Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạo lực gia đình:

Im lặng hay lên tiếng ? 

Cập nhật ngày: 05/07/2019 - 23:03

BTN - Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, tác động xấu đến sự hình thành nhân cách, phát triển tâm lý và môi trường giáo dục thế hệ trẻ.

Hội thi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

NHỮNG VỤ VIỆC ĐÁNG BUỒN

Trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ bạo hành gia đình mà nạn nhân là người già, chị em phụ nữ, thậm chí là trẻ nhỏ. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip ghi lại vụ việc một người đàn ông trung niên có hành vi đánh đập một cụ bà. Theo nội dung đoạn video, người đàn ông dùng chân đạp thẳng vào đầu, mặt bà lão.

Mặc cho cụ bà ốm yếu nằm dưới đất, ra sức van xin, người đàn ông vẫn nhẫn tâm hành hạ, kèm theo những lời chửi bới thiếu văn hoá. Được biết, cụ bà tên là N.T.T (sinh năm 1940) và người đánh đập bà chính là con trai của bà tên là N.V.T (sinh năm 1971), làm nghề hàn, cùng ngụ tại xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành.

Mới đây, vào khoảng giữa tháng 6, trên mạng xã hội xôn xao việc một em bé tên T.N.M.T (sinh năm 2013) bị mẹ ruột và một phụ nữ khác đánh đập dã man bằng cây sắt và cán chổi. Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi liên hệ và gặp anh Đặng Văn Phúc - Đội trưởng Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh. Anh Phúc cho biết, tối 13.6, đội nhận được thông tin phản ánh từ người dân về việc cháu T bị bạo hành dã man tại một phòng trọ ở hẻm 68 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 3, TP.Tây Ninh.

Đội đã cử người xuống địa chỉ nói trên nhưng khi tiếp cận được thì phòng trọ bị khoá ngoài. “Qua cửa sổ, tôi và những người khác vô cùng bức xúc khi nhìn thấy toàn thân cháu bé đầy thương tích, nhiều vết thương ửng đỏ, sưng to ở đầu, vai, lưng, tay chân và hai bên hông”, anh Đặng Văn Phúc bày tỏ.  

Để đưa đứa trẻ ra ngoài, chủ nhà trọ phải gọi mẹ cháu về mở cửa phòng. Ngay sau đó, Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh liên hệ với lực lượng Công an để thông báo sự việc. Khi tiếp cận được với cháu bé, Đội nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Tại đây, bé T được các bác sĩ chụp CT chẩn đoán hình ảnh não và thân thể cùng các xét nghiệm khác. Hiện tại, sức khoẻ của bé đã tạm ổn định, được người thân chăm sóc (cậu ruột và bà ngoại). Anh Đặng Văn Phúc cho biết thêm, qua tìm hiểu, việc bạo hành bé T xảy ra thường xuyên là do không chịu học bài, chơi game, không nghe lời…

Trao đổi về vấn đề này, CATP.Tây Ninh xác nhận 2 phụ nữ bạo hành, đánh đập gây thương tích cho bé T là mẹ ruột của cháu tên Lê Thị Thu Thảo (sinh năm 1992, ngụ xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) và Lê Nhật Thu (sinh năm 1992, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh). Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng Công an đã mời 2 đối tượng lên trụ sở để làm việc. Qua điều tra, cả 2 khai nhận đã nhiều lần đánh bé T bằng cán chổi với lý do bé không ngoan, không chịu nghe lời. Công an TP.Tây Ninh đang thụ lý điều tra, đồng thời chờ kết quả trưng cầu giám định thương tích để làm rõ vụ bạo hành cháu T.N.M.T.

“N” NGUYÊN NHÂN

Từ năm 2008 - 2018, Công an tỉnh tiếp nhận 437 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó, xâm phạm về thân thể 258 vụ, xâm phạm về tinh thần 156 vụ, xâm phạm về kinh tế 18 vụ, xâm phạm về tình dục 5 vụ. Chủ yếu về các tội như giết người, hiếp dâm trẻ em, cố ý gây thương tích… Công an tỉnh đã xử lý hình sự 61 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 371 đối tượng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn 1 đối tượng. Ngoài ra, lực lượng Công an phối hợp với chính quyền địa phương hoà giải trên 200 trường hợp mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng…

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hoàn thiện khung luật pháp, chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức, hành động của mọi người có chuyển biến tích cực. Số vụ bạo lực gia đình giảm qua từng năm, cụ thể năm 2008 toàn tỉnh xảy ra 873 vụ, đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn 120 vụ và năm 2018 còn 72 vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại, nhiều vụ xảy ra nhưng không ai hay biết, ngoại trừ chính nạn nhân. Hội LHPN tỉnh chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, kinh tế khó khăn, chồng hoặc vợ tham gia vào tệ nạn xã hội như nghiện bia rượu, ma tuý, cờ bạc, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình như tảo hôn, vợ hoặc chồng ngoại tình, trình độ văn hoá thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế…

Một vị công chức văn hoá - xã hội cấp xã cho hay, nhiều người còn quan niệm bạo lực trong gia đình là “chuyện nội bộ”, không nên “vạch áo cho người xem lưng”. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thường sống cam chịu, nhẫn nhịn, sợ mọi người chê cười, không dám lên án việc bản thân bị bạo lực để các cấp chính quyền can thiệp, xử lý.

