BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác việc lợi dụng lòng tin để lừa đảo 

Cập nhật ngày: 27/05/2019 - 07:16

BTNO - Thời gian qua, một số đối tượng xấu lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, phục vụ mục đích cá nhân. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại đối tượng này ngày càng tinh vi khiến nhiều người sập bẫy.

Nhiều chiêu lừa đảo

Nguyễn Trà Dương (sinh năm 1993, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành) giới thiệu với nhiều người rằng mình đang làm việc cho Hãng hàng không Vietjet, Tổng lãnh sự quán Canada và tư vấn làm thủ tục visa du lịch Canada tại TP.Hồ Chí Minh. Nhìn vào tài sản mà Dương khoe khoang, nhiều người tin Dương nói thật.

Một đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị đưa ra xét xử- Ảnh minh hoạ

Đầu tháng 7.2017, gia đình bà T. có nhu cầu cho người thân đi du lịch và du học ở Canada. Thông qua người quen giới thiệu, bà T. biết Dương nên nhờ làm giúp thủ tục. Dương đến nhà bà T. quan sát, thấy gia cảnh giàu sang nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền. Dương yêu cầu bà T. đóng các khoản tiền như lệ phí làm hồ sơ, tiền đảm bảo không bỏ trốn, tiền quỹ tài chính, tiền quỹ nhà đất, tiền xếp vào lớp học… Tổng cộng, bà T. đã chuyển hơn 4,4 tỷ đồng vào tài khoản của Dương.  

Tiền đã chuyển, hồ sơ không thấy đâu, còn Dương bặt vô âm tín. Biết mình bị lừa, bà T. lập tức đến trình báo công an. Qua điều tra, Công an Tây Ninh đã bắt được Nguyễn Trà Dương khi đối tượng xuất hiện tại một căn hộ chung cư trên đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Tại cơ quan điều tra, Dương thừa nhận hành vi phạm tội.       

Tạ Văn Quí (22 tuổi, ngụ tại ấp Bình Thuận, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) thông qua mạng xã hội Zalo tạo nick name Luly và kết bạn với anh L.B.A, ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Khi gặp mặt anh A., Quí đã lừa lấy xe của anh A. mang đến tiệm cầm đồ thế chấp được 30 triệu đồng.

Có tiền, Quí đón xe ôm qua Campuchia đánh bài và thua hết hơn 25 triệu đồng. Ngày 19.1, anh A. đến Công an huyện Gò Dầu trình báo vụ việc mình bị lừa mất xe mô tô. Nhận được tin báo, Công an huyện Gò Dầu điều tra xác minh, xác định người lừa đảo anh A. chính là Tạ Văn Quí và đã bắt khẩn cấp Quí khi đối tượng này vừa từ biên giới Campuchia nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Qua làm việc, Quí khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Ngoài việc lừa đảo anh A., Quí còn thực hiện 6 vụ lừa đảo khác ở các huyện Gò Dầu và Bến Cầu. Quí từng có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chấp hành xong án phạt tù năm 2015 nay lại tiếp tục phạm tội.

Hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo

Một Kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.Tây Ninh cho biết, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra dưới nhiều hình thức, phổ biến là các đối tượng tạo lòng tin với cá nhân để giả vờ mượn, thuê tài sản sau đó mang đi cầm cố, lấy tiền tiêu xài, đến khi chủ sở hữu tài sản đòi lại thì bỏ trốn.  

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng uy tín, quen biết để xin việc làm, sau đó chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn. Quá trình trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch miệng, đối tượng khi giao nhận tiền chỉ ghi là giấy vay tiền hoặc viết giấy nhận tiền chung chung để lách luật. Do vậy, khi có đơn tố giác của người bị hại, cơ quan chức năng vào cuộc thì việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đối với loại tội phạm này gặp không ít khó khăn.

Một cán bộ hình sự Công an huyện Châu Thành cho hay, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới, nhưng do người dân thiếu tính cảnh giác nên dễ bị lợi dụng. Để phòng ngừa loại tội phạm này, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không cho vay, mượn tài sản đối với người không biết rõ nhân thân, lai lịch, hoặc có nhân thân không tốt, có tiền án, tiền sự, nghiện hút… Nếu thấy đối tượng có biểu hiện đáng nghi, người dân cần kịp thời báo với chính quyền địa phương hoặc lực lượng công an nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lừa đảo.

Thiên Di