BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để có thể hiện thực hoá giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao 

Cập nhật ngày: 11/01/2017 - 07:56

BTNO - Vừa qua, sau khi bế mạc hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang và ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ đã có những chia sẻ với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh những vấn đề xung quanh việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.

BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG:

-Thưa Bộ trưởng, Bộ NN&PTNT đánh giá như thế nào về hội thảo, và sẽ có hướng hỗ trợ những gì cho tỉnh Tây Ninh?

-Phải khẳng định hội thảo về nông nghiệp hôm nay của Tây Ninh là một hoạt động có ý nghĩa và hiệu quả. Chúng ta đều biết, nông nghiệp Việt Nam hiện đang tập trung tái cơ cấu. Hôm nay Tây Ninh tổ chức hội thảo với nội dung tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung vào chuỗi giá trị nông nghiệp và hướng đến thị trường toàn cầu, tôi cho rằng đây là một nội dung rất đúng với thực tiễn, yêu cầu nóng bỏng của tái cơ cấu nông nghiệp nước ta. Tinh thần của hội thảo là xác định rõ tiềm năng, lợi thế về mặt tài nguyên, thị trường, về nguồn lao động của Tây Ninh, từ đó định dạng ra các sản phẩm.

Nội dung trong tái cơ cấu công nghiệp của Tây Ninh là phải căn cứ từ tín hiệu thị trường, không chỉ là thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài. Căn cứ vào đó chúng ta hoạch định những nội dung chuyển đổi tái cơ cấu. Do đó, đây là điểm mà tôi đánh giá rất cao về nội dung định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của Tây Ninh.

Thứ hai là tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, tức là từ chỗ xác định tín hiệu thị trường, tiềm năng tại chỗ có những gì để chúng ta lựa chọn đối tượng sản xuất. Khi đã lựa chọn được đối tượng sản xuất thì chú ý hết sức từ khâu quy hoạch, định dạng sản phẩm đó.

Tiếp đến là tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực, mà cụ thể ở đây là bà con nông dân và tổ chức lại các hợp tác xã. Mời gọi các nhà doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng thế mạnh để tổ chức ngành hàng mang tính chất là hạt nhân, trụ cột, để cùng xây dựng vùng nguyên liệu và hướng dẫn bà con nông dân.

Một nội dung nữa trong tinh thần tái cơ cấu của Tây Ninh đó là sự bao hàm hết thảy từ quy mô sản xuất, quá trình chế biến, cho đến phân phối sản phẩm ra thị trường tạo thành một chuỗi khép kín. Chúng tôi cho rằng hướng đi tái cơ cấu này phản ánh đúng tinh thần tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang tập trung cùng với các địa phương tiến hành.

BÍ THƯ TỈNH UỶ TRẦN LƯU QUANG:

-Thưa ông, nội dung hội thảo thể hiện quyết tâm của tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và đưa ra cụ thể những sản phẩm nông nghiệp chuyển đổi. Tuy nhiên, những sản phẩm ấy rất khác so với các cây thế mạnh mà người ta hay nghĩ đến của Tây Ninh?

-Chúng tôi có được quyết tâm này chính từ sự không phát triển của nông thôn Tây Ninh, từ cuộc sống của 78% bà con Tây Ninh cứ loay hoay những cây mà mình cho là thế mạnh, thế nhưng trong thời gian vừa qua, thực sự đó chưa phải là cây thế mạnh bởi vì có những lúc thị trường không chấp nhận. Do vậy, động cơ lớn nhất, ước ao lớn nhất của chúng tôi là muốn cho nông dân Tây Ninh giàu lên, tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ hơn. Có một sự so sánh với phát triển công nghiệp thế này, thực ra khi chúng ta phát triển khu công nghiệp thì nhà đầu tư đem công nghệ đến, người nông dân đi làm công nhân, mỗi tháng lãnh vài triệu, đời sống thực sự còn rất khó khăn, không biết tương lai sẽ thế nào. Nhưng, nếu phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ để nông dân làm, từ đó nông dân có quyền được làm giàu và có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó là những ước ao, mong muốn mà chúng tôi đẩy lên thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị và thể hiện trong hội thảo này.

-Hội thảo ngày hôm nay chúng ta có được kết quả khá khả quan, đó là 15.000 tỷ đồng sẽ đổ vào phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh, tỉnh đã làm như thế nào để thu hút các nhà đầu tư đến với Tây Ninh?

