Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc nhìn:

Giảm áp lực học tập cho học sinh - cần sự phối hợp đồng bộ 

Cập nhật ngày: 14/11/2019 - 18:29

BTN - Việc coi trọng học vấn, bằng cấp không có gì sai, không có gì đáng trách. Điều đáng nói ở đây là việc học chạy theo điểm số, bằng cấp không thực chất khiến cho học vấn, bằng cấp không tương xứng với năng lực. Áp lực học tập được thể hiện bằng điểm số, bằng cấp đang đè nặng lên người học.

Cô trò trong giờ học ở Trường tiểu học Phước Hội (ảnh: Việt Đông).

Đầu năm 2019, một phóng viên đã hỏi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nếu được chọn một từ khoá cho năm 2019, Bộ trưởng sẽ chọn từ nào? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời: “Tôi sẽ chọn cụm từ: Giảm áp lực cho giáo viên!”.

Khi thông tin này được đăng tải, trên nhiều trang mạng đăng tải câu hỏi của nhiều đối tượng khác nhau- trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên: Thế thì ai sẽ giảm áp lực cho học sinh, sinh viên (chúng em)? Đó là một câu hỏi và cũng là một đòi hỏi chính đáng, bởi hiện nay, thế hệ trẻ đang phải chịu quá nhiều áp lực học tập.

Xã hội: Có bằng cấp, có địa vị

Áp lực đối với học sinh thời nào, quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, mức độ và ảnh hưởng có sự khác nhau. Đối với các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam, đánh giá về một cá nhân dựa trên tình trạng nghề nghiệp, dân tộc, tầng lớp, giới tính và quan trọng nhất là giáo dục luôn được chú trọng. Vì thế, học sinh phải chịu áp lực rất lớn về thành công trong học tập.

Xã hội đặt ra kỳ vọng đối với học sinh từ rất sớm bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa trường học, công việc và chất lượng cuộc sống. Thành công ở trường sẽ hứa hẹn một cuộc sống có chất lượng cả về kinh tế và địa vị xã hội. Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập, áp lực càng trở nên gay gắt.

Những người có học vấn cao, có bằng cấp được trọng dụng, thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm, có thu nhập, đời sống, địa vị xã hội tốt hơn. Việc coi trọng học vấn, bằng cấp không có gì sai, không có gì đáng trách. Điều đáng nói ở đây là việc học chạy theo điểm số, bằng cấp không thực chất khiến cho học vấn, bằng cấp không tương xứng với năng lực. Áp lực học tập được thể hiện bằng điểm số, bằng cấp đang đè nặng lên người học.

Vì vậy, muốn giảm áp lực cho học sinh, cần thay đổi quan niệm không nên chỉ coi trọng học vấn, bằng cấp mà phải căn cứ vào nhân cách, năng lực thực chất của từng người. Việc chuyển từ dạy học cung cấp kiến thức sang dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học sẽ góp phần giảm áp lực cho học sinh.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ trầm cảm của trẻ vị thành niên ở Việt Nam ngày càng cao. Năm 2018, Bệnh viện tâm thần Mai Hương (Hà Nội) khảo sát 1.200 học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội thì có tới 19% có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Trong các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi 10 - 17.

Một khảo sát của Trường  đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực hiện với hơn 1.000 học sinh THCS ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương năm 2018 cho thấy 61,6% có hành vi bỏ bê bản thân, 38,4% suy nghĩ bi quan về cuộc sống, 26,7% có biểu hiện tự huỷ hoại bản thân.

Năm ngoái có một nam sinh lớp 10, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập. Còn biết bao chuyện đau lòng khác mà các phương tiện thông tin truyền thông đã từng đăng tải.

Gia đình: Con phải chiếm số một

Ở Việt Nam, sự thành công của con trẻ ở trường học có tầm quan trọng và tác động lớn đến mối quan hệ gắn kết và phụ thuộc giữa cha mẹ và con cái. Chính điều này tạo nên áp lực đối với đa số học sinh hiện nay. Nhiều cha mẹ kỳ vọng và đặt ra yêu cầu cao với con cái. Họ sẵn sàng đầu tư, dành tất cả những gì có được cho con để con học giỏi.

Con cái trở thành sự hãnh diện của cha mẹ. Con phải vào trường điểm, trường chất lượng cao, trường chuyên, trường quốc tế, du học... Con mình phải hơn con người ta, phải chiếm vị trí số một, phải học giỏi toàn diện... Những yêu cầu của cha mẹ đã gây áp lực không nhỏ đối với con cái. Áp lực này đôi khi gây ra “tác dụng ngược”. 

Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì bắt con phải làm theo ý của mình, phải đạt được “thế này thế nọ”, phải học giỏi, cha mẹ nên đứng về phía con, trao đổi, tâm tình, chia sẻ với con, hiểu được điều con muốn, đồng hành với con. Khi cha mẹ với con cùng một team (đội, nhóm) thì con sẽ có động lực, có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn để đi đến đích.

Đừng tạo áp lực mà cần tạo động lực cho con.Tạo động lực cho con cũng chính là tạo động lực cho cha mẹ. Nên nhớ rằng tương lai của con được nuôi dưỡng, định hướng từ cha mẹ; thế nhưng thành công tới đâu, hạnh phúc thế nào là do các con quyết định.

Nhà trường: phải có Thành tích

Áp lực đối với học sinh còn đến từ giáo viên, nhà trường. Trong trường học, giáo viên không chỉ làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức mà còn giáo dục hành vi đạo đức, hoạt động xã hội và kỷ luật cho học sinh. Giáo viên biết rõ rằng thành tích học tập của học sinh phản ánh năng lực, tư cách và ảnh hưởng đến uy tín, vị trí của họ trong hệ thống giáo dục.

Phụ huynh luôn yêu cầu cao đối với giáo viên trong việc giúp cho con cái của họ học tập, rèn luyện chăm chỉ, giỏi giang hơn. Phương pháp giáo dục/dạy học hiện nay là lấy giáo viên làm trung tâm, khiến giáo viên cho rằng trách nhiệm của họ là làm bất cứ điều gì để bảo đảm sự thành công của trẻ trong học tập.

Vì thế, họ luôn sử dụng “quyền lực” của mình, làm bất cứ điều gì, kể cả việc sử dụng bạo lực để học sinh có được thành tích tốt nhất. Nhiều giáo viên không hiểu rằng đây là nguyên nhân của bạo lực học đường. Học sinh “sợ”, xa lánh thầy cô giáo, chán học, thậm chí có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả khó lường.

Chưa hết, áp lực không chỉ đến từ giáo viên mà còn từ căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Để có được thành tích, được khen, được thưởng, được cấp trên và xã hội chú ý, các trường đua nhau, tìm mọi cách để có được những kết quả cao, con số đẹp. Trường này chạy đua với trường khác, tổ này chạy đua với tổ khác, lớp này chạy đua với lớp khác...

Cần thay đổi quan niệm

Để học sinh thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, nhiều lực lượng khác nhau. Trước hết cần thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, quan niệm của xã hội về điểm số, bằng cấp, sự đỗ đạt.

Học tập là cần, học vấn, bằng cấp cũng cần được coi trọng nhưng không phải là tất cả. Con người vào đời, thăng tiến, thành đạt bằng nhiều con đường với những năng lực và công việc, ngành nghề khác nhau. Thực tế đã chứng minh nhiều người thành đạt, doanh nhân, tỷ phú... có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội, cộng đồng đâu phải toàn là người có học vấn, bằng cấp cao.

Điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải thay đổi mạnh mẽ. Con cái của chúng ta không phải là thần đồng, đừng kỳ vọng quá nhiều, quá viễn vông về con cái rồi đặt ra yêu cầu cao, để khi không đạt được như mong muốn lại thất vọng, trách móc con. Thay vì gây áp lực thì cần lắng nghe, thấu cảm, chia sẻ, tạo động lực và đồng hành cùng con. Cuối cùng, điều các con cần (và cha mẹ mong muốn) không phải là con có cuộc sống sung túc với tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, mà chính là một cuộc sống hạnh phúc.

Thời gian vừa qua, ngành giáo dục đã có nhiều việc làm nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh như không tổ chức thi cuối cấp tiểu học, THCS, không xếp loại và thứ hạng ở tiểu học... nhưng vẫn chưa đủ. Giáo viên phải thay đổi phương pháp giáo dục và giảng dạy, chuyển từ mệnh lệnh, ép buộc, truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển năng lực để hình thành và phát triển nhân cách, kỹ năng cho học sinh.

Hãy dạy dỗ các em bằng tình yêu thương và sự bao dung... Trường học phải trở về giá trị cốt lõi dạy thực, học thực, thi thực mang đến hứng thú, khát vọng, niềm tin cho học sinh; không nên chạy theo bệnh thành tích với những danh hiệu “hữu danh vô thực”. Trong lớp học, giáo viên hãy xây dựng một môi trường thân thiện để học sinh yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau trưởng thành.

Nhận diện được áp lực của học sinh để có những giải pháp phù hợp, kéo giảm là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên muốn đạt được hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ, kiên trì và quyết liệt hơn. Chuyển áp lực thành động lực, tạo môi trường giáo dục lành mạnh để các em rèn luyện, học tập, trở thành “kim cương”. Đó chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhân cách, kỹ năng và văn hoá trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

DIỆU MAI


Liên kết hữu ích