BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu Công nghiệp Phước Đông:

Ký túc xá chờ công nhân

Cập nhật ngày: 26/12/2016 - 18:12

Những dãy KTX khang trang của Công ty TNHH Brotex Việt Nam ở Khu công nghiệp Phước Đông.

Để tìm hiểu vấn đề này, chiều ngày 20.12.2016, chúng tôi đến Khu công nghiệp đô thị- dịch vụ Phước Đông- Bời Lời (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, gọi tắt là KCN Phước Đông)- nơi có tỷ lệ xây dựng KTX cho công nhân so với nhu cầu cao nhất ở Tây Ninh hiện nay để ghi nhận tình hình thực tế.

Điển hình như Công ty TNHH Brotex Việt Nam, hiện có 8 dãy KTX với 714 căn hộ rất đẹp. Các dãy nhà KTX này được xây dựng ở vị trí cao ráo, sạch sẽ. Bên ngoài khu KTX có các dịch vụ như quán ăn, quán cà phê, tiệm bán tạp hoá, dịch vụ cắt tóc, uốn tóc v.v... Trong khuôn viên, có cây xanh, hoa kiểng được cắt tỉa gọn gàng, có đường giao thông nội bộ thảm bê tông nhựa phẳng phiu, rộng rãi, có hệ thống chiếu sáng.

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao cho công nhân, trong khu KTX còn có các sân bóng đá, bóng chuyền, các phòng tập thể hình, bóng bàn, bi-da, khiêu vũ, hội trường với sức chứa cả ngàn người. Trong mỗi dãy KTX có chỗ nấu ăn tập trung, có máy giặt công cộng.

Trong mỗi phòng, có 2 giường tầng bằng sắt, trải nệm đủ chỗ ở cho 4 người; bên cạnh đó là bàn, ghế, đèn chiếu sáng, phòng vệ sinh riêng, đặc biệt tất cả các phòng đều được lắp đặt máy điều hoà không khí. Đáng chú ý là công nhân vào KTX để ở được sử dụng các phòng chức năng khác và nước sinh hoạt hoàn toàn miễn phí. Tiền điện mỗi người được miễn phí 3 kW đầu/tháng, từ kW thứ tư trở lên mới phải trả tiền.

Công nhân Tú trong KTX.

Mặc dù điều kiện ở KTX hấp dẫn như vậy, nhưng trên thực tế, nhiều công nhân vẫn “chê” KTX. Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh gửi Bộ Xây dựng để phục vụ hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở cho công nhân, hiện nay, Công ty TNHH Brotex Việt Nam đã xây dựng hoàn chỉnh 714 căn hộ, nhưng mới chỉ có 1.999 công nhân vào ở, còn 857 chỗ ở khác đang bỏ trống. Vì sao? Nam công nhân Võ Thanh Tú, đang làm việc ở bộ phận sản xuất “sợi con” của Công ty TNHH Brotex Việt Nam- đang ở trong KTX của công ty này cho biết, gia đình em ở xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, cách công ty hơn 5km), em vào làm công nhân được gần 3 năm. Trước đây, em ở nhà, khoảng 8 tháng gần đây, em xin vào ở trong KTX. Cùng phòng với em còn có hai công nhân khác. “Vào đây ở thoải mái, yên tĩnh, khỏi mất thời gian đi, về so với ở nhà”, Tú nói.

Về chi phí, khi nào thời tiết nóng nực, em với hai bạn mới mở máy lạnh. Vì vậy, trừ số kW điện tiêu thụ được miễn phí, mỗi tháng, bản thân em chỉ đóng khoảng 100.000 đồng tiền điện, ngoài ra không còn tốn thêm khoản phí nào cả.

Tuy nhiên, không phải công nhân nào cũng chọn vào KTX ở như thế, hàng ngàn công nhân khác về nhà ở hoặc thuê nhà trọ ở chứ không chịu vào KTX trú ngụ. Một cán bộ của Công ty Đầu tư Sài Gòn (VRG)- đơn vị quản lý, đầu tư, khai thác KCN Phước Đông- cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc KTX còn bỏ trống. Do khu công nghiệp này mới hình thành nên hầu hết công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp là người dân trong tỉnh.

Hằng ngày, các công nhân đều có xe ô tô khách đón đến công ty và đưa về tận nhà riêng, hoặc họ tự dùng phương tiện của mình để đi lại. Ngoài ra, nội quy KTX hạn chế giờ giấc ra vào cổng, quy định chặt chẽ việc cho người ngoài vào trú ngụ, nghiêm cấm việc uống rượu, đánh bạc, cãi vả. v.v... khiến các công nhân trẻ không cảm thấy thoải mái. Một nguyên nhân khác, có lẽ có tính chất quyết định nữa là theo quy định của các công ty, công nhân nào không ở trong KTX thì được hỗ trợ tiền xăng xe 300.000 đồng/tháng. Nhiều công nhân chấp nhận sử dụng khoản hỗ trợ này về nhà ở, hoặc ra ngoài khu công nghiệp thuê nhà trọ ở cho “thoải mái” hơn.

Phòng ở của KTX rộng rãi, có máy lạnh sang trọng.

Vị cán bộ này cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, Công ty VGR đã đầu tư xây dựng một khu KTX riêng với quy mô 158 phòng, mỗi phòng có thể ở được 4 người, nhưng cho thuê với giá rẻ bằng phân nửa giá phòng trọ bên ngoài. KTX này cũng có sân cầu lông, sân bóng đá và trồng cây xanh rợp mát.

Đặc biệt là nội quy KTX của Công ty VGR “thoáng” hơn những quy định của các KTX khác. Tính đến nay đã có hơn 100 phòng được công nhân thuê ở. Nữ công nhân Nguyễn Thị Thu Thảo, đang làm việc trong Công ty TNHH Ilshin Việt Nam (thuộc KCN Phước Đông) là một trong những trường hợp như thế. Thảo kể, nhà cô ở tỉnh Bình Dương, qua đây làm công nhân được gần 2 năm. Trước đây, Thảo cùng với một người bạn thuê nhà trọ trước cổng khu công nghiệp để ở. Chi phí tiền nhà, điện, nước, mỗi tháng khoảng 800.000 đồng/người. Hai tháng nay, Thảo vào KTX của Công ty VGR thuê riêng một phòng để ở.

Cô công nhân này bộc bạch: “Tiền thuê phòng 500.000 đồng/tháng, cộng với tất cả các khoản chi phí điện, nước, tháng vừa rồi, tổng cộng em tốn chưa tới 800.000 đồng mà chất lượng chỗ ở tốt hơn phòng trọ thuê ngoài nhiều”. Thảo còn nhận xét, ở trong KTX này an ninh trật tự bảo đảm hơn so với ở bên ngoài, lại được gần công ty, đi làm thuận tiện hơn và được ở một mình một phòng hết sức thoải mái.

Phòng bóng bàn dành cho công nhân tập luyện miễn phí.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay ở Tây Ninh, có hơn 37.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở, họ đang tá túc trong khoảng 15.000 phòng trọ của tư nhân xây dựng gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, nhiều KTX của các công ty còn đang bỏ trống. Hy vọng trong thời gian tới, khi có thêm nhiều công ty hoạt động, sẽ thu hút nhiều lực lượng lao động ngoài tỉnh đến Tây Ninh làm việc, lúc ấy chắc chắn các KTX sẽ lấp đầy.

ĐẠI DƯƠNG