Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuyển sinh 2019:

Học lực loại giỏi mới được vào sư phạm, y khoa 

Cập nhật ngày: 30/01/2019 - 06:14

BTN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư (dự thảo) sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019. Một trong những sự thay đổi thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục là học sinh phải được xếp loại giỏi về học lực ở năm lớp 12 mới được dự tuyển vào trường sư phạm.

Thí sinh Tây Ninh dự thi THPT quốc gia năm 2018.

NÂNG CHUẨN ĐẦU VÀO

Theo quy định tại bản dự thảo, để vào học ở Trường đại học Sư phạm, học sinh phải tốt nghiệp THPT và được xếp loại giỏi học lực ở năm lớp 12. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với học sinh đăng ký dự tuyển vào hệ cao đẳng, trung cấp sư phạm, điều kiện đặt ra là phải có học lực loại khá ở năm lớp 12.

Ở hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp sư phạm, các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên, thông tư dự thảo còn quy định đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học. Theo quy định này, để được dự tuyển vào các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực loại giỏi ở lớp 12. Các ngành còn lại thuộc hệ thống trường đào tạo ngành y chỉ cần tuyển học sinh có lực loại khá ở năm lớp 12.

Ngoài hai nội dung quan trọng như vừa nêu, dự thảo thông tư còn quy định, các đơn vị, cơ sở đào tạo phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng: cơ sở vật chất, gồm phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành. Đối với thí sinh, sau khi trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học, và trường được xét tuyển thí sinh khác.

Thời hạn để Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội cho thông tư (dự thảo) sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 là 30 ngày, từ 24.1 - 24.2.2019.

BÀI TOÁN.... NHIỀU MÂU THUẪN

Trao đổi với một số giáo viên, cán bộ quản lý đang công tác trong ngành Giáo dục ở Tây Ninh thì được biết, những quy định trong bản dự thảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố tuy cần thiết, nhưng không phải không có những bất cập.

Trước hết, đối với quy định học lực loại giỏi mới được dự tuyển đại học sư phạm và một số ngành đại học y khoa, các ý kiến được hỏi đều thống nhất rằng, mục đích của quy định ấy nhằm cải thiện chất lượng đầu vào, đặc biệt là của Trường đại học Sư phạm. Lý do, trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm qua, xã hội đã chứng kiến sự đi xuống rõ rệt (qua điểm thi đầu vào) đối với hệ thống trường sư phạm, không chỉ trung cấp, cao đẳng mà cả bậc đại học cũng vậy. Việc nghề sư phạm nói chung, hệ thống trường đào tạo giáo viên nói riêng rơi vào tình trạng ”thoái trào” có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân nào giải pháp đó, nâng điểm chuẩn, quy định chuẩn đầu vào đối với trường sư phạm được coi là cần thiết để từng bước vực dậy chất lượng giáo viên. Tuy vậy, mục đích tốt đẹp này lại nảy sinh vấn đề ngay trong nội tại của nó, đó là, hệ thống trường sư phạm vốn đã khó tuyển sinh, nay với quy định này, nguồn tuyển lại càng khan hiếm hơn.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân (cả gián tiếp và trực tiếp), những học sinh thật sự có học lực giỏi hầu như không chọn ngành sư phạm, nếu có, số lượng cũng không nhiều. Gần 20 năm qua, xã hội chứng kiến sự xuống dốc không phanh của nghề dạy học nói chung, hệ thống trường sư phạm nói riêng. Hầu như rất ít trường sư phạm tuyển sinh đủ chỉ tiêu, có trường đã phải sáp nhập với trường khác, trường chưa sáp nhập thì đang tồn tại vật vờ, lâm cảnh “chợ chiều”.

