BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Nâng cao ý nghĩa của một ngày “tôn sư”

Cập nhật ngày: 19/11/2023 - 22:36

BTN - Ngày 20.11 là ngày kỷ niệm quan trọng của ngành Giáo dục, vốn có xuất xứ là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”

-À, hôm nay 19.11 rồi, mấy ông hoàn thành “nghĩa vụ cha mẹ” của mình chưa mà ngồi “tám” rôm rả dữ vậy?

-Gì vậy ông, mỗi sáng mình có mươi phút, nửa tiếng cà phê thư giãn mà ông nói gì “hoàn thành nghĩa vụ”, mà là “nghĩa vụ cha mẹ” nữa, nghe sao nặng nề quá vậy?

-Ý tôi nói “nghĩa vụ cha mẹ” là nghĩa vụ của phụ huynh học sinh đó. Sợ nói không rõ mấy ông không hiểu nên tôi phải xác định rõ hôm nay 19.11 để mấy ông nhớ ngày mai là 20.11 là đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đó mà. À, sẵn đây có ông giáo ngồi bàn kế bên, nhờ thầy cắt nghĩa cho mấy bạn già chúng tôi hiểu rõ về Ngày Nhà giáo 20.11, có được không thầy?

-Dạ, mấy bác hỏi thì em cũng xin thưa, ngày 20.11 là ngày kỷ niệm quan trọng của ngành Giáo dục, vốn có xuất xứ là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” do Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn giáo dục, một tổ chức của các nhà giáo tiến bộ trên thế giới thành lập đầu năm 1946 tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Ngày 20.11.1949, tổ chức này ban hành Hiến chương và quyết định lấy ngày 20.11 hằng năm là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”. Ngành Giáo dục nước ta tham gia tổ chức quốc tế ấy vào năm 1953 và tổ chức “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” lần đầu tiên vào ngày 20.11.1958.

Đến ngày 28.9.1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT chính thức xác định ngày 20.11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ đó đến nay, ngày 20.11 trở thành ngày truyền thống của giáo giới nước ta và được tổ chức để tôn vinh và tri ân những người làm công tác “trồng người”. Các bác hỏi, em đã trả lời, giờ em xin hỏi lại các bác một câu nhé! Vì sao các bác lại nói đến ngày 20.11 thì phải “hoàn thành nghĩa vụ cha mẹ học sinh”?

-Xin nói thật, nếu có gì thất thố mong thầy thông cảm bỏ qua cho. Phải nói là mấy chục năm qua mọi người đều hiểu, hằng năm cứ đến ngày 20.11 ai cũng phải biết tôn vinh và tỏ lòng biết ơn người đã có công dạy dỗ con cháu mình. Mà để bày tỏ tấm lòng một cách thiết thực nhất không gì bằng phải có quà biếu cho thầy cô.

Trong khi đó ở nông thôn đâu phải gia đình nào cũng khá giả, có thể lo lắng chu toàn cho con cháu mình. Vì thế cứ đến ngày 20.11 ai cũng phải lo lắng sao cho con cháu có món quà “coi cho được”, “ngang bằng” với bạn bè.

Riết rồi đối với các gia đình học sinh nghèo, chuyện quà cáp ngày 20.11 cho quý thầy cô trở thành… nỗi ám ảnh, hay nói như ông bạn này thì “nghĩa vụ của cha mẹ học sinh” là vậy.

-Vâng, em hỏi để mà hỏi vậy thôi, chứ em cũng hiểu chuyện ấy từ lâu rồi. Thậm chí đối với quý thầy cô có lòng tự trọng cũng “ám ảnh” chuyện đó lắm. Nhưng năm nay thì em báo với các bác là sẽ không có chuyện tổ chức ngày 20.11 “rình rang” như các năm trước đâu.

Vì năm 2023 này là “năm lẻ” chứ không phải là “năm tròn”. Theo quy định của Nhà nước thì những năm kỷ niệm ngày truyền thống phải là kỷ niệm vào dịp “năm tròn”, 5 năm, 10 năm, 15 năm…

Cụ thể, theo khoản 3, Điều 4 Nghị định 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Nguyên tắc tổ chức ngày kỷ niệm, ngày truyền thống: 1- Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. 2- Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền. 3- Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn…”.

Đồng thời về việc có được tặng quà cho thầy cô giáo nhân ngày 20.11 thì Nghị định trên cũng có quy định trong khoản 4, Điều 4 là: “Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”.

-Chính phủ quy định như thế là rõ ràng quá rồi. Như vậy chắc năm nay trường của thầy cũng không tổ chức gì chớ?

-Dạ, trường em năm nay không tổ chức tập trung, không mời khách, chỉ có nhà trường cử đại diện Ban Giám hiệu cùng với Công đoàn đi thăm các thầy cô giáo đã nghỉ hưu thôi.

-Đúng rồi, tôi theo dõi trên truyền thông, báo chí cũng có đề cập đến chuyện này. Đặc biệt báo chí đưa tin có một trường trung học cơ sở ở thành phố lớn kế bên tỉnh mình, khi còn cách ngày 20.11 khoảng một tuần, ông Hiệu trưởng nhà trường có thư gửi các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn gần trường và các phụ huynh học sinh đề nghị ngày 20.11 năm nay xin đừng gửi tặng hoa, quà như mọi năm, thay vào đó xin các quý vị hảo tâm gửi tặng nhà trường 89 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh của trường thuộc gia đình hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua bảo hiểm y tế cho học sinh.

Thư ngỏ gửi đi chỉ vài ngày sau nhà trường đã nhận lại được khoản tiền đủ để mua hơn gấp đôi số thẻ bảo hiểm y tế cần thiết. Vì thế nhà trường cũng đã thông báo sẽ dành khoản tiền thừa để mua quà Tết Giáp Thìn 2024 sắp tới cho các em học sinh nghèo, để các em cũng có tết như các bạn khác.

-Hay thật, vậy mới đúng là “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”. 

Bàn Dân