, độc hại trên internet.

-Ông có nói… rộng quá không, tôi nghĩ các ngành chức năng quản lý Nhà nước, các lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì làm tốt nhiệm vụ là phải rồi, còn các tổ chức, các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội thì làm gì trong chuyện đó?

-Ông phải nhìn thấy “hai mặt của một vấn đề” ấy. Nghĩa là một mặt các ngành có chức trách, nhiệm vụ ngăn chặn thông tin xấu độc, bảo vệ an ninh, an toàn mạng phải làm tốt công việc của ngành. Còn các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, cũng như mọi thành phần xã hội có tham gia hoạt động trên mạng thì có trách nhiệm thực hiện mặt thứ hai.

Đó chính là tăng cường việc đưa thông tin chính thống, thông tin tích cực, có tác dụng tốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng, có sức thuyết phục, sức lan toả mạnh để định hướng dư luận… như thế cũng là góp phần phản biện, ngăn chặn, xoá bỏ thông tin xấu độc trên mạng thông tin toàn cầu đó chớ!

-Ông phân tích như vậy tôi hiểu rồi.

-Ông hiểu như thế nào, nói rõ, nói cụ thể cho Bàn Dân nghe được không?

-Thì tôi nghĩ rằng khi tiếp cận thông tin trên internet mình phải biết phân biệt cho rõ, đâu là thông tin không chính xác, không đáng tin cậy, thông tin xấu độc, đâu là thông tin chính thống, thông tin có độ tin cậy, thông tin hữu ích. Mà muốn phân biệt được như thế tôi nghĩ bản thân mỗi người phải nâng cao nhận thức về cái đúng, cái hay, từ đó tạo cho mình sự tỉnh táo, sức đề kháng trước cái xấu, cái độc, phải vậy không ông?

-Phải rồi, ông nghĩ được như vậy coi như ông có được một “liều vắc-xin” rồi đó!

Bàn Dân