BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện một người lính đã hy sinh

Cập nhật ngày: 10/07/2011 - 10:47

Mùa hè năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt. Lớp lớp thanh niên đã lên đường chiến đấu để bảo vệ quê hương. Trong số đó có người lính trẻ Lâm Văn Mạnh, một Việt kiều ở Campuchia. Anh Mạnh ra đi khi vừa tròn 22 tuổi. Trong một trận đánh, người lính ấy đã ngã xuống, song cho đến nay anh vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bé ở ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, ông Lâm Văn Ngỡi, anh trai của anh Lâm Văn Mạnh kể lại câu chuyện về người em trai của mình. Vào thời điểm năm 1970, cả nhà ông Ngỡi đang sống tại tỉnh Cần Ché, Campuchia. Hầu hết các anh em trong gia đình ông đều tham gia cách mạng. Theo gương cha và các anh, Lâm Văn Mạnh cũng hăng hái lên đường đánh Mỹ. Cùng trong năm 1970, hai người em của anh Mạnh cũng gia nhập vào đoàn quân cứu nước. Tham gia chiến đấu được mấy tháng, Mạnh được về thăm nhà ba ngày. Cùng về thăm nhà của Mạnh đợt này còn có hai cán bộ cấp trên của anh, họ về xác minh lý lịch của gia đình để xem xét kết nạp Đoàn cho chiến sĩ trẻ Lâm Văn Mạnh. Không ngờ rằng, đó là chuyến về thăm nhà duy nhất và cuối cùng của Mạnh. Một ngày đầu tháng 6.1972, gia đình anh Mạnh được tin anh đã hy sinh trong một trận đánh tại Xầm Long.

Sau hiệp định Pari năm 1973, cả nhà ông Ngỡi về Việt Nam sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Năm 1977, quân Pôn Pốt từ bên kia biên giới tràn sang giết hại dân ta, gần hết gia đình, họ hàng nhà ông Ngỡi đã bị giặc tàn sát thảm thương, trong đó có cha và mẹ của ông Ngỡi. Trước khi chết, hai ông bà vẫn chưa biết con trai Lâm Văn Mạnh của mình đang nằm ở đâu!

Vướng quy định

Anh Lâm Văn Mạnh (giữa) chụp chung với hai người bạn vào năm 1966 tại Campuchia

Năm 2008, ông Ngỡi làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét trường hợp của em trai ông. Tháng 6.2009, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Biên đã tiến hành xác minh và xác nhận anh Mạnh hy sinh tại Campuchia. Cũng ngay trong tháng 6 ấy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh ra giấy báo tử và có công văn gửi Phòng Chính sách của Quân khu 7 đề nghị cơ quan này phối hợp với các cấp thẩm định trường hợp quân nhân Lâm Văn Mạnh để trình Thủ tướng công nhận liệt sĩ. Tháng 7.2010, Cục Chính sách thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công văn trả lời Phòng Chính sách Quân khu 7: theo quy định tại Thông tư 25 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì Lâm Văn Mạnh chưa đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ.

Tuy nhiên, tháng 1.2011, Phòng Chính sách Quân khu 7 có giấy xác nhận gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh và gia đình ông Ngỡi, trong đó ghi nguyên văn như sau: “Phòng Chính sách – Cục Chính trị Quân khu 7 có quản lý danh sách liệt sĩ Lâm Văn Mạnh, sinh năm 1948, quê quán: Phờ Sốp, Phờ Chớp, Cần Ché, Campuchia; nhập ngũ: tháng 5.1970, chức vụ: A phó,  đơn vị E207, hy sinh ngày 1.6.1972 trong trường hợp chiến đấu tại Xầm Long. Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 xin xác nhận để các cơ quan chức năng xem xét”.

Như vậy, quân nhân Lâm Văn Mạnh đã có tên trong danh sách liệt sĩ mà Quân khu 7 đang quản lý. Vậy thì vì sao cho đến nay anh Mạnh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ?

Trung tá Nguyễn Văn Khương, Trưởng ban Chính sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh giải thích: đó là do những quy định tại Thông tư số 25 năm 2007 của Bộ LĐ-TB&XH. Theo quy định tại thông tư này, để được công nhận là liệt sĩ, phải thoả mãn các yêu cầu về hồ sơ: giấy báo tử trận, huân huy chương, giấy chứng nhận đeo huân chương, bảng vàng danh dự, bảng gia đình vẻ vang, quân nhân hy sinh trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu đã được chính quyền địa phương suy tôn, đưa hài cốt vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, có giấy xác nhận của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ. Căn cứ vào đó, đối chiếu lại: anh Mạnh hy sinh nhưng không có giấy báo tử của mặt trận nơi anh chiến đấu, bây giờ lấy đâu ra mà nộp? Quan trọng hơn, cho đến nay chưa tìm thấy hài cốt của anh Mạnh, làm sao có thể an táng? Thông tư 25 còn yêu cầu hàng loạt giấy tờ chứng nhận khác, biết tìm đâu cho ra? Trung tá Khương cho biết, ông luôn đau đáu về trường hợp quân nhân Lâm Văn Mạnh. Theo ông, với những quy định như trong Thông tư 25 sẽ có nhiều trường hợp hy sinh nhưng rất khó được công nhận liệt sĩ.

Nguyện vọng người còn lại

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm gặp được một người có thể gọi là nhân chứng cho câu chuyện liệt sĩ Lâm Văn Mạnh: ông Lê Văn Phải, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên từ năm 1981 đến năm 2004. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng và cho chúng tôi xem bức ảnh ông chụp cùng anh Mạnh và một người bạn khác vào năm 1966. Ông Phải kể rằng, ông nhập ngũ tháng 2.1970, trước anh Mạnh khoảng 3 tháng và hai người thuộc hai đơn vị khác nhau. “Khi nhận được tin Mạnh hy sinh, tôi đã rất đau đớn, ba anh em chơi với nhau giờ chỉ còn hai” – ông Phải nhớ lại. Theo ông Phải, chuyện anh Mạnh hy sinh không có gì phải nghi ngờ. Ông Phải nói: “Ngày lên đường đi đánh giặc, có ai nghĩ đến chuyện sau này làm thủ tục để hưởng chế độ đâu. Có người vừa nhập đơn vị buổi trưa, buổi chiều đã hy sinh, không kịp để lại một cái tên, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Thử hỏi lấy đâu ra hồ sơ?”.

Ông Lâm Văn Ngỡi, bày tỏ niềm riêng về người em trai của mình: “Năm nay tôi già rồi, cha mẹ đã chết hết, tôi rất mong Nhà nước công nhận liệt sĩ cho em tôi để gia đình đỡ tủi. Nếu được, cũng mong Nhà nước cho tìm hài cốt em tôi về để chú nó đỡ lạnh lẽo nơi đất khách quê người”.

Cảm thông nỗi lòng của ông Ngỡi, song chúng tôi chẳng biết giúp đỡ bằng cách nào, đành nhờ bài báo này như một cách chia sẻ, đồng thời qua đó chuyển tải đến các cấp, ngành có trách nhiệm một câu hỏi- cũng là nguyện vọng đau đáu của gia đình người liệt sĩ chưa được chính thức ghi công: bao giờ…?

VIỆT ĐÔNG