Như vậy, với quy định như trong dự thảo, việc tuyển sinh vào trường sư phạm đã khó lại càng trở nên khó hơn. Tuy vậy, cũng có một ý kiến khác nhìn nhận với thái độ tỉnh táo hơn, theo đó, dù cho các trường sư phạm có tuyển không đủ chỉ tiêu, nguồn cung giáo viên cũng không thiếu, vì lực lượng này đang thất nghiệp hoặc làm trái nghề rất nhiều. Rất hiếm hoi, một giáo viên đang dạy ở cấp THPT nhận định, trước sau gì Bộ GD-ĐT cũng bỏ quy định này, vì nếu giữ nguyên, sẽ khó tuyển đủ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với các trường đại học y khoa, quy định có học lực loại giỏi nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào của nghề đặc biệt này, đó là chữa bệnh cứu người. Y khoa là nghề trực tiếp quyết định sinh mạng của những người không may bị bệnh. Do vậy, nâng chất lượng đào tạo của bác sĩ là cần thiết. Mặc dù vậy, các ý kiến được hỏi đều chung nhận định, khi tuyển sinh vào đại học y, các trường xét tuyển theo tổ hợp môn học (nói theo cách cũ là tuyển sinh theo khối).

Những trường y khoa thường tuyển sinh 3 môn Toán, Hoá học và Sinh học. Những thí sinh có ý định thi vào ngành này thường đầu tư cho ba môn học nêu trên ngay từ khi học lớp 10. Như vậy, những học sinh này có thể học giỏi ba môn học kể trên để phục vụ cho khối thi của mình, và đó có thể là những học sinh giỏi, nhưng lại khó có thể được công nhận học sinh giỏi theo quy chế hiện hành.

Theo quy định, để được xếp loại giỏi về học lực, học sinh phổ thông phải học khá, giỏi các môn, tổng kết trung bình môn cả năm học không được có môn nào dưới 6,5 điểm. Thực tế, có không ít học sinh không được công nhận học sinh đạt loại giỏi về học lực chỉ vì một số môn học bị khống chế.

Ngoài những ý kiến nêu trên, có ý kiến khác cho rằng với quy chế thi THPT quốc gia, học sinh muốn được xếp loại giỏi về học lực không có gì quá khó. Sự hoài nghi ấy thật ra không phải vô căn cứ. Trong mấy năm qua, Bộ GD-ĐT áp dụng quy chế, điểm tốt nghiệp THPT bao gồm cả điểm thi và điểm học tập năm lớp 12 cộng lại (điểm học bạ).

Chỉ sau vài ba năm áp dụng, số lượng học sinh được công nhận có học lực loại giỏi ở trong trường phổ thông đã tăng một cách bất thường. Sau khi kết quả kỳ thi THPT quốc gia được công bố, không khó để nhận thấy nghịch lý, có thí sinh tuy được xếp loại giỏi về học lực nhưng điểm bài thi chỉ được 1, 2 điểm, thậm chí có cả điểm liệt. Việc cộng điểm trung bình của năm lớp 12 vào kỳ thi THPT quốc gia, lúc đầu chỉ được xem như phao cứu sinh cho những học sinh yếu, nay đã biến tướng, không chỉ cứu những học sinh từ học yếu thành trung bình, khá mà cả loại giỏi. Bệnh thành tích, trên thực tế đã “biến chứng” hết sức nặng nề.

Một thông tin từng được bàn luận, tranh cãi nhiều nhưng chưa thấy đề cập trong bản dự thảo lần này, đó là, điểm học tập trung bình ở năm lớp 12 sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm kết quả thi THPT quốc gia? Trước “biến chứng” của bệnh thành tích, nhiều ý kiến cả trong và ngoài ngành kiến nghị cần hạ điểm trung bình lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp xuống còn 30%, không nên giữ mức 50% như mấy năm qua.

Bản dự thảo thông tư còn quy định, các đơn vị, cơ sở đào tạo phải bảo đảm cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau hai năm ra trường... Những quy định đó ít nhiều có ý nghĩa, ví dụ chuyện trường lớp phải bảo đảm mới dạy, học tốt. Riêng chuyện thống kê sinh viên có việc làm, công bố công khai trên mạng, điều này mang tính hình thức, vì số liệu liên quan đến sinh viên có việc làm hoặc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đều không đáng tin cậy.

VIỆT ĐÔNG