BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

“Vị thế” là ở chỗ ấy

Cập nhật ngày: 30/10/2023 - 00:05

BTN - OECD nhận định “Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế các nước Đông Nam Á”

-Hôm nay trông gương mặt ông thế nào ấy, vừa có vẻ tươi tỉnh, lạc quan lại vừa có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ… lung lắm! Có chuyện gì để trao đổi với Bàn Dân không?

-À, có chuyện này, tôi mới vừa đọc được một bài trên báo điện tử Chính phủ, nó khiến tôi vừa cảm thấy tự hào vừa cảm thấy hơi… thắc mắc. Số là bài báo tôi đọc được có tựa đề là: “Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 5 định hướng thúc đẩy hợp tác đầu tư OECD-Đông Nam Á”.

Theo đó, tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á 2023 diễn ra ở Hà Nội chiều 26.10, Phó Thủ tướng đề nghị, một là: hai bên tiếp tục tăng cường tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với các nước Đông Nam Á trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về đầu tư bền vững, thúc đẩy các dự án ưu tiên.

Hai là, tạo động lực cho hợp tác đầu tư về phát triển bền vững trong các lĩnh vực mới nổi và trọng điểm, như chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.

Ba là, OECD hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững, như hợp tác nâng cấp, kết nối hạ tầng chiến lược tại Đông Nam Á; phát triển nguồn nhân lao động chất lượng cao, nhân lực quản lý đáp ứng nhu cầu của các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Bốn là, tạo lập các hình mẫu trong hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng. Và năm là, không ngừng củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển…

-À, bài báo ấy Bàn Dân cũng có đọc. Bàn Dân nghĩ, biết được tin hội nghị về chương trình hợp tác giữa một tổ chức quốc tế lớn với tổ chức khu vực Đông Nam Á do nước mình đồng chủ tịch ông cảm thấy tự hào là phải rồi, nhưng ông lại còn… thắc mắc là sao?

-Sau khi nắm được thông tin về hội nghị ấy tôi mới “hỏi Google” để tìm hiểu về Tổ chức OECD, mới biết OECD là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế gồm 38 nước phát triển trên thế giới, trong đó châu Á chỉ có 3 nước Israel, Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn Việt Nam thì chưa phải là thành viên của OECD mà sao nước mình lại được cùng với Autralia đồng chủ tịch kỳ họp lần thứ hai giữa OECD và ASEAN tổ chức tại thủ đô nước mình? Tôi cảm thấy hơi thắc mắc là vậy đó!

-Theo Bàn Dân biết, tiền thân của Tổ chức OECD tên là OEEC tức là Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu gồm 16 nước Tây Âu được thành lập từ năm 1949 để cùng nhau khôi phục kinh tế sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đến năm 1960 có thêm hai nước Bắc Mỹ là Hoa Kỳ và Canada tham gia và đổi tên là OECD. Từ đó đến nay, tổ chức quốc tế này cũng chỉ phát triển lên 38 nước thành viên, hầu hết là các nước có trình độ phát triển cao. Tuy nhiên, OECD lại mở rộng hợp tác với 70 nước đang phát triển trên thế giới, được xem là “ứng viên” của tổ chức. Việt Nam mình hiện là một trong số 70 nước đó.

-Vậy còn việc Việt Nam đồng chủ tịch kỳ họp OECD-ASEAN 2023 là sao?

-Với mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Nội dung hoạt động của OECD bao gồm các chương trình hợp tác phát triển quốc gia và khu vực. Trong đó, Chương trình hợp tác khu vực Đông Nam Á có tên là SEARP giai đoạn 2022-2025 do Autralia và Việt Nam là đồng chủ tịch. Điều đặc biệt rất đáng lưu ý là hiện nay OECD xem việc hợp tác với ASEAN là ưu tiên chiến lược đấy!

-Với thông tin OECD xem ASEAN là ưu tiên chiến lược, tôi nghĩ mình có thể đi sâu vào đó để thấy rằng, đối với OECD xem Việt Nam là “ưu tiên hàng đầu của ưu tiên chiến lược” ông hả?!

-Bàn Dân nghĩ rằng, chuyện tổ chức hợp tác giữa các nước giàu mạnh trên thế giới xem nước nào là “ưu tiên hàng đầu” là chuyện của họ. Nhưng có một điều mà Bàn Dân nghĩ rằng ông cũng nên biết là mới đây, trước hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư bền vững với các nước Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội, OECD đã công bố Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN 2023.

Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á giảm từ mức 5,6% năm 2022 xuống còn 4,6% trong năm nay. Sự giảm sút này được cho là do sự kìm hãm từ tình trạng lạm phát còn dai dẳng và sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng OECD cũng cho là “vừa phải”, tuy rằng so sánh với các nước phát triển thành viên OECD là “dưới mức trung bình”.

Riêng đối với nước mình, trong báo cáo này, OECD lại dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức 6,6% trong năm nay và ở mức tương tự trong năm 2024. Với tốc độ này, OECD nhận định “Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế các nước Đông Nam Á”. Dưới mắt các nước phát triển hàng đầu thế giới “vị thế” nước nhà là ở chỗ ấy đấy!  

Bàn Dân