BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiểu khu 47 Rừng phòng hộ Dầu Tiếng:

Đất rừng tự nhiên bị lấn chiếm
Kỳ cuối: Vi phạm vẫn còn đó và... lan rộng  

Cập nhật ngày: 05/12/2020 - 17:04

BTN - Ðến khu rừng phòng hộ tại khoảnh 9, tiểu khu 47 vào các ngày 22, 23 và 24.11.2020, có thể nhận thấy các diện tích đất rừng do ông N.V.T và bà P.T.N.H vi phạm lấn chiếm gần như còn nguyên. Thậm chí, rừng tự nhiên còn có dấu hiệu bị tàn phá rộng hơn, không riêng tại các vị trí đã nêu trong bài báo kỳ trước.

Một góc hiện trạng 0,4 ha đất rừng mà bà P.T.N.H bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả từ đầu năm 2017.

Vi phạm kéo dài

Như trong bài báo trước đã đề cập, năm 2016, bà T.T.H (SN 1973, ngụ ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) làm đơn tố giác ông N.V.T và bà P.T.N.H cùng ngụ xã Tân Hoà có hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp để trồng cây điều, keo, mì. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định ông N.V.T có lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp để trồng trên 0,2 ha điều, 1,2 ha mì; bà P.T.N.H lấn chiếm, sử dụng 0,4 ha đất lâm nghiệp để trồng mì.

UBND huyện Tân Châu đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (lý do hết thời hiệu) đối với ông N.V.T, bà P.T.N.H. Theo đó, UBND huyện buộc ông N.V.T, bà P.T.N.H phải khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm, trả lại đất rừng đã lấn chiếm cho BQL trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định (vào thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017).

Trong giai đoạn này, ngày 10.7.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1573 kèm theo kế hoạch cụ thể về việc xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc. Theo quyết định này, phải thu hồi, chuyển toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đang trồng cây nông nghiệp trái quy định sang trồng lại rừng, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng theo đúng quy hoạch.

Quyết định 1573 yêu cầu phải kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý, không tạo tiền lệ xấu cho việc phát sinh các vi phạm tiếp theo. Xử lý đến đâu, tổ chức quản lý đất đến đó, đồng thời triển khai thực hiện đúng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Nhiệm vụ đặt ra là tập trung phấn đấu giải quyết hoàn thành dứt điểm từ khi ban hành quyết định đến hết năm 2018.

Thế nhưng, hiện tại đã là cuối năm 2020, 0,2 ha trồng điều của ông N.V.T vẫn còn nguyên. Trong khi, theo quy định phải được xử lý trồng rừng phù hợp theo mô hình quy hoạch. Ðối với diện tích 1,2 ha đất lâm nghiệp mà trước đó ông N.V.T trồng mì và từng bị lập biên bản xử lý... hiện trạng vẫn là đất trống, có dấu bị tác động cày xới gần đây, cây mì còn nằm lẫn trong đất và mầm non mới mọc chưa cao.

Trên 1,2 ha đất lâm nghiệp này có khoảng một nửa diện tích đất được trồng cây keo tại vị trí giáp rừng tự nhiên, phần đất còn lại giáp với vườn cao su của ông N.V.T trồng cây sao. Hai loại cây này có dấu mới được trồng chưa lâu, chưa phát triển lá mầm.

Qua hai ngày quan sát thực tế tại tiểu khu 47 (ngày 22.11, 23.11), chúng tôi vẫn không thể tin là đất rừng vẫn còn bị tác động một cách ngang nhiên đến vậy. Ðể có góc nhìn đa chiều, ngày 24.11, người viết bài đã đề nghị cơ quan quản lý rừng cùng đi để chứng kiến. Có mặt tại khu đất  nêu trên, bà Trần Thị Ngân Hà- Giám đốc BQL cho biết, diện tích đất lâm nghiệp này chưa được ký hợp đồng trồng rừng với hộ dân nào, việc có người tự ý đem cây keo và cây sao trồng tại đây là vi phạm.

Người gửi đơn tố giác cùng chứng kiến và thắc mắc: trồng cây với diện tích lớn như vậy cần phải có thời gian để cày đất, chuẩn bị cây giống và vận chuyển vào tận đây, tức phải mất nhiều thời gian nhưng tại sao vẫn không bị phát hiện? Hơn nữa, cây keo thì người dân có thể tự ươm giống, còn cây sao với số lượng lớn thì người dân lấy ở đâu? Và vì sao cây sao (chậm thu hoạch hơn cây keo rất nhiều năm) không được trồng giáp rừng tự nhiên mà phải là cây keo?

