BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

“Cột mốc” đặc sắc trên hành trình tương lai

Cập nhật ngày: 22/10/2023 - 21:01

BTN - Hoạt động kinh tế biên mậu và du lịch quốc tế đã có ở Tây Ninh từ rất lâu và vẫn được duy trì ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt

-Hôm nay chủ nhật rảnh mà, sao ông gọi giựt ngược Bàn Dân đi uống cà phê sớm vậy?

-À, tui mới biết chuyện này vui lắm, có tương lai lắm! Số là mấy nay tui theo dõi chuyến đi của Thủ tướng mình dự hội nghị cấp cao ASEAN với Hội đồng hợp tác các nước Ả Rập vùng vịnh GCC bên Saudi Arabia thấy có cái tin rất hay, nếu sớm được triển khai thì tỉnh mình cũng có tương lai…

-Ông nói hơi bị khó hiểu nghen, chuyện họp cấp cao bên khối Ả Rập sao tỉnh mình cũng có tương lai?

-Ậy, ông hớp tớp quá, chưa nghe tui nói hết đã hỏi chận họng rồi. Ý là tui nói đến việc Thủ tướng mình tiếp xúc song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Manet.

Theo đó, hai bên nhất trí sẽ triển khai hiệu quả các thoả thuận đã ký giữa hai nước; đẩy mạnh hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, hiện thực hoá ý tưởng hợp tác du lịch “một hành trình, ba điểm đến” giữa Campuchia, Lào và Việt Nam.

-À, vậy ông nói tương lai có liên quan đến tỉnh mình là tương lai lợi ích phát triển kinh tế, thương mại, nhất là hợp tác du lịch “một hành trình, ba điểm đến” đó chứ gì! Nói vậy là đúng quá rồi, với vị trí “địa kinh tế” của một tỉnh chiếm độ dài gần một phần tư đường biên giới, chiếm tới ba trong số mười cửa khẩu quốc tế trên biên giới Việt Nam - Campuchia, chưa kể cả chục cửa khẩu biên giới chính, phụ mà chưa phát triển mạnh kinh tế biên mậu; cũng như với tiềm năng du lịch rất lớn mà chưa có điều kiện để tham gia hiện thực hoá ý tưởng “một hành trình, ba điểm đến” thì quả thật là chưa khai thác đúng mức thế mạnh sẵn có của địa phương…

-Ông nói không sai. Nhớ hồi trẻ học lịch sử, tôi được biết từ thời nhà Lê, qua thời nhà Nguyễn nước ta cùng hai nước lân cận đã có con đường thiên lý, còn gọi là “đường sứ” chạy suốt từ miền Bắc nước ta vào miền Nam rồi qua Campuchia, Lào; đến thời Pháp thuộc lại có các con đường thuộc địa số 1 và số 22.

Những con đường lịch sử ấy đều qua Tây Ninh rồi sang nước láng giềng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh mình. Đường thiên lý sau là đường thuộc địa số 1 thì qua khẩu Mộc Bài, còn đường sứ sau là đường thuộc địa số 22 thì qua cửa khẩu Xa Mát. Giờ thì các “quốc môn” ấy đều đã có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đang hoạt động xuất nhập khẩu tấp nập ngày đêm…

-Ông nhớ kỹ dữ. Còn Bàn Dân cũng nhớ đọc được ở sách “Chợ trời biên giới Việt Nam - Cao Miên” của tác giả Lê Hương, xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn - một quyển sách lâu nhất, mà cũng có lẽ là duy nhất khảo cứu về kinh tế biên mậu ở biên giới Tây Nam nước ta, một số nội dung liên quan đến tỉnh mình. Theo sách ấy thì suốt tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có cả thảy 12 “chợ trời”.

Trong đó, tỉnh mình có “chợ trời Gò Dầu Hạ” tức “chợ trời An Thạnh” ở cửa khẩu Mộc Bài là chợ lớn nhất vì nằm giữa rất gần Nam Vang, tức thủ đô Phnom Penh và Sài Gòn, thủ phủ miền Nam, và “chợ trời Phước Tân” gần cửa khẩu Phước Tân.

Gọi là “chợ trời” vì đó là chợ tự phát theo nhu cầu trao đổi hàng hoá của cư dân ở hai bên biên giới, chứ không phải do nhà cầm quyền hai nước chính thức lập ra.

“Chợ trời biên giới” có từ năm 1955, sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Nam nước ta và trao trả độc lập cho các “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Hàng hoá mua bán ở “chợ trời” chủ yếu là sản vật địa phương ở hai bên biên giới.

Nhưng có thêm nhiều hàng nhập khẩu vào nước ta xuất xứ từ Âu Mỹ, Pháp, Trung Quốc, tất nhiên mọi thứ đều là nhập lậu. Nhưng giới chức chính quyền hai bên đều “làm lơ” cho dân làm kinh tế mưu sinh, đồng thời quan chức cũng có tiền “thuế”… đút túi.

Đặc biệt cũng trong sách của tác giả Lê Hương, Bàn Dân thấy có nói đến việc khách du lịch từ Campuchia sang Tây Ninh đi viếng núi Bà Đen, chủ yếu là khách từ Phnom Penh, Svay Rieng đi xe đò từng chặng qua Mộc Bài, Gò Dầu, lên thị xã Tây Ninh, hoặc là đi xe đạp qua ngả Phước Tân, Bến Sỏi sang thị xã Tây Ninh.

Như vậy, có thể nói là hoạt động kinh tế biên mậu và du lịch quốc tế đã có ở Tây Ninh từ rất lâu và vẫn được duy trì ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới hoạt động kinh tế biên giới ở Tây Ninh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, tập trung ở các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cũng như giao thương qua các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ đem lại cho đất nước, quê hương Tây Ninh nguồn lợi không nhỏ.

Đồng thời với việc phát triển du lịch Tây Ninh, chủ yếu ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thời gian qua, sắp tới khi ý tưởng “một hành trình, ba điểm đến” xuyên ba nước Đông Dương được hình thành, Tây Ninh chắc chắn sẽ là một “cột mốc” quan trọng, đặc sắc, không thể thiếu trong hành trình ấy. 

Bàn Dân