-Điều đầu tiên cần phải nói là chúng tôi đã “bắt mạch” được rằng bây giờ ngân hàng cũng cần phải giải ngân, cũng cần phải cho vay, họ chỉ lựa chọn chỗ nào để cho vay tốt nhất mà thôi. Điều thứ hai là có sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế chính sách. Quý vị cũng thấy là Tổng Bí thư, Thủ tướng và mọi người đều nói đến câu chuyện nông nghiệp này, chúng tôi có lẽ chỉ làm hơi nhanh hơn mọi người một chút ở chỗ kết nối, chuyển tải được thông điệp, ước ao, mong muốn giống như tinh thần của hội thảo hôm nay đến các ngân hàng. Và cũng rất bất ngờ, rất vui là các ngân hàng rất hào hứng, rất sẵn lòng, từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho tới các vị tổng giám đốc các ngân hàng thương mại cổ phần. Câu chuyện có lẽ chỉ giản dị thế thôi, nhưng tôi nghĩ vấn đề còn lại cũng không phải dễ, bởi vì, để giải ngân được tiền thì chúng ta phải chứng minh được rằng chúng ta làm việc rất hiệu quả, ngay từ những ngày đầu.

-Ông có thể chia sẻ thêm về Ban chỉ đạo của tỉnh mới thành lập không, thưa ông?

-Ban chỉ đạo (BCĐ) đó do tôi trực tiếp làm Trưởng ban. Đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng Ban thường trực và thêm khoảng 7, 8 đồng chí nữa. Dưới BCĐ này chúng tôi còn có 4 tổ công tác để thực hiện 4 mũi nhọn của Tây Ninh tới đây: nông nghiệp công nghệ cao là một mũi; thứ hai là du lịch; thứ ba là cơ sở hạ tầng và thứ tư là giáo dục đào tạo. Mỗi tổ công tác sẽ giao cho một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và BCĐ này chủ yếu điều hành hoạt động của 4 tổ công tác. Trong đó cũng nhấn mạnh rằng, tổ công tác thực hiện mũi nhọn phát triển nông nghiệp công nghệ cao hội nhập thị trường quốc tế là mũi sẽ được triển khai đầu tiên và dành nhiều nguồn lực nhất.

-Với quyết tâm làm giàu như lãnh đạo tỉnh vừa trình bày cùng với sự chia sẻ từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông có thể dự tính trong khoảng thời gian bao lâu thì Tây Ninh hiện thực hoá được giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao?

-Chúng tôi cố gắng đến cuối nhiệm kỳ này, khoảng năm 2020. Tức là chúng ta có khoảng 2 năm để định hình và sau đó 2 năm thì có lẽ chuỗi này chạy được, đúng nghĩa là một chuỗi giá trị. Không biết có không được khiêm tốn không, nhưng tôi tin tưởng vào điều đó.

-Xin ông cho biết thêm, trong việc ký cam kết với những nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Tây Ninh đã chuẩn bị quỹ đất như thế nào để phát triển chuỗi liên kết này?

-Thực ra, hiện nay, việc chuẩn bị đất vẫn là vấn đề không chỉ riêng Tây Ninh mà còn ở nhiều nơi khác. Nhưng cách làm của Tây Ninh sẽ hơi khác một chút, tức là một phần sẽ dành đất công để làm mô hình, chủ yếu là mô hình, chứ không có nghĩa chúng ta giao đất để nhà đầu tư thực hiện canh tác rồi sau đó thu hoạch và bán sản phẩm của mình để tìm kiếm lợi nhuận. Cái chính là chúng ta làm mô hình để đầu tư, làm điểm trình diễn để bà con nông dân mình thực hiện việc đó.

-Ông có thể cho biết thêm diện tích đó như thế nào, về vị trí và địa thế?

-Nhìn chung, bây giờ chúng tôi đang đi rà soát lại quỹ đất, cái chính là phải lựa chọn khu vực nào đúng với quy hoạch mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nói. Quy hoạch khu vực nào, trồng cái gì thì sẽ có mô hình ở khu vực đó. Và một điểm khác ở Tây Ninh là chúng tôi kêu gọi những nông dân giàu có, những người có nhiều đất sẽ là những người tiên phong để thực hiện mô hình này. Rồi sau đó, những nông dân khác sẽ tự nguyện cùng hợp tác với nhau tạo ra một diện tích đất lớn để cùng làm. Tôi cho rằng cách này bền hơn cách chúng ta phát triển theo kiểu hợp tác xã như hiện nay. Để mọi người tự nguyện góp đất vào với nhau và cùng thực hiện sẽ tốt hơn, đúng với mục tiêu, mục đích và đó cũng là một giải pháp để giải quyết tình trạng chúng ta không có được một diện tích đất lớn để thực hiệnsản xuất lớn.

-Thưa ông, Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp, như vậy nếu chúng ta muốn tiến lên sản xuất lớn làm những đại nông trường thì vấn đề của Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 sẽ là một khó khăn. Tỉnh dự định sẽ có những kiến nghị hay những giải pháp gì cho chuyện này để tiến lên sản xuất lớn?

-Việc này đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần- kể cả trong Quốc hội, và tôi tin là trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn. Nhưng câu chuyện ở Tây Ninh thì chúng tôi không băn khoăn lắm chuyện diện tích đất lớn hay nhỏ, mà chúng tôi cố gắng làm một cách thật tốt những mô hình để mọi người có thể tham gia và tự nguyện góp đất cùng làm. Thực ra đã có những mô hình, đã có những câu chuyện mà nhiều người cùng góp đất lại để cùng làm và đã thành công, chứ không phải tích tụ ruộng đất là giải pháp duy nhất cho vấn đề này.

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÊ THÀNH:

-Ông nhận định về cuộc hội thảo và về việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế của tỉnh Tây Ninh như thế nào, thưa ông?

-Tôi thấy cuộc hội thảo đã thể hiện được sự tiếp cận bằng một phương thức mới ra thị trường thế giới chứ không phải tiếp cận theo từng sản phẩm riêng biệt. Như vậy, thế giới sẽ thấy được rằng họ sẽ nhận được ba thứ.

Thứ nhất là, sự tiếp cận bài bản, đúng với tiêu chuẩn của thế giới. Thứ hai là, họ thấy được một sự chuyển động của cả một chuỗi giá trị từ vùng trồng trọt cho đến nhà máy, chợ đầu mối, đến nông dân, đặc biệt là họ thấy được hệ thống công nghệ được chuẩn bị bài bản. Điều thứ ba, người ta sẽ thấy là thị trường của họ được đáp ứng bằng hàng rào kỹ thuật, do đó họ sẽ yên tâm ký các hợp đồng lớn với chúng ta. Hợp đồng ở đây không phải là hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà là hợp đồng cùng với Tây Ninh xây dựng lại thị trường nông sản, nó sẽ có tính bền vững hơn hợp đồng bao tiêu. Có nghĩa là có những khâu trong đó doanh nghiệp sẽ cùng đầu tư với chúng ta. Như vậy, cái độc đáo là không phải chúng ta chỉ kêu gọi mang tính chất thu hút đầu tư về, mà là sự đồng hành trong chuỗi giá trị, từ khâu làm chính sách, đến tiếp cận thị trường… đều có hình bóng của các tập đoàn lớn của thế giới, của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Tôi cho rằng đây là một cách làm hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta không phải chỉ là thuận mua vừa bán giữa 2 đối tác, mà chúng ta đồng hành với nhau để cùng xây dựng chuỗi giá trị và xác lập thị trường. Như vậy, người được lợi lớn nhất là nông dân, bởi vì khi làm như vậy nông dân mới cảm thấy yên tâm để trồng trọt, yên tâm để tham gia vào chuỗi sản xuất chứ không phải trồng rồi ngóng trông, chờ đợi người mua.

Một cái lợi nữa là chúng ta sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, hợp với quy chuẩn của thế giới. Điều này tạo ra một ưu điểm, nếu Tây Ninh làm tốt việc này sẽ tạo động lực, tạo sức hấp dẫn để cho các tỉnh, thành khác cùng thực hiện. Chuỗi giá trị không chỉ liên kết những thành phần riêng lẻ lại với nhau, nó liên kết từ những người làm hoạch định, các nhà tài chính đến những nhà làm công nghệ, kỹ thuật phải cùng hợp tác với nhau để xây dựng chuỗi. Chúng ta không nhìn nó ở sự vận động về hình thức mà phải thấy nó từ khâu xác lập, hoàn thành chuỗi cho đến đầu tư, đó là một sự kết nối chặt chẽ với nhau. Tây Ninh đang đi theo đúng con đường như vậy, có nghĩa là đàm phán, gặp gỡ, trao đổi để cùng đồng hành. Tôi nghĩ, đó là một nét độc đáo của hội thảo này.

Hiện nay, tôi có thể thấy bóng dáng, hình ảnh của thế giới hiện diện trong chuỗi giá trị sản xuất này là những tên tuổi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, tiêu chuẩn của chợ đầu mối, tiêu chuẩn của hệ thống lạnh… bài bản. Như vậy, chính những tiêu chuẩn này sẽ là yếu tố bảo đảm để chúng ta phát triển. Điều mà chúng ta cần làm là phải kiên định con đường, kiên định bảo vệ tiêu chuẩn, chỉ cần chúng ta dễ dãi một chút thôi thì hệ thống của chúng ta sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Để bảo vệ điều này thì phải đào tạo, phải chuyển giao công nghệ. Vì vậy mà doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào trường đào tạo công nhân của họ. Một trường đại học của Mỹ đã có viện nghiên cứu để quản trị các hệ thống, một viện khoa học của Đức đã có một hệ thống phần mềm quản trị từ khâu gieo trồng đến khi cây lớn lên, ra chợ, và đến khi lên bàn ăn. Như vậy, tôi nghĩ Tây Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện để cho chuỗi giá trị sản xuất này hội nhập thị trường thế giới.

TRÚC LY


 
Liên kết hữu ích