“Ðây không phải là lần đầu tiên có cây lâu năm được trồng theo kiểu này sau mỗi vụ thu hoạch mì. Tuy nhiên, qua nhiều năm, diện tích khu đất này vẫn... trống. Và cứ thế, cây mì vẫn là cây trồng chính trên đất từ năm 2016 đến nay”- bà T.T.H bức xúc. Thực tế, cạnh đất 1,2 ha giáp rừng tự nhiên có nhiều đoạn khuyết sâu vào rừng, có cây rừng tự nhiên bị cưa hạ còn trơ gốc, cháy xém. Trên đất còn có một số bụi le bị bức tử, có bụi đang nảy mầm xanh, nhất là vị trí giáp dãy rừng tự nhiên.

Về phần đất rừng 0,4 ha mà bà P.T.N.H bị UBND huyện Tân Châu ban hành quyết định buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả... hiện cũng là đất trống. Có một cây rừng tái sinh trên đất bị chặt hạ, chết khô chưa rụng lá. Phần đất này có dấu mới bị tác động cày xới. Một cán bộ đi chung đoàn với BQL cho hay, có thể việc cày xới được thực hiện lén lút vào ban đêm nên không bị phát hiện.

Bà T.T.H lại thắc mắc: “Muốn đưa máy cày vào khu đất nằm “lọt thỏm” giữa rừng như vậy là không dễ, khu đất đã bị tác động bao nhiêu lần kể từ đầu năm 2017 đến nay mà vẫn trống, rộng thoáng, trải dài?”.

Dãy rừng tự nhiên giáp với đám rừng keo cặp triền suối (bà P.T.N.H không nhận đám rừng keo này) bị tàn phá nghiêm trọng.

Và lan rộng

Tại vị trí dãy rừng tự nhiên giáp với đám rừng keo cặp triền suối (bà P.T.N.H không nhận rừng keo này), có dấu rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong khoảng thời gian gần đây. Diện tích rừng bị phá chiều ngang khoảng 25m, dài hơn 100m, bắt đầu từ triền suối đổ lên cặp theo hướng rừng tự nhiên.

Theo hiện trạng, có vô số cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, chặt gốc. Hầu hết thân cây lớn không còn tại hiện trường, chỉ còn lại tàng, nhánh cây và nhiều loại cây gỗ tạp cỡ nhỏ được chất thành đống để đốt, một số đống cây chưa cháy hết.

Mặt bằng đất rừng vẫn còn nhiều gò mối, dây leo, các gốc cây bị cưa hạ mới tái sinh mầm non, còn đậm màu cháy đen trên những gốc và thân cây đã chết. Theo bà T.T.H, dãy rừng này có thể mới bị tàn phá trong năm 2020, vì trước đó bà vẫn còn trông thấy.

Ðất rừng tự nhiên tại khoảnh 9, tiểu khu 47 ngày càng bị thu hẹp và không chỉ dừng lại ở đó. Cuối dãy rừng keo cặp theo triền suối, hướng về hạ nguồn, băng ngang qua lòng suối và một vạt rừng tự nhiên là đến khu vực phá rừng với quy mô lớn để trồng mì. Khu vực này có hình dạng như hình tròn, xung quanh hầu hết là rừng tự nhiên.

Chỉ một khóm diện tích nhỏ ở khoảng giữa là được trồng cây keo, cây chuối. Còn lại phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm để trồng mì, mầm cây mì mới phát triển được khoảng 10cm. Nhiều đống cây mì giống còn dư để cặp theo bìa rừng tự nhiên.

Trước sự chứng kiến của bà Trần Thị Ngân Hà, một cán bộ dùng máy định vị phỏng đo, bước đầu xác định toàn khu vực đất rừng tại đây bị bao chiếm để trồng mì gần 3 ha (bao gồm khóm cây keo, cây chuối). Tất nhiên, đó chỉ là phỏng đo bước đầu, trên thực tế diện tích đang đề cập có thể lớn hơn. Một cán bộ khác cho hay, hành vi lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp tại khu này đã bị cơ quan chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý từ năm 2016.

Tuy nhiên, người viết bài này đã nêu ý kiến với đoàn rằng: “Rõ ràng, từ bìa rừng tự nhiên trở ra đất trồng mì khoảng 25m vẫn còn nhiều cây mật cật bị cày giập, vô số rễ và gốc cây rừng còn ngổn ngang trên đất, cháy xém.

Hơn nữa, nhiều cây rừng tự nhiên giáp đất trồng mì đang bị ken cây, đốt gốc, đậm màu tro than, có gốc cây bị cưa được đánh dấu ngày 25.9 với mầm tái sinh còn xanh non... đó là dấu hiệu của rừng mới bị phá gần đây”. Cán bộ trong đoàn thừa nhận: “So với thời điểm năm 2016 thì rừng tự nhiên tại khu này có bị lấn thêm khoảng 25m, mỗi năm rừng bị phá một ít”.

Với những gì tận mắt chứng kiến cùng cơ quan chức năng quản lý rừng như đã nêu qua hai bài báo, cho thấy, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá rừng thì nguy cơ cây rừng tự nhiên dần nhường chỗ cho cây mì là điều khó tránh khỏi.

Minh Quốc