Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xúc tiến cung, cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam 

Cập nhật ngày: 04/03/2022 - 10:50

BTNO - Theo Sở Công Thương Tây Ninh, ở nhiều quốc gia, nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng đang nổi lên như một chiến lược phát triển nông nghiệp đầy hứa hẹn, nhất là đối với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia ở các khu vực tụt hậu phát triển khỏi hành lang kinh tế sông Mekong.

Hiệp định Thương mại Tự do liên minh châu Âu Việt Nam (EVFTA) mới được ký kết giữa EU và Việt Nam có một điều khoản cụ thể liên quan đến thúc đẩy các sản phẩm sinh thái công bằng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức, rào cản để nhận được chứng nhận chuỗi cung ứng sinh thái công bằng trong chế biến nông sản ở Việt Nam.

Vừa qua, Việt Nam được tài trợ đầu tư thực hiện dự án Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam với tổng trị giá dự án: 1.838.256,23 EUR. Trong đó bao gồm các tiểu ngành dự án: gạo, điều, rau củ chế biến, hoa quả chế biến, các sản phẩm thuỷ sản chế biến, thịt và các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm.

Dự án tập trung vào quản lý chuỗi cung ứng bền vững với trọng tâm là thương mại xanh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã (gọi tắt là MSME) vào chuỗi cung ứng. Dự án sẽ hỗ trợ tiêu dùng bền vững và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng bền vững, an toàn sinh thái…

Các đối tượng hưởng lợi của dự án là các MSME trong khu vực chế biến thực phẩm nông nghiệp. Thông qua việc phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh thái – công bằng từ dự án, các MSME có thể cải thiện vị thế của mình với một thương hiệu được xây dựng trên thị trường quốc tế tập trung hướng tới sinh thái – công bằng.

Các MSME sẽ cải thiện năng lực và quản lý thông qua đánh giá RECP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), một quy trình chứng nhận sinh thái – công bằng, xây dựng năng lực trực tuyến, ứng dụng công nghệ carbon thấp để sản xuất và thiết kế sinh thái – công bằng cho sự bền vững và đặc biệt là tiếp cận tài chính xanh. Tất cả các hoạt động này hỗ trợ MSMEs có được năng lực phù hợp trong sản xuất và kinh doanh một cách bền vững và cung cấp các sản phẩm sinh thái – công bằng cho người tiêu dùng.

Các đồng ứng viên và hiệp hội ngành cũng sẽ có cơ hội tăng cường hiểu biết về sinh thái – công bằng cũng như kiến thức trong việc tạo điều kiện thúc đẩy thị trường và tiếp cận tài chính xanh.

Một đối tượng hưởng lợi khác là các nhóm người tiêu dùng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. Họ sẽ được tiếp cận tốt hơn các sản phẩm sinh thái – công bằng, thông tin và các lựa chọn để chuyển đổi hành vi tiêu dùng một cách bền vững.

Bằng cách phối hợp hành động, các cơ quan chính phủ (Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển sinh thái – công bằng ở Việt Nam cũng như cải thiện vị thế của nông nghiệp Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm các mô hình sinh thái - công bằng tốt của Việt Nam, hoạt động thực tiễn tốt nhất, mạng lưới quan hệ và đối thoại chính sách khu vực.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành cũng đóng một vai trò quan trọng trong các công tác triển khai, ủng hộ tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho sản xuất bền vững, phát triển sinh thái – công bằng tại Việt Nam.

An Khang