“Một số người dù là hàng xóm xung quanh chứng kiến, hiểu rõ vụ bạo lực gia đình nhưng e ngại, tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm, sợ bị hiểu lầm vì can thiệp vào chuyện gia đình người khác. Chính tâm lý sợ đụng chạm, không dám lên tiếng đã gián tiếp khiến hành vi bạo lực trong gia đình tiếp tục tồn tại, ngày càng phức tạp!”, anh Đặng Văn Phúc - Đội trưởng Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh cho biết.

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH - CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Đại diện Công an tỉnh cho biết, cơ quan Công an thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị bạo lực. Tuyên truyền các nội dung trong Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi bạo lực gia đình. Tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, điều tra, xử lý, tư vấn pháp lý, trực tiếp xử lý hành chính, hình sự đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình.

Đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, bên cạnh các đối tượng được trợ giúp theo quy định, phụ nữ là đối tượng quan tâm hàng đầu trong chính sách trợ giúp pháp lý của đơn vị. Đơn vị miễn phí cho đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của bạo lực gia đình; giải đáp thắc mắc, chú trọng vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, giúp họ nâng cao hiểu biết, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ năm 2008-2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện hơn 5.500 vụ; trẻ em, phụ nữ thuộc diện được trợ giúp có 192 người. Đơn vị cử luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em trong vụ án dân sự, hình sự, hành chính là 192 vụ, trong đó có 2 vụ bạo lực gia đình.

Với mong muốn đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đã quyết liệt vào cuộc, đòi lại giá trị bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em. Nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được hình thành, mang lại sự kỳ vọng về một xã hội bình đẳng, không có bạo lực.

Hội LHPN tỉnh thành lập mô hình điểm “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc” tại xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành) và xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu); nhân rộng mô hình tại phường 1 (TP.Tây Ninh) để hỗ trợ, hàn gắn mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Mô hình giúp hoà giải thành công 30 trường hợp, trong đó 15 trường hợp bạo lực gia đình có chuyển biến tốt.

Cùng chung mục tiêu kéo giảm bạo lực gia đình, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Sở đã triển khai thí điểm mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh” tại phường 1. Địa chỉ này sẽ tiếp nhận bất kỳ ai bị bạo hành, không phân biệt địa bàn. Khi hoạt động, phòng tạm lánh có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến bạo lực hay các vấn đề bình đẳng giới. Tháng 11.2018, UBND phường 1 tổ chức thành lập Ban Quản lý địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh với 7 thành viên, tận dụng một phần cơ sở vật chất hiện có của Trạm Y tế phường làm phòng tạm lánh.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành Trần Thanh Nhơn cho biết, địa phương là vùng nông thôn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và lao động thời vụ. Trình độ dân trí còn thấp, dễ nảy sinh vấn đề phức tạp như bạo lực gia đình. Ban Chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình xã hỗ trợ Câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới từng bước kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình.

“Từ năm 2015 đến nay, ấp Trường Thọ chỉ có 1 vụ phát sinh mâu thuẫn trong gia đình. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ kịp thời phối hợp đoàn thể vận động hoà giải giúp gia đình hoà thuận, tiếp tục chăm lo con cái học tập”, thành viên Câu lạc bộ chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Lạo, cộng tác viên gia đình của ấp Long An, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn bạo lực gia đình, cần làm tốt công tác thu thập thông tin. Khi hộ gia đình nảy sinh mâu thuẫn, có nguy cơ xảy ra bạo lực, cần gặp trực tiếp, gặp riêng từng thành viên để phân tích, tư vấn kéo giảm xung đột đến mức thấp nhất.

Bạo lực gia đình là vấn nạn không trừ một ai, từ thành thị đến nông thôn, người giàu đến người nghèo, cụ già đến trẻ nhỏ. Bất kể ở đâu, bạo hành gia đình là không thể chấp nhận được. Bên cạnh sự nỗ lực giảm thiểu bạo lực gia đình của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nạn nhân bị bạo hành phải lên tiếng, chủ động bảo vệ bản thân, nỗ lực vì một xã hội không bạo lực.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI