Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành Ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2023: Bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững 

Cập nhật ngày: 02/01/2023 - 15:46

BTNO - Sáng 28.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại trụ sở NHNN Việt Nam và 63 điểm cầu NHNN Việt Nam chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu dự tại điểm cầu NHNN chi nhánh Tây Ninh.

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cùng với sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; phối chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương; đồng hành của doanh nghiệp và người dân; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống từ ngân hàng Trung ương đến hệ thống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cùng các tổ chức tín dụng, năm 2022 ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô của nền kinh tế. 

Đó là góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân cả năm khoảng 3,2%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; biến động tỷ giá VND khoảng 3,8%; mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới và ở mức khá thấp so với các nước.

Tại Tây Ninh, đến ngày 25.12.2022, trên toàn hệ thống ngân hàng, vốn huy động đạt 62.248 tỷ đồng, tăng 16,3% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 86.326 tỷ đồng, tăng 13,7% so đầu năm; nợ xấu 959 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,1%/tổng dư nợ.

 Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam đến 25.12.2022 đạt 435,3 tỷ đồng (14 khách hàng) với số tiền lãi được hỗ trợ luỹ kế từ đầu chương trình là 698,6 triệu đồng/doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 457,6 tỷ đồng.

Dư nợ gốc được cơ cấu lại nợ và miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01 hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 30.11.2022 còn lại là 59,4 tỷ đồng với 313 khách hàng.

Một số chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và khách hàng mới nhằm hỗ trợ khách hàng trong những tháng cuối năm, đến 25.12.2022 đạt 2.614 khách hàng với dư nợ 4.620,7 tỷ đồng, số tiền lãi suất đã hỗ trợ là 10,8 tỷ đồng.

Đến ngày 23.12.2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30.11.2022 đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Về thực hiện cho vay 4 chương trình tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến ngày 25.12.2022 đạt 191,9 tỷ đồng với 3.669 khách hàng, đạt 100% kế hoạch được giao. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại Chi nhánh theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP đến 25.12.2022 số tiền hỗ trợ đạt 10 tỷ đồng.

Trong năm, hoạt động của 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn ổn định, lành mạnh, tuân thủ mục tiêu hoạt động và các quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN Việt Nam; việc tăng trưởng các chỉ tiêu hoạt động phù hợp với từng quỹ và địa bàn hoạt động. Đến 25.12.2022, tổng huy động vốn của hệ thống QTDND là 2.087,9 tỷ đồng, giảm 6% so đầu năm, tổng dư nợ 2.167,7 tỷ đồng, tăng 9,3% so đâu năm, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,16%/tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,48% đầu năm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Ngân hàng trong năm 2022. Theo đó, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực gặp khó khăn.

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mục tiêu cao nhất trong năm 2023 và những năm tiếp theo của hệ thống ngân hàng là phải bảo đảm được an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan; bảo đảm sự thanh khoản thông suốt trong bất kỳ trường hợp nào”.

Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Trong kỳ báo cáo tháng 11.2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của NHNN.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. 

Các ngân hàng thương mại cần tích cực tham gia công tác này, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động để các cấp có thẩm quyền xử lý. Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Tiếp tục phấn đấu đi đầu trong cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hoá các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hơn.

Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.

Trúc Ly